Kỳ 4: Móc nối tay trong để trấn lột công nhân

07/01/2013 03:45 GMT+7

Không chỉ cho người canh me công nhân tại cổng công ty, một số nhóm côn đồ còn móc nối người trong công ty để tìm hiểu mức lương, điện thoại của công nhân, sau đó báo ra ngoài cho đồng bọn ép nộp tiền bảo kê...

“Mày ăn cơm mà không cho tao ăn cháo!”

Tối 30.10.2012, anh Nguyễn Chiến T. (29 tuổi), công nhân (CN) Công ty cổ phần giấy An Bình, có trụ sở ở TX.Dĩ An (Bình Dương), gọi tới đường dây nóng Báo Thanh Niên, phản ánh việc bị một đồng nghiệp cùng công ty tên H. (làm ở bộ phận xử lý bột), bắt ép anh ra quán gặp vài người lạ rồi đòi chung tiền bảo kê tháng.

 Móc nối tay trong để trấn lột công nhân
Trinh sát đang lấy lời khai của anh T. - Ảnh: Hoài Nam

Trong sợ hãi, anh T. kể, khoảng 11 giờ ngày 30.10.2012, anh đang làm việc thì nhận được điện thoại của H. gọi ra quán nói chuyện kèm lời hăm dọa: “Nếu mày không ra gặp đại ca của tao thì mày sẽ biết, mày ăn cơm mà không cho tao ăn cháo...". Tưởng H. nói đùa, anh T. không ra. Một lúc sau, H. vào công ty, đến chỗ anh T. đang làm việc bất ngờ vung tay tát vào mặt anh hai cái và gằn giọng: “Sao tao gọi mày không ra”. Cố gắng kiềm chế, anh T. viện lý do "sếp không cho đi". Nghe vậy, H. không nói gì và đi ra ngoài.

Khoảng nửa tiếng sau, một người điện thoại xin quản đốc cho anh T. về nhà vì "em gái của anh T. bị tai nạn". Tưởng thật, anh T. vội vã ra về, nhưng vừa bước ra khỏi cổng công ty đã thấy H. và 1 CN cũng làm trong công ty tên C. đang đứng chờ cùng 3 người lạ mặt. H. và C. ép anh T. lên xe rồi chở tới một quán nhậu trên đường Kha Vạn Cân (P.Linh Trung, Q.Thủ Đức). Tại đây, cả nhóm ngồi nhậu, trong đó có một người tên Thắng được H. và C. giới thiệu là cảnh sát hình sự Công an Bình Dương. Chờ H. C. giới thiệu xong, Thắng bật máy ghi âm đặt lên bàn và vặn hỏi anh T.: “Từ trước tới nay đóng tiền bảo kê tháng cho ai? Nay đóng cho tao thì sẽ yên hết, không hề có chuyện gì xảy ra...”. H. và C. phụ vào: “Một tháng mày làm vài chục triệu đồng, mày phải cho anh em ăn chút cháo chứ!”. Sau đó, tên Thắng buộc anh T. phải chung tiền bảo kê mỗi tháng 5 triệu đồng.

Biết gặp “đầu gấu”, anh T. năn nỉ xin bớt xuống còn 2 triệu đồng, nhưng tên Thắng không đồng ý. Thấy vậy, cả H. và C. ra điều làm ơn xin giúp và tên Thắng “chốt giá” 2 triệu đồng. "Tao đồng ý vì mày là bạn của em tao. Nếu thằng khác tao không bớt một xu, nhớ đến tháng đóng đúng hẹn nghe chưa", Thắng vừa tỏ vẻ thương hại, vừa gằn giọng đe dọa. Trước khi chia tay, nhóm côn đồ bắt ép anh T. phải thanh toán cả chầu nhậu.

Bảo kê có... khuyến mãi !

Tan ca về phòng trọ, anh T. rất sợ hãi. Nếu không đóng tiền thì chắc chắn sẽ bị bọn “đầu gấu” làm khó, còn đóng thì lấy đâu ra tiền bởi thu nhập hằng tháng của anh chỉ khoảng 7 triệu đồng, chi phí trả tiền phòng, tiền ăn, chỉ còn dư dả chút ít gửi về quê phụ giúp gia đình. Suy đi tính lại, không còn cách nào khác, anh T. làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan chức năng.

Sau một thời gian xác minh, Cục CSHS Bộ Công an đã nắm được danh tính đầy đủ của tên Thắng là Đặng Tất Thắng, 31 tuổi, ngụ Yên Thành, Nghệ An. Thắng có 2 tiền án về tội trộm cắp tài sản và 1 tiền án về tội lừa đảo, vừa mãn hạn tù tháng 9.2012. Mặc dù vừa ra tù, nhưng với bản chất lưu manh, Thắng cấu kết với H. tổ chức trấn lột tiền của những đồng nghiệp trong công ty. Theo sự bày mưu sắp đặt của Thắng, H. có nhiệm vụ móc nối với một số CN bất hảo làm trong công ty, rồi cắt cử người theo dõi những CN nào lương cao để lên kế hoạch ép buộc “đóng tiền bảo kê”. Nếu CN nào “ngoan ngoãn” đóng tiền bảo kê hằng tháng thì sẽ được yên thân, còn không sẽ bị chúng gây khó dễ, thậm chí chặn đường hành hung...

Cách Thắng thu tiền bảo kê CN khá bài bản: lần đầu Thắng bắt CN đóng gối đầu 10 triệu đồng, sau đó hằng tháng phải nộp từ 1 đến 5 triệu đồng. Trường hợp CN muốn đóng một lần cho cả năm sẽ được "khuyến mãi" bằng cách giảm còn 15 triệu đồng/năm, thay vì phải nộp 2 triệu đồng/tháng. CN chấp nhận đóng tiền “bảo kê tính mạng” thì hằng tháng tới kỳ lãnh lương Thắng sẽ cho người đến lấy, không thiếu một xu. "Nếu đóng thiếu thì tháng sau sẽ bị phạt gấp đôi. Nhiều CN không chịu nổi, nhưng do cuộc sống khó khăn, xin việc không dễ nên phải bấm bụng bớt chi tiêu dành tiền đóng cho bọn “đầu gấu”, khi không còn khả năng đóng tiếp thì nghỉ việc, trốn chạy. Cách đây vài tháng, người anh họ của tui sau 3 năm liên tục nộp tiền cho một băng "xã hội đen" để bảo toàn tính mạng bản thân và người thân ở cùng phòng trọ, đã phải bỏ công việc về quê sinh sống do đồng lương ngày càng eo hẹp, không đủ tiền đóng”, một CN tên C. ở TX.Dĩ An chua chát kể. C. cho biết thêm, nạn trấn lột tiền CN ở đây diễn ra như cơm bữa. Có những CN nam thấy quá vô lý, ban đầu không chịu đóng, nhưng ngày hôm sau trên đường về phòng trọ liền bị bọn “đầu gấu” chặn đường đánh dằn mặt, đe dọa “xử” nên cuối cùng cũng phải bỏ tiền ra “mua sự bình yên cho mình”.

Công nhân bỏ trốn, “đầu gấu” nhởn nhơ

Theo cơ quan công an, do đánh hơi thấy anh T. đi báo công an nên H. và Thắng không dám nhận tiền nữa, vì vậy kế hoạch bắt H. và Thắng không thành. Một trinh sát khẳng định chứng cứ cho thấy H. và Thắng có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản, cơ quan công an đang tiếp tục theo dõi, củng cố hồ sơ để xử lý theo pháp luật. Riêng anh T., do quá sợ hãi nên đã phải nghỉ việc ở công ty, bỏ trốn vì sợ đàn em của Thắng trả thù. "Em vẫn thỉnh thoảng gọi điện thoại về công ty hỏi thăm bạn bè, đồng nghiệp, nhưng không cho ai biết nơi mình đang sinh sống. Nhiều khi nghĩ mà thấy buồn, những tên đầu gấu như H. và Thắng vẫn bình yên vô sự, trong khi em là người lương thiện thì phải trốn chạy", T. bức xúc.

Hoài Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.