Già làng và cột mốc biên cương

25/11/2012 03:10 GMT+7

Không ai giao nhiệm vụ, cũng không làm việc hưởng lương hay phụ cấp, một già làng Pa Kô dành cả đời mình chăm sóc, bảo vệ, giữ gìn một cột mốc biên cương.

Lao Bảo là một thung lũng nhiều gió ở vùng biên, ngày xưa người ta chỉ gọi là thung lũng Bảo. Đến thời Pháp thuộc, địch đã xây dựng ở chốn này một hệ thống nhà lao kiên cố, giam giữ những người con trung kiên của dân tộc, dần dà địa danh này được đọc trại thành Lao Bảo, thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Người “vác tù và” trên núi

Già làng và cột mốc biên cương 1
Già làng, cựu chiến binh Hồ Ăm Thăm coi việc chăm lo cột mốc biên giới là trách nhiệm của mình - Ảnh: Nguyễn Phúc

Chiều Lao Bảo khô hanh, già làng Hồ Ăm Thăm đi dọc bên triền sông Sê Pôn tăm tắp nước. Người ta đã quá quen với dáng hình ông ở những khúc sông này. Ai đó bảo, ngày nào không ra đây, già Ăm Thăm ăn cơm không được ngon, thổi khèn không được hay, đến ngủ cũng không yên giấc. Vậy mà cũng đến mấy chục năm rồi, ông làm bạn với cột mốc R2 606-Khe Đá dựng ở đây.

 

Việc ni là việc chung. Dân bản phải biết là cột mốc còn, bản sẽ còn, đất nước sẽ còn chứ...

Già làng Hồ Ăm Thăm

Vén cỏ dại, lau lách, ông dẫn tôi đến cột mốc “tri kỷ”. Cột chỉ cao hơn 1 m, được làm bằng đá hoa cương, có đế và khắc chữ “Việt Nam”. Ăm Thăm bảo ngày xưa cột mốc nhỏ bé và xù xì chứ không được “mặc áo đẹp” như hiện nay. “Từ khi già sinh ra cho đến giờ, đã 3 lần cột mốc được tu sửa, làm lại. Mỗi lần vậy lại to hơn, hoành tráng hơn…” - già làng Pa Kô nhẩm đếm.

Năm 1948, ở bản Khe Đá heo hút này, Hồ Ăm Thăm cất tiếng khóc chào đời. Cũng như bao đứa trẻ miền sơn cước, ông lớn lên hồn nhiên như cỏ cây, như dòng Sê Pôn hết đầy lại cạn. Năm 1968, theo tiếng gọi của non sông, Hồ Ăm Thăm cùng chúng bạn đứng lên, rời bản làng cầm súng. Ba năm sau, trong một trận giáp lá cà với địch ở bản A Sóc (nay thuộc vùng Lìa, H.Hướng Hóa), anh bộ đội địa phương Thăm bị thương rồi giải ngũ với thương tật 21%.

Trở về bản khi quê nhà được giải phóng, Ăm Thăm lấy Y Liềm, lớn hơn ông 13 tuổi, rồi bắt đầu một cuộc sống bình yên như bao người. Ngày ngày vợ chồng Ăm Thăm phát nương làm rẫy, kiếm củ sắn củ khoai để lo cho 6 đứa con lần lượt ra đời. “Già có 3 đứa con trai, 3 đứa con gái, chúng lấy vợ lấy chồng rồi cũng đẻ ra cho già 6 đứa cháu nội ngoại…” - Hồ Ăm Thăm nói, ánh lên vẻ hạnh phúc.

Nhưng nếu chỉ bo bo lo cho gia đình mình êm ấm, nếu chỉ lo cất nhà to, nuôi lợn béo thì già Ăm Thăm chắc chẳng bao giờ được nhắc đến. Không ai giao phó, nhưng già làng Pa Kô này tình nguyện coi sóc, chăm lo cho cột mốc biên cương 606, giáp với Lào…

Già làng và cột mốc biên cương 2
Già làng Hồ Ăm Thăm

Công việc này gắn với đời ông từ lúc gia đình vẫn ở bản Khe Đá (cũ), đến khi khu thương mại đặc biệt Lao Bảo được thành lập, bản Khe Đá được di chuyển cách xa bản cũ hơn 1 km. Dân bản Khe Đá bảo chẳng ai còn nhớ Ăm Thăm bảo vệ cột mốc bao nhiêu năm, chỉ biết từ lúc ông còn trẻ mà giờ đã bạc hơn phân nửa. “Việc ni phải tự nguyện thôi, chẳng ai ép, mà nếu già không muốn thì ép cũng không được đâu. Già quyết làm vì thấy “tội” cột mốc quá, trâu bò qua lại giẫm đạp, mấy đứa trẻ nghịch ngợm cũng làm cho cột bong tróc, sứt mẻ hết… Trong khi cột mốc là của Nhà nước, không ai được xâm phạm” - già Ăm Thăm lý giải.

 

Với những gì mà Hồ Ăm Thăm đã làm, đặc biệt là trong công tác bảo vệ cột mốc vùng biên, tháng 10 vừa qua, ông được tỉnh Quảng Trị vinh danh là một trong 100 già làng, trưởng bản, người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nói chẳng ai tin nhưng Hồ Ăm Thăm chăm cột mốc 606 còn hơn cả chăm con. Cũng phải, bởi nếu không có việc gì cần kíp thì cứ cách nhật Ăm Thăm lại ra đây, vừa huýt sáo đón gió từ sông Sê Pôn vào vừa dọn rác, lấy khăn kì cọ những phiến đá hoa cương bóng loáng mới thôi. Cũng có người bảo Ăm Thăm lo việc bao đồng, ông liền phân bua nói lý: “Việc ni là việc chung. Dân bản phải biết là cột mốc còn, bản sẽ còn, đất nước sẽ còn chứ…”.

Có điều trùng hợp là, vị trí cột mốc 606 cũng là phía cánh gà của cửa khẩu Lao Bảo, phía bên kia sông là địa phận bản Ka Rôn (tỉnh Savanakhet, Lào), nơi nhiều năm qua là điểm nóng của nạn buôn lậu hàng hóa. Cánh buôn lậu cũng căm Ăm Thăm lắm vì nhiều lần tại ông lão này mà chúng hỏng ăn. Số là do quá thường xuyên lui tới cột mốc nên Hồ Ăm Thăm đã biến mình thành “tai mắt”, “nguồn tin” của lực lượng chức năng tự lúc nào. Ngồi vẩn vơ một cách “vô hại” cạnh cột mốc nhưng hễ thấy đò lạ quần đảo trên sông, thấy những con buôn đang gùi hàng lậu vượt biên thì hoặc là Ăm Thăm bám theo tìm cho ra điểm tập kết hoặc âm thầm báo cho bộ đội biên phòng ngay. Già làng 64 tuổi này còn tiếu lâm rằng cơ sự này đúng là… một công đôi việc. Điều đó lý giải cho việc các chiến sĩ ở Đồn biên phòng Lao Bảo coi Hồ Ăm Thăm như người nhà…

 Già làng và cột mốc biên cương 3
Một góc sông Sê Pôn, dòng sông biên giới Việt - Lào - Ảnh: Nguyễn Phúc

“Quan tòa” của bản

Ngôi nhà sàn của già Hồ Ăm Thăm nằm bên một hồ nước mát, ngay trung tâm của bản. Đã từ lâu, căn nhà này là nơi lui tới thường xuyên của dân trong bản. Việc to như mất trâu mất bò, tranh chấp đất đai rồi đến việc nhỏ là vợ chồng hục hặc, cãi nhau... họ đều tìm đến Ăm Thăm như một vị quan tòa mẫn tiệp nhờ phân xử.

Uy tín của Ăm Thăm ở trong bản gần như tuyệt đối vì suốt 64 mùa rẫy qua, dân bản chưa bao giờ thấy, chưa bao giờ nghe già làng của mình làm điều gì có tội, phải hổ thẹn với thần núi, thần sông. Và ai cũng biết, Ăm Thăm được đi đây đi đó, được Nhà nước tặng bằng khen nhiều lần. Chưa nói đến “chức vụ” của Ăm Thăm một bàn tay đếm không hết, ngoài làm già làng, ông còn tham gia công tác mặt trận, ban hòa giải, hội cựu chiến binh… của thôn, của thị trấn.

“Lao Bảo nay giàu có rồi, người tứ xứ về đây cũng nhiều nhưng già luôn khuyên con dân trong bản không vì đồng tiền, không vì người ngoài lôi kéo mà học cái xấu, làm cái xấu…” - bên bếp lửa nồng đượm, già Thăm gật gù. “Dân bản thật thà lắm, chỉ cần mình gương mẫu, đường hoàng thì dân bản ắt phải nghe thôi…” - già Thăm đúc kết.

Nguyễn Phúc

>> Những cột mốc đáng chú ý trong sự nghiệp Tổng thống Putin
>> Những cột mốc trong cuộc đời cựu vương Campuchia Norodom Sihanouk

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.