Ký sự Mauritius: Mãi mãi Phi châu

26/02/2012 03:15 GMT+7

Dù đã đôi phần nhạt nhòa hương sắc châu Phi bởi sắc màu đa văn hóa, nhưng Mauritius vẫn mãi còn đó là một Phi châu với những bài ca bi tráng cùng những con người của biển, của núi rừng hùng vĩ.

Dù đã đôi phần nhạt nhòa hương sắc châu Phi bởi sắc màu đa văn hóa, nhưng Mauritius vẫn mãi còn đó là một Phi châu với những bài ca bi tráng cùng những con người của biển, của núi rừng hùng vĩ.

Từ kiếp nô lệ…

Thủ đô Port Louis của Mauritius nhỏ nhắn như Nha Trang của Việt Nam. Thành phố này gối đầu lên núi, hướng ra vịnh và cảng Port Louis. Bạn sẽ ngạc nhiên về sự đa sắc tộc của Port Louis nói riêng và Mauritius nói chung. Người Ấn Độ, người Hoa, người Pháp, người Anh đều có mặt để làm ăn và sinh sống ở đây.

Những ngày chúng tôi có mặt ở đảo quốc này cũng là thời gian diễn ra lễ hội thần Siva của người theo Ấn Độ giáo (chiếm đến 48% dân số Mauritius). Hàng đoàn người cứ mải miết đi bộ - có người thành kính thì đi chân đất, như cô Damini, hướng dẫn viên đoàn chúng tôi - để đến nơi có tượng thần Siva cao nhất Mauritius (33 mét) bên cạnh hồ Grand Bassin - nơi các tín đồ Ấn Độ giáo tự đặt là Tiểu sông Hằng để nhớ về dòng sông linh thiêng nơi phát sinh ra đạo giáo này.

Trong sự đa sắc đó, có một nơi mà có lẽ ai dừng chân ở Port Louis cũng phải một lần đến để thấy được phẩm giá con người bị chà đạp nhường nào: Aapravasi Ghat, cạnh bến cảng Port Louis, nơi có những du thuyền đậu san sát hiện nay. Aapravasi Ghat với khối nhà hình vuông cũ kỹ, nhưng hình như từng phiến đá thấm đẫm những giọt mồ hôi và cả máu của những người nô lệ. 

Lịch sử Mauritius đã thống kê: từ  năm 1834 đến 1920, nửa triệu người lao động từ Ấn Độ đã được đưa đến Aapravasi Ghat để làm việc trong các đồn điền mía. Những tòa nhà của Aapravasi Ghat là một trong những biểu hiện cho sự di dân lớn của thế kỷ 19. Đây cũng là nơi người Anh dùng để chuyển giao người lao động, nô lệ từ Ấn Độ hay các nơi khác trên thế giới đến Mauritius . 

Sự khốn cùng của người nô lệ, trên những cánh đồng mía hình như để lại vị mặn chát ở nơi này. Một cái gì đó âm u và xa xăm cứ hiện lên trong đầu tôi khi nhìn Aapravasi Ghat từ trên tầng  khách sạn Labourdonnais Waterfront. Nhưng giờ đây chắc vong hồn của những người nô lệ cũng ấm áp phần nào khi vào năm 1999, Aapravasi Ghat đã được trùng tu và sau đó được UNESCO công nhận là Di sản của thế giới. 

...đến phẩm giá con người


Di sản Le Morne Brabant - Ảnh: Trần Văn Trường 

Nếu Aapravasi Ghat là nơi phẩm giá con người bị chà đạp nhất dưới chế độ nô lệ, thì Le Morne Brabant ở phía tây nam Mauritius là nơi phẩm giá con người được bộc lộ đến cùng, dù phải nhảy xuống vực sâu để làm Người. Câu chuyện về hàng trăm nô lệ cùng nắm tay lại với lời thề: “Thà chết, chứ không làm nô lệ” qua lời kể của cô hướng dẫn viên Damini thật xúc động, nhất là giữa một buổi chiều lộng gió bên bờ biển với rất nhiều người Mauritius đang tự do đàn hát  vào ngày cuối tuần.

Damini kể rằng: “Vào ngày 1.2.1835, từ một đồn điền trồng mía hàng trăm nô lệ đã trốn thoát sau những ngày lao động khổ sai, họ bị cảnh sát truy đuổi, cùng đường chạy đến đỉnh núi này. Những khối đá dù cao hơn 500 mét so với mặt nước biển, nhưng làm sao thoát được những tay “săn nô lệ”, họ đã chọn cái chết. Sau lời thề, từng người một lao xuống vực sâu”.

Tôi như cố nhìn rõ hơn đỉnh núi ấy cùng hình ảnh của tượng đài trước khi người gác cổng khép lại cánh cửa khu tưởng niệm. Một phiến đá granite với hình gương mặt một người nô lệ, phía sau là 3 hình nhân đang lao xuống vực. Tất cả đều rất nhỏ bé. Nhưng trong cái nhỏ bé đó là sự vĩ đại của phẩm giá con người, dù ở thời đại nào cũng như thế: không gì khuất phục được cách sống mà con người đã lựa chọn. Chính thế năm 2008, UNESCO đã công nhận nơi này là di sản của nhân loại.

 
Điệu Saga của các vũ công - Ảnh: Lê Trần Quỳnh

Ngoài bãi biển đang có rất nhiều gia đình người Mauritius đang nô đùa cùng nhau. Họ đang cùng nhảy điệu Saga trước biển với những giai điệu rộn ràng - điệu múa mà ngày xưa người nô lệ phải nhảy trong bóng tối, không trống, không kèn… Tôi chợt nghĩ, trong những người này, liệu có ai là con cháu của những người nô lệ vĩ đại kia?

“Quang vinh thuộc về Người, ơi Tổ quốc, đất nước cha mẹ của ta. Đẹp đẽ biết bao, thơm ngát biết bao. Chúng ta hãy đoàn kết thành một dân tộc, một quốc gia, mãi mãi hưởng hòa bình, công bằng, tự do. Tổ quốc thân yêu, cầu mong thượng đế phù hộ cho người, thiên thu, vạn đại thịnh hưng” (Quốc ca Mauritius, theo Nguồn gốc tên gọi các nước trên thế giới - NXB Văn hóa - Thông tin 2008).

Vâng, những lời ca hào hùng cùng điệu Saga vẫn còn đó thì Mauritius mãi mãi vẫn là của châu Phi hùng vĩ…

Port Louis - TP.HCM, tháng 2.2012

Cao Minh Hiển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.