Hành trình tìm em - Kỳ 3: Chạm đến giấc mơ

08/04/2009 10:27 GMT+7

Tôi có người bác ở Hà Nội mở hàng bún ngan tên Hải Yến ở chợ Mơ. Mang cái túi nhỏ với một bộ đồ, tôi tìm ra nhà bác. Đầu tiên, bác xin cho tôi đi làm ở một công ty giày. Lương thấp và tăng ca liên tục, sợ sức tôi chịu không nổi bác bảo: “Thôi mày nghỉ ở nhà phụ chạy chợ với bác”. Vậy là ở nhà chạy chợ.

 
Suốt hai năm trời, việc từ sáng đến tối. Bác trả công cho tôi 250.000 đồng/tháng, rồi sau đó nâng dần lên. Hằng tháng tôi bắt đầu thực hiện được việc có ích đầu tiên trong cuộc đời: trả nợ cho bố mẹ. Tiền tôi gửi về cho bác ở Hòa Bình, từng món nợ được bác tôi báo đã trả cho ai hằng tháng. Tôi cũng chỉ dám nói với bác là tôi đi làm cho một công ty giày chứ không hề nói thật về việc làm phụ việc cho quán bún ngan Hải Yến. Tôi sợ bác tôi ở quê buồn.

Manh mối đầu tiên

Tôi nhỏ con mà lì lợm. Làm quần quật vẫn không thấy mệt, có lần đi chợ với bác, tôi ngồi sau cầm túi tiền chợ, hai tên cướp chạy ngang giật lấy túi tiền. Tôi nhoài người giữ lại, bọn chúng giật mạnh và tôi nằm vắt ngang xe đang chạy, không chịu bỏ túi tiền. Câu chuyện đó nảy sinh trong đầu tôi ý nghĩ: phải mạnh lên để tự bảo vệ được mình. Tôi đi học aikido vào mỗi tối khi xong việc. Bác bảo tôi cố tranh thủ tự ôn tiếp để học lên đại học. Tôi có ôn mà đầu óc cứ để đâu đâu với hai đứa em của mình.

“Nếu cứ mãi buồn thảm thế này sẽ chẳng giải quyết được gì cả, hãy tiến lên phía trước dù rằng còn rất nhiều chông gai nhưng mày sợ khó sẽ không làm được bất cứ điều gì. Hãy cố mà làm việc, việc gì cũng được miễn không phải là việc xấu xa. Không có việc gì là hèn và việc gì là sang cả đâu, mày ạ. Hãy cố lên nhé, đừng đầu hàng số phận”

Trích nhật ký Kim Oanh, 3-5-2002

Suốt hai năm đó, mỗi sáng mỗi tối tôi luôn muốn tìm em mình. Tôi liên tục đi về trung tâm Hòa Bình. Vẫn không có một thông tin nào. Mãi đến năm 2003, may mắn ai đó cho tôi một cái tên Garvey - là tên của thằng Lương em ruột tôi. Một sợi chỉ mong manh bắt đầu xuất hiện. Tôi chạy ào về nói lại cho bác và các chị nghe. Tôi nhờ bác đi hỏi manh mối về những gia đình từng nhận con nuôi ở Hòa Bình và các tổ chức con nuôi, còn tôi hỏi được bất cứ ai là tôi hỏi. Các chị tôi bảo bây giờ nó đi Mỹ rồi, muốn tìm ra nó thì phải học tiếng Anh, học vi tính để lên mạng Internet để tìm. Tôi thấy lồng ngực mình bắt đầu căng ra, tôi bắt đầu trên con đường mới...

Học tiếng Anh thì tôi tự học về đêm, cái nào không biết thì nhờ mấy chị con bác chỉ thêm. Tôi bắt đầu vào mạng Internet và học, rồi đánh tất cả những thông tin mình có để mong tìm ở một góc nào đó trên thế giới mạng, xem có ai biết em Garvey của tôi chăng. Thông tin gửi đi, có thông tin phản hồi nhưng thông tin tôi chờ đợi nhất cũng chưa có. Gặp ai tôi cũng hỏi, tôi cố tìm và liên hệ với các tổ chức con nuôi ở VN xem có manh mối nào không. Thật khó mà tìm trong hàng triệu cái tên Garvey. Rồi một ngày tôi nhận được điện thoại có một người lạ muốn gặp tôi.

 

Trong khi Kim Oanh lặn lội đi tìm Lương và Thương thì hai em của cô lúc đó đang ở California (Mỹ)

Thì ra trong suốt hai năm tìm kiếm vô vọng ở Hà Nội, đã có hồi âm từ một tổ chức nào đó. Người ta biết hoàn cảnh của tôi và muốn giúp đỡ trong chương trình dành cho những đứa trẻ mồ côi. Khi được hỏi muốn được giúp gì, tôi bảo tôi muốn có một máy may vì tôi thích học nghề may, kể cả học thêm tiếng Anh và vi tính. Rồi có một đề nghị là một hội từ thiện sẽ đưa tôi vào học nghề ở Hội An trong tám tháng. Đó là một cánh cửa. Tôi đồng ý vào đó học nghề. Tám tháng, tôi ở trong một ngôi nhà với một nhóm bạn đều là trẻ mồ côi, có một bạn ở Hòa Bình, còn lại ở mọi nơi trong nước. Tôi học may, học vi tính rất nghiêm túc. Đó là những ngày tháng tôi khóc nhiều lắm. Khóc vì nhớ nhà, khóc vì hành trình tìm kiếm thằng Lương và Thương vẫn còn vô vọng.

Một hôm, có một Việt kiều trong tổ chức con nuôi muốn gặp tôi. Bà hỏi tôi có thích vào Sài Gòn làm việc và học thêm nghề du lịch hoặc nấu ăn không. Tôi thật không muốn trở lại với nghề bưng bê phục vụ, nhưng không nên từ bỏ bất cứ cơ hội nào. Vậy là gật đầu đồng ý. Coi như tôi đã không trở về Hà Nội nữa.

Như là phép lạ

Tôi vào học các khóa nghiệp vụ của Trường Nghiệp vụ du lịch Sài Gòn. Thời gian đầu tôi đi giúp việc nhà cho người đã giúp mình. Sau thấy tôi có tí năng khiếu, bà cho tôi vào phụ công việc văn phòng một tổ chức con nuôi. Tôi như đang trong một giấc mơ mà chỉ có mình biết. Muốn hét lên nhưng chắc rằng không ai hiểu hết được mình!

Tất cả công việc đối với tôi bây giờ không có gì là nặng nhọc. Tôi có thể làm tất cả mọi việc được giao mà không hề phàn nàn. Giờ rảnh, tôi lao vào mạng sục sạo những nơi hi vọng tìm được em mình. Garvey, Garvey, Garvey..., đầu óc tôi lúc nào cũng chỉ có bao nhiêu từ như thế. Tôi hình dung không biết giờ này nó đang làm gì, ở đâu. Tôi hay tâm sự với bà Việt kiều đã giúp đỡ mình rằng mục đích lớn nhất trong đời tôi là tìm ra hai đứa em. Bà nói nếu có thông tin bà sẽ giúp liên hệ.

Rồi ngày đặc biệt đã đến, khi tôi lạc vào một trang web lạ, ở đó tôi tìm ra mọi thông tin mình cần. Tôi run cầm cập và suýt hét to hoặc chạy ra ngoài đường khi trên màn hình hiện ra địa chỉ email và những thông tin của thằng Lương và Thương. Đó là một ngày của năm 2005. Những thông tin mà tôi có được là hai đứa em được đưa đến một gia đình ở California (Mỹ) và đang sống với bố nuôi là một doanh nhân và mẹ nuôi là một bác sĩ. Chúng được ăn học đàng hoàng.

Và bà Việt kiều đã giữ lời hứa, giúp tôi liên hệ qua email với gia đình bố mẹ nuôi của Lương. Tôi viết thư và bà chuyển qua lại, sau một năm thì tôi liên lạc trực tiếp được với Lương. Cuối năm 2005, tôi gửi email đầu tiên cho Lương. Hồi hộp quá và tới giờ tôi không biết mình đã nói gì trong email đó, chỉ nhớ tôi nói tôi là chị ruột nó và đang rất muốn tìm hai anh em về để thắp nhang cho bố mẹ. Trong email trả lời, Lương nói với tôi rằng nó biết có một người chị nhưng không biết làm sao để tìm.

Mở mail ra, tôi như chìm ngập trong niềm hạnh phúc. Hơn 10 năm trời, ước mơ tìm được em đã thành sự thật như là phép lạ. Tôi bắt đầu nghĩ đến việc chạm đến giấc mơ gặp lại em mình. Hạnh phúc lớn hơn mà tôi biết được là người mẹ nuôi ấy ngày xưa từng định nhận cả ba chị em chúng tôi làm con nuôi, bà luôn âm thầm theo dõi tôi, một phần trong những đồng tiền mà tôi đi học nghề chính là sự đóng góp của bà.

> Kỳ 1: Bi kịch từ những chiếc nấm 
> Kỳ 2: Sẽ tìm đến cùng trời cuối đất 

Theo BÙI THỊ KIM OANH / Tuổi Trẻ
(NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG ghi)

Và một cuộc trùng phùng trong nước mắt. “Thắp nén nhang trên mộ bố mẹ. Hai chị em im lặng. Tôi khấn bố mẹ rằng: Con đã thực hiện một phần lời hứa là đưa em về ra mắt bố mẹ rồi, bố mẹ về chứng giám cho con!”.

Kỳ tới: Hội ngộ ở làng Khào

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.