Một thế giới khác trong lòng Hà Nội - Kỳ 1: Những mảnh đời ghép lại

13/08/2009 09:45 GMT+7

Không điện, không nước sạch, không chứng minh thư, hộ khẩu, lấy nhau không cần hôn thú, nhưng cũng thật kỳ lạ, ở đó cũng không có trộm cắp, không tệ nạn... Ấy là cuộc sống tại một xóm nghèo với 20 nóc nhà bè ở bãi Giữa sông Hồng thuộc quyền quản lý của phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội.

Làn da đen bóng, gương mặt gân guốc, những hình xăm trên người ông khiến cho người mới gặp lần đầu có cảm giác hơi sờ sợ, pha chút hồ nghi. Đó là Nguyễn Đăng Được, cư dân lâu năm nhất của xóm nhà bè. Câu chuyện của người đàn ông 63 tuổi này đủ viết thành một tiểu thuyết trường thiên.

Quê ở Quảng Bình, sinh ở Thái Lan, về nước năm 1958, năm 1964 nhập ngũ và vào Nam. Khi các đồng đội hy sinh hết, cơ sở bị vỡ, tìm được đường trở ra Bắc thì mọi thứ giấy tờ đều không còn, Nguyễn Đăng Được kiếm sống quanh chợ Đồng Xuân. Năm 1990, ông dựng lều sống dưới gầm cầu Long Biên và cứu được nhiều người lên cầu quyên sinh, đồng thời vớt hàng chục xác chết trôi sông rồi chôn cất họ ngay trên bãi.

Trên căn nhà nổi đóng bằng thùng phuy và phế liệu, ông Được chung sống với hai bà vợ tuổi mới tứ tuần, một bà tên Hiền, quê ở Tiên Lãng (Hải Phòng), bà kia tên Hoa ở Phúc Thọ (Hà Nội). Họ sống hòa thuận và sinh được bốn đứa con khôi ngô. Hỏi ông, làm thế nào mà có thể cưới hai bà vợ trẻ một lúc thế kia, ông chỉ cười. Đi làm gặp nhau, thương nhau thì về với nhau thôi. Như để chứng minh cho hạnh phúc gia đình mình, ông chỉ vào mấy đứa con: “Chúng nó đã từng được hướng dẫn làm phim. Một đứa còn sắp đi Hàn Quốc để tuyên truyền về sử dụng nước sạch”. Bộ phim tư liệu về cuộc sống của xóm bãi do một nữ thạc sĩ hướng dẫn bọn trẻ thực hiện, còn chuyến đi là do một tổ chức nhân đạo mời.

Hai đứa con đi học ở một lớp học tình thương vừa mang về hai mươi cân gạo do một tổ chức từ thiện hỗ trợ hàng tháng, nên thùng gạo trong nhà đang đầy. Ngoài ra, trong nhà không còn gì đáng giá ngoài chiếc tivi Samsung đen trắng cũ kỹ và sứt sẹo. “Lấy đâu ra mà sắm hả anh, đi nhặt phế liệu, mỗi ngày kiếm được vài chục nuôi các cháu đã là quí rồi”.

Hàng xóm ông Được là bà Nguyễn Thị Hanh, 72 tuổi, người Mỹ Đức, Hà Tây cũ. Bà lấy chồng người ở Lệ Chi (Gia Lâm, Hà Nội), nhưng nhà chồng không thừa nhận nên phải tha phương kiếm sống ngoài Hà Nội. Năm 1996, chồng chết, từ trên chợ, bà dạt xuống bến sông này và sống cùng con trai tên là Đức Anh làm ở công ty bánh kẹo Hoàng Mai. Anh này đã có vợ là cô Cài, người Hải Hậu (Nam Định) nhưng sinh trưởng ở ngay xóm đò.

“Chúng nó lấy nhau nhưng làm gì có đăng ký kết hôn. Cưới cũng tổ chức ngay ở đây thôi, làm gì có điều kiện mà mở mang như ở trên phố”, bà Hanh nói. Con gái bà là cô Ánh cũng lấy chồng trong xóm và ở một nhà bên.

Trong căn nhà nổi bé tí của bà Hanh, còn có một thanh niên tên Biên làm nghề đánh giày, kết nghĩa với gia đình, cùng chung sống. Trong nhà còn có một cái ban thờ với ảnh của hai người đàn ông. “Bố chồng tôi với lại chồng tôi đấy. Tôi không biết mặt bố chồng vì ông cụ chết trước khi chúng tôi lấy nhau, có cái ảnh này thì phóng to để thờ vì chồng tôi là trưởng”.

“Hầu hết họ là những trường hợp rổ rá cạp lại. Mỗi người mỗi hoàn cảnh. Được cái ở đấy họ thương yêu nhau và chưa để xảy ra chuyện gì phức tạp, dù chúng tôi chưa làm đăng ký kết hôn hay khai sinh, khai tử cho một người nào” - bà Lê Thị Bích Hoài, Phó chủ tịch phường Ngọc Thụy, quận Long Biên cho hay. Lời bà nói làm tôi nhớ đến hai đứa nhỏ một trai một gái nhưng đứa họ Hoàng, đứa họ Nguyễn. Chúng là con của cặp vợ chồng trẻ gốc gác ở phố Hàng Buồm, nay dựng nhà dưới bãi và sống bằng một quán nước nhỏ trên cầu Long Biên. Sự nhạy cảm khiến tôi chẳng dám hỏi vì sợ động chạm vào những điều riêng tư của họ.

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: Lưu Quang Phổ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.