Chợ quần áo Việt lớn nhất đông bắc Thái Lan

05/05/2013 08:09 GMT+7

Chợ nằm ở vòng xoay ngã năm, khu trung tâm mua bán sầm uất nhất tỉnh Udon Thani (Thái Lan). Vì thế, bà con kiều bào và cả người Thái lâu nay vẫn quen gọi là chợ vải Ngã Năm.

Chợ vải Ngã Năm được cho là lớn nhất vùng đông bắc. Dù tên gọi là chợ vải nhưng chả mấy ai mua bán vải ở đây, hàng hóa hầu hết là quần áo may sẵn. Từ chợ vải đi vài bước chân là sang khu bán vàng của người Thái gốc Hoa và khu ăn uống luôn đông người lui tới. Chợ có khoảng 100 hộ kinh doanh đủ các loại quần áo may sẵn, phần lớn tiểu thương là người Việt. Đây là chợ tập trung nhiều gian hàng quần áo nhất vùng đông bắc Thái Lan, bởi phần lớn các chợ khác chỉ có vài gian hàng quần áo.   

 Chợ quần áo Việt lớn nhất đông bắc Thái Lan
Một góc chợ vải Ngã Năm - Ảnh: Minh Quang

Truyền thống gia đình

Vào chợ vải Ngã Năm, nhiều người dễ lầm tưởng đang đi trong khu chợ quần áo Tân Bình ở TP.HCM, bởi tiểu thương ở đây trao đổi với nhau chủ yếu bằng tiếng Việt. Người Việt có mặt ở tỉnh Udon Thani cả trăm năm nay, không ai biết chợ hình thành từ khi nào nhưng một điều chắc chắn rằng ngày đó chợ vải Ngã Năm không nhộn nhịp như bây giờ.

Vừa sắp xếp những chiếc quần ka ki vào túi, bà Lành vừa giục các nhân viên nhanh tay đưa những lố áo thun vào thùng. Lô hàng này bà chuẩn bị sẵn để khách đến lấy đi. Hôm trước, khách đã chuyển tiền vào tài khoản của bà nên nay các nhân viên tất bật đóng hàng trả nợ. Ngày nào cũng vậy, cứ tầm 9-10 giờ sáng là bà Lành và 2 nhân viên tất bật với những đơn hàng từ các tỉnh.

Các gian hàng khác cũng bận rộn như thế. Những chiếc xe tải luôn chờ sẵn trước các gian hàng để đưa quần áo đến nơi khách yêu cầu. Nhìn không khí nhộn nhịp này, có lẽ sẽ không ai ngạc nhiên khi biết đây là khu chợ sỉ không chỉ cung cấp hàng cho các cửa hàng trong tỉnh mà cả các tỉnh của miền đông bắc Thái Lan.

 Chợ quần áo Việt lớn nhất đông bắc Thái Lan 1
Chợ vải sau trận hỏa hoạn

Dù bận rộn, bà Lành vẫn đon đả chào đón khách. Lúc đầu nghĩ chúng tôi là người Thái, bà Lành giới thiệu bằng tiếng Thái. Nhưng khi biết khách là người Việt, bà hào hứng đổi sang tiếng Việt với chất giọng bắc nhẹ nhàng. Dù sinh ra và lớn lên ở Thái, nhưng tiếng Việt của bà Lành khá chuẩn và rõ. Bà Lành cho biết hầu hết những người kinh doanh ở khu chợ này đều nói giọng giống bà. Mọi người vào đây mua bán từ lâu lắm rồi. Bản thân bà cũng không biết chợ có cách đây bao lâu, chỉ biết rằng ngoại cũng đến đây làm ăn, rồi đến mẹ bà. Bà Lành theo mẹ ra chợ kinh doanh quần áo hồi còn bé, nay đã ngoài 60 tuổi.

 

Tiếng tăm của chợ không chỉ lan truyền trong tỉnh mà sang cả tỉnh bạn. Mọi người kéo đến mua vì hàng thiết kế đẹp và giá lại rẻ. Họ mua về bán lại, thậm chí có thương lái mang tới tận Bangkok để bán, mang cả sang Lào và Việt Nam

Ông Trần Ngọc Tuyển, tiểu thương chợ vải Ngã Năm

Bà Lành là một trong những người mua bán ở ngôi chợ này lâu nhất, người vào trễ nhất cũng có thâm niên hơn chục năm. Ông Trần Ngọc Tuyển, 53 tuổi, nói đã làm ăn ở đây hơn 30 năm. Ông nghe mọi người kể lại rằng ngày trước chợ không chuyên quần áo, mua bán đủ thứ nhưng quy mô nhỏ. Có cả người Việt, người Thái và người Hoa. Dần dà người Việt đến nhiều hơn với mặt hàng quần áo chiếm đa số. Người Việt có tiếng khéo tay trong may vá nên nhanh chóng chiếm lĩnh mặt hàng quần áo may sẵn. “Không người Thái hay người Hoa nào qua được tay nghề của người Việt. Lúc đầu là gia công, làm theo đơn hàng cho khách số lượng không nhiều, nhưng về sau người Việt tự thiết kế, làm với số lượng lớn, bán đi khắp nơi. Tiếng tăm của chợ không chỉ lan truyền trong tỉnh mà sang cả tỉnh bạn. Mọi người kéo đến mua vì hàng thiết kế đẹp và giá lại rẻ. Họ mua về bán lại, thậm chí có thương lái mang tới tận Bangkok để bán, mang cả sang Lào và Việt Nam”, ông Tuyển kể.

Tiếng tăm của chợ càng lan xa, việc làm ăn của người Việt càng phát đạt. Một người thành công kéo theo nhiều người khác trong gia đình vào mở thêm gian hàng, thêm sạp, hình thành những cụm gia đình, vừa là họ hàng vừa là bạn hàng. Người anh làm đồ nam thì người em làm đồ nữ, chị kinh doanh hàng ka ki thì dì làm hàng vải... Cứ như thế, người Việt xuất hiện nhiều hơn trong chợ. Như gia đình ông Tuyển, ngoài sạp quần áo của bố mẹ, 3 anh em ông cũng có gian hàng kinh doanh ở đây. Bà Lành còn đưa cả anh em cột chèo vào kinh doanh hàng chục năm nay. Gia đình nào cũng có xưởng may với hàng chục công nhân. Hàng chưa kịp xuất xưởng đã có thương lái đến lấy đi. Cứ thế chợ được mở rộng và phát triển.  

Vượt sóng gió

Nhưng chuyện làm ăn kinh doanh không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Các tiểu thương ở đây kể khi thấy cộng đồng người Việt làm ăn thành công, một số người tìm cách phá, làm mất uy tín của chợ. Có một câu chuyện các tiểu thương không thể quên, dù cách đây đã 20 năm. Chiều tối một ngày năm 1993, khi mọi người chuẩn bị dọn hàng thì lửa phát ra từ một gian hàng trong chợ, nhanh chóng lan từ gian này qua gian kia. Cảnh sát huy động 50 xe cứu hỏa đến nhưng không ngăn được ngọn lửa. Kết quả, 60 gian hàng bị thiêu rụi. 4 năm trước, bà hỏa lại lần nữa viếng thăm ngôi chợ này. Không thấy nhà chức trách công bố nguyên nhân, nên người ta đồ rằng chợ cháy do sạp dựng bằng gỗ, dễ bắt lửa khi chẳng may chập điện và bùng lên dữ dội; nhưng nhiều người khác cho rằng chợ cháy có thể từ sự cạnh tranh không lành mạnh, ganh ghét của một nhóm người nào đó về sự thành đạt của cộng đồng người Việt ở chợ...

Những tưởng sau những trận hỏa hoạn, chợ của người Việt sẽ lụi tàn. Nhưng vượt qua sóng gió, chợ được xây dựng khang trang, quy mô hơn và tiếng tăm lan tỏa mạnh hơn, xa hơn. Có điều, thương trường như chiến trường, “thuyền to thì  sóng lớn”, thời gian gần đây chợ quần áo của người Việt lại đối mặt với thách thức khác: hàng Trung Quốc tràn vào Thái Lan. Dù chất lượng thua xa hàng Việt ở đây, nhưng với ưu thế giá rẻ, hàng Trung Quốc cũng khiến nhiều tiểu thương lao đao. Chưa hết, thương nhân Trung Quốc còn nhảy vào đầu tư xây chợ quần áo cách chợ Ngã Năm vài cây số để cạnh tranh trực tiếp với người Việt. Đã có hộ trở tay không kịp, phải bỏ chợ mà đi. Tuy nhiên, đa phần vẫn bám trụ, từng bước xoay chuyển tình hình, nâng cao chất lượng, thay đổi mẫu mã… để lấy lại ưu thế. Và hàng Trung Quốc chất lượng kém, thiết kế không phù hợp với người tiêu dùng bản xứ nên dù xuất hiện ào ạt vẫn phải chịu ở thế yếu, tiểu thương người Việt vẫn thống lĩnh thị trường quần áo của khu vực.

Trải qua bao sóng gió, cộng đồng người Việt ở đây cho rằng chợ duy trì và phát triển được là nhờ sự gắn kết của bà con kiều bào, biết chia sẻ và đùm bọc lẫn nhau trên đất khách quê người. Đây cũng là vốn quý mà người Việt ở đây bao đời nay luôn nhắc nhở nhau gìn giữ. 

Minh Quang
       (Văn phòng Bangkok)

>> Cộng đồng người Việt sau bão Ike
>> Chuyện bạo lực trong cộng đồng người Việt ở Mỹ
>> Cộng đồng người Việt đặc biệt ở Trung Đông
>> Một người Việt chết bí ẩn tại Đài Loan
>> Những người Việt sáng tạo 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.