Heo, gà... xơ xác

11/11/2008 01:21 GMT+7

Giá thức ăn chăn nuôi tăng đột biến, dịch bệnh hoành hành trong khi giá thịt gia súc, gia cầm liên tục giảm đã khiến nghề chăn nuôi xơ xác.

Nuôi heo lỗ nặng 

“Trong hơn một tháng qua, đã có 5 lần giá thức ăn giảm. Nhưng mỗi lần giảm chỉ có 100 đồng/kg. Giảm nhỏ giọt kiểu này thì chúng tôi còn khổ dài dài” - ông Trần Hải Nghĩa,  chủ một trại heo lớn ở tỉnh Sóc Trăng, than.

Hơn 30 năm nay, lúc nào trại của ông Nghĩa cũng có khoảng 300 con heo thịt và 150 heo nái đẻ, nhưng chưa bao giờ ông thấy nghề chăn nuôi khó khăn như bây giờ. “Nuôi một con heo thịt đến khi xuất chuồng thì người nuôi giỏi lắm cũng chỉ lời... bộ xương, đa phần là lỗ lã. Heo giống thì nhiều lúc bán chẳng ai mua nên phải ôm nuôi. Mà nuôi nhiều thì lỗ nhiều” - ông Nghĩa chua chát.

Ông nhẩm tính: Giá một con heo giống là 1,2 triệu đồng. Với giá thức ăn trung bình là 8.500 đồng/kg như thời gian qua thì riêng tiền thức ăn cho 100 kg heo thịt phải mất khoảng 2,2 triệu đồng nữa (bình quân 250 kg thức ăn). Như vậy, để có 100 kg heo thịt người nuôi đã phải đầu tư ít nhất là 3,4 triệu. Đó là chưa tính chi phí điện, nước, thuốc thú y, thuê mướn nhân công. Trong khi đó, giá 100 kg heo hơi bán chỉ được 3,2 triệu đồng, vậy là cầm chắc lỗ. Đó là chưa nói đến những lúc dịch bệnh bùng phát, người tiêu dùng e ngại, heo không bán được... Đến lúc thị trường hồi phục, heo bị quá lứa và tiếp tục bị ép giá. Tháng trước, giá heo hơi rớt thê thảm, nhiều nơi chỉ 28.000 – 29.000 đồng/kg. “Ở vùng này những người chăn nuôi nhỏ lẻ hay hộ gia đình thì gần như đã bỏ nghề hết. Mình sống bằng cái nghề này mấy chục năm rồi nên không bỏ được; chứ có tiền gửi ngân hàng còn lời hơn” - ông Nghĩa nói.

 
Một hộ chăn nuôi dùng chuồng heo để chứa đồ - Ảnh: Chí Nhân
Ông Lâm Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Sóc Trăng, cho biết những trại nhỏ với quy mô vài con heo nái, vài chục con heo thịt thì số ngưng hoạt động, số thu hẹp quy mô, chỉ nuôi cầm chừng. Những hộ gia đình nuôi vài ba con thì gần như đã nghỉ hết. Bản thân gia đình ông Cường cũng có một trại nhỏ chừng hơn 20 con heo thịt. Khoảng 3 tháng trước, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, ông phải bán sạch bầy heo và treo chuồng tới nay. Chưa có ý định nghỉ hẳn, nhưng ông cũng như nhiều người khác đều đợi giá thức ăn chăn nuôi hạ rồi tính tiếp.

Bà Đoàn Thị Tươi ở Vũng Liêm (Vĩnh Long) trước đây cũng nuôi hai con heo nái và hơn một chục con heo thịt. Bà cho biết trước đây một tháng, giá heo hơi chỉ còn 28.000 đồng/kg, nhiều hộ đã lỗ trọn tiền mua heo giống. Hộ ông Trung ở gần nhà bà xuất chuồng 30 con heo thịt, lỗ hơn 40 triệu đồng. Giá heo phải từ 40.000 đồng/kg trở lên mới có lời.

Nuôi con gà để lời... con cá

Anh Nguyễn Phúc Đến ở huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long là người gắn bó với nghề nuôi gà hơn chục năm trời. Trước anh nuôi gà đẻ thương phẩm khoảng 2.000 con. Giờ anh chuyển qua nuôi hơn 500 con gà thịt và kết hợp với nuôi cá để duy trì nghề. Anh cho biết 5 năm qua, dịch bệnh xảy ra liên tiếp, người chăn nuôi không “chết” vì dịch bệnh thì cũng “chết” vì không có đầu ra. Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng đột biến làm cho người chăn nuôi càng khốn khó. Từ tháng 8 đến nay, giá gà xuất chuồng dao động từ 26.000 – 28.000 đồng/kg thì may mắn sẽ hòa vốn hoặc lỗ ít. “Nhờ tận dụng phân gà làm thức ăn cho cá nên đỡ tốn chi phí. Cứ hai lứa gà thì bán được một đợt cá. Nhờ đó mà bù lại con gà mới giữ được nghề”, anh Đến kể.

 

Nhiều chuồng heo bỏ trống

Tại HTX nuôi gà Thuận Phát, xã Quới An, huyện Vũng Liêm, hồi năm 2007, trung bình đàn gà của HTX là 25.000 con nhưng từ đầu năm đến nay chỉ còn 7.000 – 8.000 con. “Không dám tăng đàn vì nuôi nhiều sẽ lỗ nhiều” - Chủ nhiệm HTX này giải thích. Theo ông, chi phí cho 100 con gà thịt hơn 3,5 triệu đồng (chưa bao gồm chi phí điện và công chăm sóc). Trừ đi tỷ lệ hao hụt 10% thì được tương đương 135 kg thịt. Với giá gà xuất chuồng là 25.000 đồng/kg thì người nuôi chỉ thu về gần 3,4 triệu đồng. Ở tỉnh Vĩnh Long thua lỗ nhiều nhất có lẽ là trại gà Kiều Tiên (huyện Vũng Liêm). Đây là trại nuôi gà đẻ trứng quy mô đến 30 ngàn con. Từ khi có dịch cúm hồi 2003, do tâm lý của người tiêu dùng và sự bất ổn của thị trường, trứng gà không tiêu thụ được trại gà này đến nay đã lỗ tổng cộng 3 tỉ đồng.

Dịch cúm mới tạm yên thì thông tin trứng gà Trung Quốc nhiễm melamine lại đến, khiến cho nhiều hộ nuôi gà đẻ lại càng thêm khó. Chị Nguyễn Thị Ngọc Sương – chủ một trại gà có quy mô hơn 2.000 con ở huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cho biết: từ khi có thông tin trứng gà Trung Quốc nhiễm melamine, lượng trứng bán ra giảm gần một nửa; giá cũng giảm 300 - 400 đồng/trứng, hiện chỉ còn khoảng 1.100 – 1.200 đồng/trứng.

Hiện giá thức ăn chăn nuôi chỉ mới giảm “nhỏ giọt”. Sở dĩ giá thức ăn đến tay người chăn nuôi cao vì thực tế phải qua nhiều cấp đại lý, mà cấp nào cũng lời "một khúc". Một chủ một đại lý cấp một tại Sóc Trăng cho biết bán một bao thức ăn chăn nuôi đại lý lời từ 30.000 – 40.000 đồng là chuyện rất bình thường. Nhiều người dự đoán thì phải khoảng nửa năm nữa, khi giá thức ăn giảm 25%-30% so với hiện nay như cam kết của nhà sản xuất và giá sản phẩm đầu ra nhích thêm chút ít, người chăn nuôi mới có lời.

Chí Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.