Đừng ăn vào vốn tài nguyên!

08/04/2009 00:06 GMT+7

Tài nguyên được xem là nguồn vốn quý của quốc gia, nhưng không phải là vô hạn. Tình trạng khai thác lãng phí, thiếu quy hoạch càng làm cho nguồn vốn này mau cạn kiệt. Mời nghe đọc bài

Loạt bài Tài nguyên quốc gia, khai thác hay tàn phá? (Thanh Niên khởi đăng từ 31.3.2009) thật sự chỉ mới phản ánh được một phần nhỏ của tình hình thực tế. Đề cập đến vấn nạn này, điều mà Thanh Niên mong muốn là các cấp, ngành liên quan sẽ đề ra những giải pháp quyết liệt hơn nữa để “rừng vàng, biển bạc” nước ta không trở nên cạn kiệt.

Các cụ ta thời xưa thường nói: “Buôn tàu, buộc bè không bằng ăn dè, hà tiện”. Cũng chính nhờ cách làm ăn tằn tiện, chắt chiu mà chúng ta mới được hưởng những cái mà cha ông để lại cho ngày nay. Tuy nhiên, rất tiếc là xem ra thế hệ con cháu nhiều người chưa hiểu hết điều đó, mà lại thích chạy theo kiểu “bóc ngắn, cắn dài”. Đây là con đường kiếm tiền nhàn hạ nhất, nhanh nhất nhưng cũng là nguyên nhân gây nên những hậu quả không ai lường hết được.

Có thể nói tài nguyên thiên nhiên đối với nước ta là nguồn vốn rất quý và khá lớn. Báo Thanh Niên trong những ngày qua có gần chục bài đăng tải về Tài nguyên quốc gia, khai thác hay tàn phá? rung lên hồi chuông báo động về sự cạn kiệt ngày một nhanh tài nguyên của đất nước như rừng, cát, đá, vàng, titan, nước ngầm, vùng ven biển... gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của người dân. Khai thác tài nguyên và ô nhiễm môi trường luôn song hành với nhau. Rõ ràng chúng ta đang ăn vào vốn mà nếu không nhanh chóng nhận ra thì sẽ đến lúc hết vốn, phải ngửa tay đi vay thiên hạ cũng không xong!

 
Công nghệ lạc hậu nên việc khai thác đá ở Thanh Hóa rất lãng phí - Ảnh: Ngọc Minh

Các yếu tố giúp cho tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư, khai thác tài nguyên thiên nhiên và năng suất tổng hợp. Cả ba yếu tố này đều có giới hạn của nó, giới hạn về khối lượng, về quá trình tự nhiên và về khoa học công nghệ. Bất kỳ một hoạt động phát triển nào của con người tác động vào tự nhiên cũng đều đưa đến hai mặt lợi và hại. Vấn đề đặt ra là làm sao cho cái lợi thu được là lớn nhất và cái hại là ít nhất trong phạm vi tiêu chuẩn cho phép.

Mục tiêu phát triển kinh tế lâu nay chủ yếu vẫn là tăng GDP. Với mặt bằng kinh tế thấp, cần cấp bách xóa đói, giảm nghèo nên tập trung vào khai thác tài nguyên, đặc biệt là khoáng sản cũng là điều dễ hiểu. Trong giai đoạn phát triển hiện nay, đòi hỏi phải rà soát, điều chỉnh lại mục tiêu phát triển vì đất nước nói chung, vì chất lượng cuộc sống của thế hệ hôm nay và vì tương lai con cháu chúng ta.

Bài học lớn nhất cho những người quản lý điều hành đất nước là khi xây dựng quy hoạch chiến lược phát triển quốc gia thì phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Muốn khai thác tài nguyên, đặc biệt là khoáng sản phải đánh giá môi trường chiến lược, các dự án phải nằm trong quy hoạch và đánh giá tác động môi trường (EIA) một cách bài bản và khoa học. Đối với các dự án phức tạp, “nhạy cảm” có tác động lớn đến cuộc sống của người dân thì phải coi trọng công tác phản biện khoa học và phản biện xã hội để đạt được sự đồng thuận cao.

Gần đây, các cơ quan có trách nhiệm cũng đã nhận thấy việc khai thác tài nguyên nếu chỉ xuất khẩu sản phẩm thô thì ta lời một, còn thiên hạ chỉ cần qua bước tinh chế sẽ lời năm, bảy lần. Một số loại khoáng sản như sắt, măng-gan, thiếc, chì, kẽm... đã được cấm không cho xuất dưới dạng thô để tăng giá trị sản phẩm là rất đúng đắn.

Tuy nhiên, do công nghệ tinh chế của ta còn lạc hậu nên nhiều hợp phần quý đi kèm như trong quặng đồng có nguyên tố đất hiếm; trong quặng chì kẽm ngoài bạc còn có nguyên tố như Cd, In không thu hồi được, gây lãng phí và hiệu quả chưa cao như ý muốn. Rõ ràng là phải tiếp cận với công nghệ cao khi khai thác khoáng sản để tăng hiệu quả kinh tế, đồng thời giảm việc thải các chất độc hại ra môi trường. Xin lưu ý, trong các chất thải thì chất thải độc hại là đáng sợ nhất vì ta chưa rõ hết tác động về lâu dài và tương tác giữa chúng với nhau. Nhà nước cần phải quy định cộng phí bảo vệ môi trường vào giá thành sản phẩm để có quỹ tái lập, phục hồi hoàn thổ bề mặt sau khi khai thác và có chế tài cụ thể.

Nhìn các nước xung quanh chúng ta như Nhật Bản, Singapore là các quốc gia rất nghèo về tài nguyên thiên nhiên nhưng GDP vào loại hàng đầu thế giới. Đó là nhờ họ biết chắt chiu, tằn tiện, khai thác sử dụng tài nguyên một cách rất khôn ngoan, hiệu quả.

Chấm dứt tình trạng tổn thất tài nguyên

Trả lời PV Thanh Niên xung quanh vấn đề quản lý và khai thác tài

 
nguyên quốc gia, TS Nguyễn Văn Thuấn (ảnh) - quyền Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản VN (Bộ TN-MT) nói:

- Loạt bài Tài nguyên quốc gia, khai thác hay tàn phá? đăng trên Báo Thanh Niên đã phản ánh đúng một phần về thực trạng quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản trong thời gian vừa qua. Nói chung khai thác khoáng sản hiện tại của chúng ta, cơ bản còn manh mún, thiết bị khai thác chưa đồng bộ và hiện đại, công nghiệp chế biến khoáng sản còn rất non trẻ. Trong quá trình khai thác xảy ra hủy hoại môi trường, tổn thất tài nguyên, mà lợi nhuận Nhà nước thu được không đáng bao nhiêu.

Từ khi Luật Khoáng sản ra đời (năm 1996) tới nay, Bộ TN-MT cấp 330 giấy phép khai thác các mỏ khoáng sản; gần 3.500 mỏ nhỏ được khai thác theo cấp phép của các địa phương. Qua kiểm tra, thanh tra, phát hiện nhiều doanh nghiệp trong nhóm khai thác mỏ này chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản. Ví dụ như: không hoàn nguyên môi trường, khai thác vượt công suất quy định trong giấy phép, chạy theo lợi nhuận: chọn quặng giàu, bỏ quặng nghèo, vi phạm an toàn lao động...

* Nếu cứ khai thác tài nguyên như hiện nay, con cháu chúng ta sẽ phải trả giá đắt: môi trường bị tàn phá, tài nguyên cạn kiệt… Ý kiến của ông như thế nào?

- VN được biết đến như là một nước giàu có về tài nguyên. Trên bản đồ thế giới, diện tích VN rất nhỏ; song chúng ta có nhiều loại khoáng sản đứng vào top 5, top 10 thế giới như: bauxít, đá vôi, đất hiếm, than đá, than nâu, titan - zircon, apatít, cát thủy tinh... Thời gian qua, vì lý do này lý do khác, tài nguyên của đất nước đã bị tổn thất nhưng chưa lớn so với tiềm năng. Tuy nhiên, đã đến lúc không thể để tình trạng này tái diễn.

Bộ TN-MT đang khẩn trương xây dựng Luật Khoáng sản sửa đổi nhằm khắc phục các bất cập hiện tại. Sắp tới, một mặt chúng tôi sẽ tăng cường công tác thanh kiểm tra và xử lý nghiêm minh, đủ sức răn đe đối với những hành vi khai thác tài nguyên trái phép, khai thác không đúng quy định... Mặt khác, chúng tôi tổ chức nhiều đợt tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật mới, hướng dẫn, giúp đỡ Sở TN-MT các địa phương trong việc cấp phép, thanh tra, kiểm tra trong hoạt động khoáng sản. Chúng tôi cho rằng: Bộ TN-MT chỉ có thể hoàn thành chức trách khi Sở TN-MT các địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Quang Duẩn (thực hiện)

Ý kiến

* “Chúng ta cần đưa ra quy định bắt buộc về tỷ lệ thảm rừng ngập mặn ven biển với tư cách là rừng phòng hộ, bảo vệ đê điều, giảm thiểu tác hại của nước biển dâng và sóng thần. Theo đó, sát chân đê phải trồng rừng ngập mặn, rồi cách bìa rừng một quãng nhất định sẽ cho đào kênh rạch chạy song song với đê, tiếp đó lại trồng rừng. Để bảo vệ san hô, ngoài việc giám sát nghiêm ngặt việc sử dụng các biện pháp hủy diệt như dùng thuốc nổ, hóa chất để đánh bắt thủy sản trong rạn san hô; nghiêm cấm khai thác san hô, tổ chức quản lý theo các hướng tổng hợp, liên ngành để giảm thiểu các tác động từ bên ngoài vào” - PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo VN

* “Khoáng sản dưới lòng đất là tài nguyên không tái tạo được nên chúng ta phải xây dựng chiến lược khai thác hợp lý đối với từng loại: khai thác hay chưa khai thác; khai thác ở mức độ nào căn cứ vào tình hình khai thác, sử dụng khoáng sản trên thế giới và trữ lượng trong nước. Thay vì thu thuế tài nguyên dựa trên khối lượng khai thác như hiện nay, Nhà nước nên chuyển sang thu dựa trên trữ lượng của mỏ khai thác. Việc hoàn nguyên môi trường sau khai thác sẽ được cải thiện đáng kể nếu chúng ta áp dụng nghiêm ngặt quy định doanh nghiệp phải ký quỹ phục hồi môi trường” - TS Nguyễn Văn Tài, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN-MT)

* “Rừng là tài nguyên tái tạo được, về nguyên tắc chỉ được khai thác trong phạm vi tái tạo tự nhiên. Tuy nhiên, khai thác hợp lý là bài toán rất khó, phụ thuộc vào từng vùng, điều kiện kinh tế - xã hội, tập quán của các cộng đồng dân cư mà áp dụng các biện pháp khác nhau. Nhà nước đã ban hành luật pháp về bảo vệ và khai thác rừng nhưng để bảo vệ rừng có hiệu quả, cần phải dựa vào cộng đồng”- PGS-TS Nguyễn Xuân Cự, Phó chủ nhiệm khoa Môi trường (trường Đại học Khoa học tự nhiên - ĐHQG Hà Nội)

* "Tôi đặc biệt quan tâm và theo dõi loạt bài Tài nguyên quốc gia, khai thác hay tàn phá? đăng trên Báo Thanh Niên những ngày qua. Những vấn đề Báo Thanh Niên đặt ra rất có tính thời sự nhưng cũng mang tính lâu dài. Nó không chỉ mang tính địa phương, tính ngành mà còn mang tính quốc gia, tính toàn cầu. Nó không chỉ là vấn đề của ngày hôm nay mà cả những thế hệ mai sau. Bởi tài nguyên không phải dễ dàng có được mà phải mất hàng nghìn năm mới có cho chúng ta khai thác hôm nay. Vì vậy chúng ta phải ý thức rằng khai thác tài nguyên không phải là lợi ích của một tập đoàn, hay một nhóm nào, mà đây còn là nguồn sống của con cháu chúng ta sau này. Chúng ta, nhất là những người có trách nhiệm phải thấm thía câu nói của cha ông: Đời cha ăn mặn, đời con khát nước" - Ông Đặng Văn Khoa,đại biểu HĐND TP.HCM.

Quang Duẩn - Đình Mười (ghi)

Tiến sĩ Tô Văn Trường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.