Bơi hàng ngàn km để kiếm sống

10/04/2009 11:05 GMT+7

LTS: Họ là những người không may bị tàn tật, hoặc bại liệt hai chân, hoặc cụt cả hai tay, hay tay chân co quắp vì ảnh hưởng chất độc da cam... Song, họ đã kiên trì vượt lên số phận bằng sự chịu thương, chịu khó của mình. Đơn giản, họ không muốn những người xung quanh nhìn mình với ánh mắt thương hại

Bị liệt hai chân từ nhỏ, đi lại rất khó khăn, song bà Bùi Thị Xê (người dân địa phương gọi thân mật là cô Tư), 47 tuổi, ở xã An Hòa, huyện Châu Thành - An Giang, đã có hành trình 28 năm ròng rã bơi xuồng bán bún để nuôi sống gia đình.

Không thể ngồi yên

Chúng tôi tìm đến nhà cô Tư vào một tối đầu tháng 4-2009. Trong nhà chỉ có người em gái út tên Thủy và bà mẹ già 81 tuổi, còn cô Tư đi bán vẫn chưa về. Đang ngồi nói chuyện với chúng tôi, nghe có tiếng lộp cộp dưới bến, chị Thủy bảo cô Tư đã về. Trong bóng đêm thẫm đặc, một phụ nữ gầy nhom lọ mọ cột dây, khóa xích chiếc xuồng cẩn thận rồi lần theo miếng ván bắc từ xuồng lên bờ để vào nhà.

Mệt và đói lả vì cả ngày dãi nắng bơi xuồng suốt đoạn đường dài, cô Tư bảo chị Thủy tiếp chúng tôi để cô ăn chén cơm xong sẽ tiếp chúng tôi.

Nhà cô Tư có 4 anh em. Năm lên 3 tuổi, một trận sốt bại liệt đã khiến đôi chân bé nhỏ của cô bé Xê thành tàn tật. Nhà không tấc đất, cha mẹ cô mỗi ngày phải đi làm mướn vất vả để nuôi đàn con nhỏ nheo nhóc.

Con bệnh nhưng nghèo quá không có tiền chạy chữa, cha mẹ cô đành bất lực nhìn đôi chân của con gái mình teo dần rồi liệt hẳn. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cha mất, để lại cho mẹ cô đàn con thơ nheo nhóc, bơ vơ. Năm tháng dần trôi, người anh cả, rồi chị gái kế của cô Tư lần lượt lập gia đình.

Trong căn nhà xơ xác, quạnh vắng, cô Tư vắt óc tìm kế sinh nhai để nuôi mẹ già cùng em gái út. Không ruộng đất, không nghề nghiệp, nhà cửa thiếu trước hụt sau, đến hai bữa cơm hằng ngày cũng không đủ gạo nấu...

Cảnh túng quẫn khiến cô Tư dù đi lại rất khó khăn, cũng không thể ngồi yên nhìn mẹ và em bữa cháo bữa rau. Sẵn nhà có chiếc xuồng, cô nảy ra ý định chèo đi bán hàng, song nghĩ mãi cũng không biết bán gì vừa ít vốn vừa không bị ế ẩm lại kiếm được tiền. Cuối cùng, cô quyết định bán bún.

Cô Tư nhớ lại: “Lúc đầu, tôi bán được 15 kg bún mỗi ngày. Nhưng bán lấy tiền mặt ít lắm, chủ yếu đổi gạo. Vừa mệt vừa cực, song tôi vẫn cắn răng cố làm để mẹ và em có cái ăn”. Bà Út Đời, mẹ cô Tư, nghẹn ngào: “Tôi bệnh hoài nên không làm gì ra tiền, con út thì còn nhỏ, nên dù tật nguyền song con Tư vẫn phải vất vả chèo xuồng hàng chục cây số mỗi ngày để bán từng ký bún đổi lấy cái ăn cho cả nhà”.

28 năm, một tiếng rao

Cứ nghĩ việc chèo xuồng bán bún trên sông chỉ là công việc tạm thời để vượt qua khó khăn, không ngờ nó đã gắn với cuộc đời cô Tư suốt gần 30 năm nay. Hành trình một ngày làm việc của cô Tư bắt đầu từ 4 giờ và kết thúc lúc gần 20 giờ. Sáng tinh mơ, khi tiếng gà gáy canh tư còn chưa dứt, cô Tư và người em út đã chuẩn bị đồ đạc cần thiết cho một ngày mưu sinh.

Hai chị em chèo xuồng đến chợ Cần Đăng, chờ chủ lò bún ở TP Long Xuyên đem hàng lên giao. Xếp bún xuống xuồng xong, Thủy đón xe ôm về nhà lo cho mẹ già, còn cô Tư bắt đầu đi bán một mình.

Lúc này trời vẫn chưa sáng hẳn. “Ai mua bún hôn?...”. tiếng rao của cô Tư cùng tiếng mái dầm chèo xuồng khua nước lách tách vang lên giữa sông nước mênh mông. Nghe tiếng rao quen thuộc của cô Tư, những nhà thức sớm đi làm đồng vội mở cửa bước ra mua mở hàng vài ký bún. Cứ chèo khoảng hơn mười mái dầm, cô Tư lại cất tiếng rao ngọt lịm.

“Mỗi ngày tôi bán được gần 80 kg bún, trong đó bỏ cho các mối quen hết 40 kg - 50 kg, lời được vài chục ngàn đồng” – cô Tư cho biết. Đi dọc theo con đường bê tông nhỏ cặp bờ kênh, chúng tôi hỏi thăm và được biết cô Tư có rất nhiều mối lấy bún mỗi ngày. Họ cảm mến cô ở cái tính chịu thương, chịu khó, thật thà và nhất là tiếng rao bán bún ngọt ngào. Có người đã mua bún của cô Tư mỗi ngày từ 5-7 năm nay, thậm chí 10 năm, như dì Tư Hải ở Dinh Quan Thẻ; bà Sáu Sếu, Bảy Cúc ở đình Vĩnh Hanh; cô Hai Liên ở Lộ Tẽ số 2...

Đến nay, thấm thoát đã 28 năm trôi qua, chính cô Tư cũng không ngờ mình lại có sức chèo xuồng hàng ngàn km đi bán bún trong khoảng thời gian dài như thế. “Trong ngần ấy thời gian, tôi đã thay 7 chiếc xuồng và mấy chục mái dầm. Trung bình mỗi chiếc xuồng tôi sử dụng được khoảng 4 năm”- cô Tư bảo. Hình ảnh cô Tư kẽo kẹt chèo xuồng đi bán bún bất kể ngày lễ, tết hay lúc trời mưa bão đã quá quen thuộc với người dân An Hòa và những vùng xung quanh. Chúng tôi nhìn đôi tay rám nắng, gân guốc và khỏe mạnh vì chèo xuồng qua biết bao năm tháng, hai bàn tay chai cứng của cô Tư mà lòng thầm cảm phục người phụ nữ tàn tật đã biết cách vượt qua số phận này.

Tưởng thưởng xứng đáng

Số tiền lời ít ỏi kiếm được từ mồ hôi và công sức của người con, người chị tật nguyền được mẹ và em của cô Tư rất quý trọng, chi xài tiết kiệm. Ngoài lo các bữa ăn hằng ngày, chỉ khi cần thiết lắm hay đau ốm, bệnh hoạn, gia đình mới dùng tới số tiền này, còn lại được dành dụm, tích góp dần. Nhờ đó, công sức lao động của cô Tư đã được tưởng thưởng xứng đáng bằng những thay đổi trong cuộc sống gia đình. Từ số tiền dành dụm, cô Tư đã mua được 10 công đất ruộng, mỗi vụ thu hoạch hơn 6 tấn lúa. Ba năm trước, cô Tư đã sửa lại và mở rộng căn nhà sàn gỗ cho mẹ già, rồi xây luôn căn nhà tường cặp vách cho cô em út.

Với những gì đã có, cô Tư đã có thể ở nhà nghỉ ngơi, không cần cực nhọc thức khuya dậy sớm chèo xuồng đi bán bún mỗi ngày. Bà Út Đời lắc đầu: “Tôi và con út đã nhiều lần khuyên con Tư thôi bán bún, ở nhà nghỉ cho khỏe vì đã có tuổi lại tật nguyền, nhưng nó không chịu”. Còn cô Tư thì cười tươi, quả quyết: “Đi bán mỗi ngày riết quen rồi. Bữa nào bệnh hay kẹt công chuyện phải nghỉ, thấy khó chịu lắm. Vì thế, nếu còn sức là tôi còn chèo xuồng đi bán bún”.

Bài và ảnh: Quốc Dũng / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.