Lương y sưu tập đồ cổ từ... phế liệu

09/04/2009 17:59 GMT+7

(TNTS) Tự cho mình thuộc hàng "tép riu" so với giới chơi đồ cổ trong Nam ngoài Bắc, vì thế anh Lâm Dũ Xênh ở thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã chọn cho mình cách "săn" đồ cổ từ... phế liệu.

Tiệm thuốc bắc... đầy cổ vật

Là chủ nhân của tiệm thuốc bắc gia truyền Bố Di - Tuyền Lợi khá nổi tiếng ở thị trấn Châu Ổ, nhưng lương y Lâm Dũ Xênh lại rất "máu" với đồ cổ. Bất kể nắng, mưa hay đêm khuya cứ nghe ở nơi nào phát hiện được cổ vật là anh lập tức lặn lội tìm đến cho bằng được. Anh thú nhận niềm đam mê sưu tập cổ vật như đã ngấm vào máu thịt nên khó lòng rứt ra được.

Ngôi nhà 4 tầng bề thế thuộc loại nhất nhì thị trấn nhưng bên trong lại khá chật chội, đi chỗ nào cũng đụng cổ vật. Từ tầng 1 đến tầng 4, cổ vật gồm đồ sành sứ, trống đồng Đông Sơn, chum, ché, tiền cổ, tượng, lục lạc, bình ly, chén... của nhiều quốc gia, nhiều dân tộc có niên đại từ trăm năm đến cả ngàn năm được xếp san sát nhau. Thậm chí, lối đi của cầu thang cũng bị trưng dụng. Bước lên đến tầng 4 - tầng dành riêng để lưu giữ cổ vật, mắt tôi như hoa lên, choáng ngợp và thầm nể phục một lương y chưa đến tuổi ngũ tuần lại sở hữu nhiều cổ vật đến thế, chỉ riêng tiền cổ không thôi đã có trên 200 loại được đúc bằng đồng và hơn 50 loại bằng kẽm, khối lượng khoảng 1,4 tấn với đủ các loại tiền thuộc các triều đại phong kiến các nước như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Pháp.

 "Trong kho tiền cổ này tôi sưu tập được nhiều và đủ loại nhất là tiền từ thời Bắc Tống đến nhà Thanh (Trung Quốc), từ thời tiền Lê đến triều nhà Nguyễn (Việt Nam), trong đó cổ nhất và quý hiếm nhất là đồng tiền Ngũ Thù - thời nhà Hán (Trung Quốc), tiền có khắc chữ bùa phép để trấn yểm ma, tà. Hay tiền Bát Quái, tiền dành riêng cho khách làng chơi chốn lầu xanh ngày xưa có một mặt được khắc 4 chữ phong, hoa, tuyết, nguyệt, một mặt đúc nổi hình 4 cặp nam nữ đang trong cuộc mây mưa", anh Xênh kể. Dẫn đi vòng quanh trong ngôi nhà chứa đầy cổ vật, anh Xênh còn giới thiệu thêm những món "độc" đã sưu tập được trong 20 năm qua: hơn 10 hũ chứa đầy tiền cổ còn nguyên vẹn, hơn 350 cái ché, trong đó có trên 200 cái ché trắng xanh Vạn Ninh hoặc như trống đồng Đông Sơn, mộ chum của người Sa Huỳnh. Anh Xênh bật mí, trong hàng ngàn cổ vật hiện có thì đa phần là sưu tập được qua những người chuyên rà phế liệu hoặc các vựa thu mua phế liệu.  

Những đồng tiền cổ anh Xênh sưu tập được

Truy lùng vựa phế liệu

Không có nhiều tiền để mua lại cổ vật từ giới chơi đồ cổ nên anh Xênh "giải quyết" thú đam mê bằng cách là phải chịu khó, lặn lội khắp nơi, hỏi thăm, lân la làm quen với những người rà phế liệu, vựa thu mua phế liệu. Ban đầu chỉ quẩn quanh ở Quảng Ngãi sau đó đến Quảng Nam, Huế, Nha Trang rồi "mở rộng" lên các tỉnh Tây Nguyên.

Xác định được địa điểm của vựa phế liệu, mỗi khi đi công chuyện anh lại tạt ngang ngó xem có gì không. Thế mà không ít lần lại gặp may. Anh Xênh kể, cách đây hơn 10 năm trên đường vào TP Quảng Ngãi bỗng dưng chực nhớ lâu quá chưa ghé lại một vựa phế liệu ở xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh. Vừa đến nơi, chủ cơ sở này chuẩn bị đưa 15 mảnh vỡ bằng đồng lên xe. Thấy anh săm soi quá lâu, bà chủ nói: "Đồng chính cống đấy ông anh ơi, mua hay không nói nhanh cho tôi nhờ để biết chừng chuyển lên xe đang chờ ngoài ngõ kìa. Giá 70.000 đồng/kg không nói thách đâu?". Nhận diện đúng hàng hiếm, anh Xênh mừng quýnh, trả ngay tiền, chạy xe một mạch về nhà cất kỹ. Năm 2008, từ những mảnh đồng vỡ này, ông Tô Quang Dũng, chuyên viên của Hiệp hội UNESCO VN, đã phục dựng thành công chiếc trống đồng Đông Sơn có niên đại cách đây gần 2.000 năm. Đây là chiếc trống C, loại Hegel III, được đúc vào khoảng thế kỷ I - III sau Công nguyên có đường kính 42 cm, cao 23 cm, trên mặt trống có biểu tượng mặt trời 12 tia, hoa văn bông lúa xung quanh mặt trời, hình người cách điệu xung quanh, bốn linh vật "con cóc" đúc nổi gắn liền trên mặt trống.

Anh Xênh còn có hai mộ chum của người Sa Huỳnh có niên đại cách đây hơn 2.000 năm đã được các chuyên gia phục dựng thành công, trong đó mộ chum lớn cao khoảng 1,3m, đường kính miệng chum 60 cm, mộ chum nhỏ cao 90 cm, đường kính miệng chum 40 cm. Anh cho biết đã bỏ công ròng rã cả tháng trời lặn lội khắp xã Bình Đông, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) để thu gom được hơn 2.000 mảnh vỡ, mảnh to nhất bằng bàn tay, mảnh nhỏ nhất chỉ bằng ngón chân cái từ lũ trẻ chăn bò lượm được khi một công ty san ủi mặt bằng xây dựng nhà máy ở Khu kinh tế Dung Quất cách đây chừng 10 năm. "Biết đồ gốm quý chẳng biết có phục dựng được thành mộ chum hay không nhưng tôi vẫn cất công thu gom cho bằng hết.  Cứ nghe trẻ chăn bò nào lượm được dù mảnh nhỏ hay to là đến mua ngay. Không ngờ, mấy anh chuyên gia Hiệp hội UNESCO lại phục dựng thành công. Nhờ thế mà tôi sở hữu được cổ vật quý", anh Xênh cười tươi. Đang trò chuyện với tôi, một cháu bé chừng 10 tuổi tay cầm bao nilon chạy vô la lên: "Chú Xênh ơi, cháu lượm được những đồng tiền lạ lắm, chú coi thử".  Không cần xem đúng tiền cổ hay không, anh Xênh mở ví cho ngay 5.000 đồng, cháu bé chạy vù ngay. Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, anh Xênh giải thích trẻ con ở đây cứ lượm được vật gì lạ lạ là đem đến. Thế mà có lúc lại được những đồng tiền cổ hẳn hoi nhưng có lúc lại là những đồng tiền xu cách đây vài chục năm.

Phục dựng thành công trống đồng Đông Sơn

Chấp nhận may rủi

20 năm sưu tập đồ cổ, anh Xênh đúc kết cho mình một điều khá lý thú, đó là đã mê đồ cổ thì phải chấp nhận chơi, chấp nhận may rủi mới chơi được lâu dài. Theo anh, nhiều người ban đầu cũng mê chơi đồ cổ nhưng qua vài lần phải trả "học phí ngu" nên lại đâm ra... ghét đồ cổ. Với anh dù tiếng Hán rất khá bởi ông nội anh là gốc người Hải Nam (Trung Quốc), đã từng theo học tiếng Hán hàng chục năm trời do các thầy người Đài Loan mở trường dạy tại Đà Nẵng trước năm 1975, rồi nghiên cứu, mày mò kiến thức, cách phân biệt đồ cổ thật hay giả từ các chuyên gia, từ sách báo, internet thế mà cũng "dính chấu" hàng chục lần bị lừa với số tiền lên đến 200 triệu đồng. Anh Xênh cho biết, phân biệt tiền thật, tiền giả trong đồ cổ rất khó, bởi qua thời gian nhiều đồng tiền bị biến dạng, phai màu.

Anh kể, cách đây chừng 5 năm, một người chuyên rà phế liệu ở huyện Núi Thành (Quảng Nam) "mách nhỏ" đã đào được một hũ tiền cổ. Nhìn cục tiền cổ không còn vỏ dính đầy đất nhưng các đồng tiền sắp xếp rất đẹp, anh Xênh sinh nghi, ngặt nỗi không biết thử bằng cách nào nên đành chấp nhận liều, khi về đến nhà xem kỹ mới biết bị lừa. Sau vụ này, anh mới phát hiện ra rằng họ dùng những đồng tiền được làm cách đây vài chục năm không có giá trị nhiều rồi nhào trộn với đất, bột keo dán lên tạo hình như hũ tiền cổ thật, do vậy nếu dùng lửa đốt thử bên ngoài bốc lên mùi keo thì đích thực là tiền cổ dỏm.

Hoặc như những món cổ vật đã sưu tập được nhưng nghĩ ít giá trị nên bán lại cho người khác, sau này mày mò nghiên cứu mới biết đó là cổ vật quý. "Đó là những viên ngọc ở bên mình mà mình không biết", anh Xênh tiếc rẻ. Theo anh Xênh, chuyện sưu tập đồ cổ từ phế liệu không chỉ có lòng nhẫn nại, mất nhiều công sức mà còn phải biết cách mua, đôi khi phải chấp nhận đau đớn nhìn những hũ tiền được phát hiện còn nguyên nhưng phải đập nát. Bởi lẽ những người rà phế liệu đồn đoán rằng trong mỗi hũ tiền cổ đều có vàng nên họ đưa ra "luật" là nếu mua phải đập để kiểm tra. Để có được những hũ tiền cổ còn nguyên vẹn, anh Xênh phải giải thích "rã cả miệng" nhưng họ đều khăng khăng chối từ. Vì thế đôi khi đành phải mạnh miệng cá cược: "Nếu đập một hũ mà không có vàng thì không được đập các hũ khác, còn nếu có vàng thì chẳng những số tiền cổ thuộc về các anh (những người rà phế liệu) mà tui còn đưa thêm tiền nữa". Nhiều lần mạnh miệng như vậy anh Xênh mới có được trong tay hàng chục hũ tiền còn nguyên vẹn. Những hũ tiền ấy cực kỳ giá trị, bởi bên trong có rất nhiều các loại tiền, ẩn chứa cả một thời kỳ lịch sử hoặc một triều đại phong kiến. Nhìn mỗi loại đồng tiền cổ cũng có thể phán đoán được thời kỳ lịch sử đó hưng thịnh hay binh biến.

Hũ tiền cổ anh Xênh sưu tập

Mơ ước xây bảo tàng

Kể từ lúc trở thành thành viên của Câu lạc bộ UNESCO VN, Lâm Dũ Xênh đã học hỏi được rất nhiều điều từ kiến thức, giá trị lịch sử văn hóa của từng cổ vật đến cách phục dựng cổ vật để bảo tồn, lưu giữ. Anh bảo rằng đó là niềm hạnh phúc lớn lao, sự may mắn nhất trong đời mình. Tham quan nhiều bào tàng trong nước, nhìn thấy những cổ vật mình có nhưng bảo tàng lại không nên anh đã nhiều lần hiến tặng cổ vật như những thanh kiếm thời Tây Sơn cho Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, Bảo tàng cách mạng Huế, Bảo tàng Quân đội nhân dân VN tại Hà Nội...

Bao năm cất công sưu tầm và sở hữu được hàng ngàn món cổ vật nhưng anh Xênh nói rằng nó chẳng có ý nghĩa gì khi chỉ cất giữ đầy nhà nên luôn ấp ủ một ngày nào đó xây được nhà bảo tàng đàng hoàng để trưng bày, giới thiệu với mọi người về những giá trị lịch sử, văn hóa của nhân loại. "Người sưu tập cổ vật văn hóa không mưu cầu bán cổ vật để làm lợi cho riêng mình. Đây là những hiện vật văn hóa nên phải đối xử có văn hóa, phải đặt đúng vị trí thì mỗi cổ vật mới thực sự có giá trị vô giá", anh Xênh tâm tình.

Bài & ảnh: Hiển Cừ 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.