Phó thủ tướng yêu cầu xử lý việc lấp sông Đồng Nai

30/03/2015 06:00 GMT+7

Theo tin từ Văn phòng Chính phủ ngày 29.3, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến về việc thực hiện dự án tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai tại P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Theo  tin từ Văn phòng Chính phủ ngày 29.3, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến về việc thực hiện dự án tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai tại P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Rất nhiều đất đá đã được đổ xuống sông Đồng Nai Rất nhiều đất đá đã được đổ xuống sông Đồng Nai - Ảnh: Độc Lập

Cụ thể, Phó thủ tướng giao Bộ Tài nguyên - Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, UBND tỉnh Đồng Nai và các cơ quan liên quan kiểm tra việc thực hiện dự án, đánh giá tác động của dự án, xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật hiện hành. “Những vấn đề vượt thẩm quyền, Bộ Tài nguyên - Môi trường báo cáo Thủ tướng trong tháng 5.2015”, công văn nêu rõ.

Dự án sẽ tác động rất lớn đến dòng chảy

Cũng trong ngày 29.3, sau khi trở lại (chỉ 1 ngày sau chuyến khảo sát trước đó) đoạn sông Đồng Nai bị lấp để làm dự án và dùng thiết bị scan (chụp hình) toàn bộ đáy sông đoạn từ cầu Hóa An đến qua cầu Ghềnh, TS Lê Xuân Thuyên, chuyên gia về địa chất (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM) đánh giá: “Đoạn sông phình to ra chỗ đang có dự án nó cũng giống như bao tử con người vậy. Nó có chức năng riêng và không thể tùy tiện can thiệp”.

Không phải vô tình mà dòng sông chỗ đó lại rộng hơn những chỗ khác. Nếu chúng ta không hiểu hết tính chất đó mà can thiệp và nó sẽ ảnh hưởng thô bạo, gây ra những phản ứng không hay mà chúng ta không thể lường hết được

TS Vũ Ngọc Long

Các chuyên gia đã mất hơn 3 giờ đồng hồ để có thể scan toàn bộ địa hình khu vực này. “Nó sẽ giúp tìm ra câu trả lời chính xác nhất vì sao dòng sông chỗ đó lại phình to ra như vậy? Và chúng tôi đã có những bằng chứng xác thực, khoa học để chứng minh cho việc dự án sẽ tác động rất lớn đến dòng chảy và những nhận định ban đầu của chúng tôi là hoàn toàn đúng”, TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam - đại diện khu vực phía nam của Mạng lưới sông ngòi VN (VRN) khẳng định.

Theo TS Thuyên, mọi thứ trong tự nhiên đều có quy luật riêng của nó, dòng sông có chỗ rộng ra 500 m hay 800 m, mỗi đoạn cũng đều có sứ mệnh riêng của mình. Cũng giống như trong cơ thể con người, bao tử làm nhiệm vụ của bao tử, ruột làm nhiệm vụ gì đều được phân công rõ ràng. “Không phải vô tình mà dòng sông chỗ đó lại rộng hơn những chỗ khác. Nếu chúng ta không hiểu hết tính chất đó mà can thiệp và nó sẽ ảnh hưởng thô bạo, gây ra những phản ứng không hay mà chúng ta không thể lường hết được”, TS Long nhận xét.

Theo ông Long, mục tiêu ghi nhận lần này là những thông tin liên quan đến trận lụt lịch sử vào năm 1952. Những người cao niên sống tại Cù Lao Phố kể lại lúc cao điểm nước ngập lên tận mái đình Phước Lư. Những thông tin này sẽ giúp các chuyên gia đưa ra những tính toán (phỏng đoán) xem khi có dự án như vậy thì dòng chảy nó sẽ như thế nào khi gặp các trận lụt lớn.

Phá vỡ kết cấu dòng chảy

TS Phan Đức Tác, chuyên gia nghiên cứu và triển khai nhiều giải pháp công nghệ kè bờ sông, biển, cảnh báo mỗi dòng sông đều có dòng chảy thủy lực tự nhiên, con người buộc phải tôn trọng. Theo quy luật, con sông nào cũng có bên lở bên bồi, để điều tiết chức năng thoát lũ. Ngay cả trong tình huống sạt lở bờ, nghĩa là dòng chảy con sông chưa có sự ổn định. Hay vì nhu cầu giữ đất, cải tạo môi trường sống, người ta chỉ tìm cách làm kè, bờ để giảm thiểu diện tích bị sạt lở chứ không thể lấn lại dòng chảy “chiếm lại” phần diện tích đã sạt lở, điều này trái quy luật tự nhiên. Phải để dòng sông uốn cong theo nguyên lý thủy lực tự nhiên của nó, chứ không thể bẻ cong theo ý con người.

Ở góc độ khoa học, dự án lấn sông Đồng Nai có nguy cơ phá vỡ kết cấu dòng chảy tự nhiên. Khi dòng chảy tự nhiên ổn định là không còn hiện tượng sạt lở, lưu lượng nước chảy qua mặt cắt ướt (thể tích nước xâm chiếm trong lòng sông) là ổn định nhưng khi bị thu hẹp lại, môi trường thủy lực đã bị biến dạng. Dòng chảy chỉ còn cách công phá sang phía bờ bên kia để mở đường cho nước thoát qua.

Cũng theo TS Phan Đức Tác, về nguyên tắc ở các sông, hệ thống sông liên tỉnh như sông Đồng Nai đều có riêng đơn vị quản lý quy hoạch thủy lợi, thoát lũ và đơn vị quản lý toàn bộ lưu vực, chưa kể các địa phương liên quan. “Nhưng ở một việc tày đình (lấn sông Đồng Nai - PV) như thế, các cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học lẫn người dân đều không được tham vấn và xin ý kiến đầy đủ là đi ngược lại với xu hướng thông tin công khai minh bạch, nguyên tắc dân chủ là không đúng rồi. Quá trình tham vấn khoa học ở đây không chỉ có nhà khoa học tỉnh đó, mà cần có ý kiến của tất cả các nhà khoa học trong toàn bộ lưu vực sông và các địa phương có lợi ích trực tiếp từ sông Đồng Nai”, TS Tác nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.