Hành trình đến thiên đường ảo - Kỳ 3: Bẫy rập trên những cánh rừng

28/12/2009 10:34 GMT+7

Những người di cư lậu đúc kết rằng nếu chọn đi theo ngả Trung Quốc thì có đến 30% nguy cơ mất mạng.

Hiếu, một phụ nữ trẻ quê Bắc Ninh, kể lại với giọng căm phẫn: “Bọn đầu gấu trong đường dây đưa người nhập cư lậu là bọn mất nhân tính nhất. Nếu gia đình ở Việt Nam không trả tiền cho chúng đúng hẹn thì chúng giết mình ngay. Mình đòi thức ăn hoặc chỗ ở đàng hoàng như giao kèo thì chúng đập cho tan xương...”. Nói rồi cô khóc ngon lành.

“Chó sói” ở trong rừng

Một cậu quê Đắc Lắc góp chuyện: “Chúng tôi đi qua biên giới Trung Quốc. Sau nửa ngày đi bộ, chúng tôi vào nghỉ trong nhà một nông dân. Có mấy người Trung Quốc đến lấy máu của nhóm chúng tôi. Ít lâu sau họ đến dẫn hai người đàn ông và một phụ nữ đi. Tôi không gặp ba người đó nữa”. Hiếu có vẻ am hiểu: “Tôi chắc là họ bị dụ bán nội tạng. Họ từng đến lấy máu của tôi và dò hỏi xem tôi có muốn bán thận không”.

Có lý do để những người đi qua ngả Trung Quốc tin vào chuyện buôn bán bộ phận cơ thể vì họ được đưa đi với giá chỉ 3.000 USD. Một giá quá rẻ, bằng 1/10 giá hiện hành.

Theo văn phòng Interpol (cảnh sát quốc tế) đặt tại Lyon (Pháp), các đường dây đưa người nhập cư lậu lộng hành nhất hiện nay thuộc nhóm người Kurd (Iraq), người Afghanistan, người Nga, người Trung Quốc và có cả người Việt Nam.

Có khoảng 7-11 đường dây đang hoạt động hiện nay. Hệ thống đường dây tính toán chặt chẽ: ông trùm nhận tiền và chi cho từng mắt xích trên từng vùng đất có người nhập cư đi qua nên cảnh sát chỉ chặt từng khâu nhỏ của đường dây.

Lực lượng OCRIEST chuyên chống buôn người của Pháp thi thoảng cũng tập trung mở chiến dịch và đã truy tố khoảng 5.000 tên trong các đường dây. Tuy nhiên, chúng như những con quái vật nhiều đầu, đầu này bị chặt đầu khác lại mọc lên.

Những người phụ nữ lúc uất nghẹn bật kể về chuyện bị xâm hại. Hải, quê Nghệ An, đi qua ngả Nga, kể: “Để sang Ba Lan phải trả tiền trước. Cháu gọi cho người dì nhưng dì bảo chỉ có thể lo tiền sau ba ngày... Bọn đầu gấu dọa bỏ cháu lại giữa rừng biên giới. Nếu muốn đi thì cháu phải để chúng làm gì với mình thì làm”. Để đặt chân đến Calais này, Hải nhiều lần nhắm mắt xuôi tay cho bọn đầu gấu Nga, Ba Lan, đầu gấu Việt Nam ở Prague (CH Czech) rồi giờ đây là bọn người Chechnya.

Từ Paris đến Calais là chặng đường do băng người Việt “chăm sóc”. Người nhập cư lậu được đưa đến tạm trú tại Lognes trong khi chờ móc ráp với cánh tài xế xe tải để vượt eo biển Manche. Ở Lognes có cộng đồng châu Á đông đảo - người Việt, Campuchia, Lào, Trung Quốc - sinh sống và cả ở các thành phố nhỏ xung quanh. Lognes là một “cứ địa” lý tưởng vì nằm cách Paris 25km và cạnh xa lộ A4 đi từ miền đông nước Pháp lên.

Sáng nay ở “rừng hoang” Calais, Tiến chuẩn bị đi Paris. Từ một người nhập cư lậu, cậu nhanh chóng trở thành tay chân của đường dây đưa người. Tự xoay xở tốt, biết nói tiếng Anh, tiếng Đức và một ít tiếng Pháp học tại chỗ nên cậu đóng vai trò “giao liên”. Tiến nhận tiền của đồng bào mình để chuyển về cho các đàn anh ở Paris rồi tháp tùng đoàn người từ Paris đi Calais.

Người nhập cư từ Paris sẽ đi Calais theo nhóm 4-5 người trên các xe thuê do tài xế Pháp lái. Những đường dây vô trách nhiệm thì vất “hàng” của mình bên những xa lộ A26 và A16 hướng đi qua eo biển Manche để họ tự xoay xở. Và những người bị bỏ rơi này lại lủi vào rừng tìm chỗ dựng lều, tự mua thực phẩm hoặc sống nhờ vào tình thương của dân địa phương.

Chỉ độ hai ngày ổn định chỗ ở thì bọn đầu gấu Nga, Chechnya và Afghanistan đã đến. Nếu muốn qua Anh trên một xe đầu kéo thì phải trả 500-1.000 euro mỗi người. Trong lúc chờ xe quen phải trả chúng 20-40 euro mỗi ngày tiền chỗ, nếu không sẽ bị đánh đập. Với phụ nữ thì thường chúng đòi hỏi đổi chác bằng thân xác. Tôi hỏi: “Tại sao các anh chị không hợp lại chống tụi nó?”. Phong đáp ngay: “Chúng là phương cách duy nhất giúp chúng tôi ra đi!”.

Cửa “thiên đường” hẹp!

Có ba cách để đi từ Pháp sang Anh. Cách thứ nhất là thuê tàu, giá cao và không phải lúc nào cũng thành công. Ngày 8-10-2009, tuần duyên Anh đã cặp mạn một con tàu Pháp đi từ Cherbourg hướng đến Portsmouth. Trên tàu có 12 người Việt.

Cách thứ hai: chui vào thùng hàng của những xe đầu kéo phủ bạt, có khi không cần sự chấp thuận của tài xế. Dù ngả này bị khám xét gắt gao nhưng người di cư lậu vẫn chọn nó vì nhanh nhất. Với 7.000 xe tải đi qua Anh mỗi ngày, họ hi vọng cảnh sát cửa khẩu không thể kiểm soát hết và cơ hội trúng độc đắc vẫn có thể dành cho họ.

Cách thứ ba - hiện đang ngày càng phổ biến - là đường phà từ Ouistreham đi Portsmouth. Vì cảnh sát hiện tập trung ở ngả Calais nên việc kiểm tra xe lên phà ít gắt gao hơn.

Tám giờ tối hôm đó. Phong, Xuân, Hiếu và bốn người Việt nữa chuẩn bị lên đường. Đồ ấm, găng tay, túi đeo lưng, một ít thức ăn và nước uống. Đi theo ánh đèn pin, nhóm của họ lầm lũi hướng ra xa lộ A26 gần đó. Con đường dẫn đến một bãi xe tải nặng nằm cách đó 7km. Có khoảng 70 bãi xe như vậy quanh Calais. Đấy là điểm dừng chân và ăn uống tiếp sức của cánh tài xế đường dài chờ lấy hàng đi sang Anh.

Nhóm người đi mất bốn giờ do phải né tránh cảnh sát tuần tiễu mới tìm đến được điểm hẹn. Ba tên trong đường dây đưa người giấu họ trong hai thùng chứa hàng đồ chơi Giáng sinh. Chúng dùng dao nhọn cắt tấm phủ trên thùng xe phòng khi cảnh sát phát hiện thì trả lời rằng những người nhập cư lậu đã lén chui vào xe.

***

Hôm sau, lúc gần trưa tôi trở lại khu lều. Nhiệt độ lúc này đã ấm hơn chút. Khung cảnh tĩnh mịch. Chỉ nghe thấy tiếng lá cây rì rào trong gió. Xuân ngồi sưởi ấm trước đống lửa nhỏ, trông đầy vẻ buồn rầu. “Tôi nghĩ Hiếu và bốn người khác đi được rồi. Phong và tôi bị cảnh sát bắt. Sáng sớm nay mới được thả”.

Trên xe, radio phát bản tin của đài địa phương France-Bleue: “Cảnh sát vừa phát hiện hai người châu Á bên xa lộ A26. Một người đã chết vì bị xe cán, người còn lại bị thương nặng, hôn mê. Theo người phát ngôn cảnh sát địa phương, có thể đây là những người nhập cư lậu bị rơi từ xe tải. Cảnh sát đang mở cuộc điều tra...”.

Bốn ngày sau tôi nhận được cú điện thoại của Hiếu. Cô đang ở Sussex, phía nam London. “Thế còn những người khác? Họ có sang được Anh không?”, tôi tò mò hỏi. “Tôi không biết! Lúc trên đường, nhóm chúng tôi chia nhỏ ra bám theo nhiều xe tải. Tôi không gặp lại họ nữa...”.

Theo Võ Trung Dung / Tuổi Trẻ

>> Kỳ 1: Dưới những cánh rừng Calais
>> Kỳ 2: Đường tới “thiên đường”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.