Phó cục trưởng cảnh sát nói “phóng viên thiểu năng”

13/03/2013 03:20 GMT+7

Chiều 11.3 và cả ngày hôm qua dư luận đã bàn tán nhiều xung quanh việc một cán bộ cấp cao của ngành công an khi phát biểu tại hội thảo đã cho rằng phóng viên báo chí “thiểu năng gì đó, kém gì đó...”.

Phó cục trưởng cảnh sát nói “phóng viên thiểu năng”
Ông Đinh Mạnh Toàn đang phát biểu tại hội thảo chiều 11.3 - Ảnh: CTV

Trước khi bắt đầu hội thảo góp ý Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATGT do Bộ GTVT tổ chức chiều 11.3, ông Đinh Mạnh Toàn, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), cũng đã phàn nàn với Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng khi cho rằng mình là thành viên ban soạn thảo nhưng lại không biết gì về các ý được đưa ra trong hội thảo và cũng không được tham dự nhiều cuộc họp của ban soạn thảo. Tuy nhiên, bác lại ý kiến này, Bộ trưởng GTVT cho biết đã mời ông Toàn tham gia các cuộc họp trước đó.

“Thiểu năng gì đó, kém gì đó...”

 

Gần đây tôi lên mạng xem báo chí vẫn hướng dư luận vào cái khác, nêu lên thế nào là mũ giả, mũ dỏm. Có lẽ chúng ta nói luôn mấy phóng viên đó là thế nào đó, thiểu năng gì đó, kém gì đó không hiểu thế nào là mũ giả, mũ dỏm mà cứ phải đưa ra bằng lời lẽ, bằng giải thích từ ngữ

Góp ý về vấn đề xử phạt liên quan đến mũ bảo hiểm (MBH), ông Đinh Mạnh Toàn đã khiến nhiều nhà báo có mặt tại hội thảo sửng sốt khi phát biểu: “Về MBH có 3 đối tượng: nếu đối tượng sản xuất giả, không đúng quy chuẩn thì đây là hành vi phạm tội, có thể khởi tố, truy tố. Với người kinh doanh hàng giả, Cục QLTT đang làm rất tốt, sau cuộc họp (liên bộ), Cục QLTT của Bộ Công thương đã ra quân làm quyết liệt. Xử lý với người đang sử dụng, chúng tôi rất đồng tình cần phải đưa hành vi này vào (dự thảo). Hôm trước chúng tôi cũng nêu lên báo chí cần đưa hướng dư luận vào đúng kết luận của cơ quan chức năng. Gần đây tôi lên mạng xem báo chí vẫn hướng dư luận vào cái khác, nêu lên thế nào là mũ giả, mũ dỏm. Có lẽ chúng ta nói luôn mấy phóng viên đó là thế nào đó, thiểu năng gì đó, kém gì đó không hiểu thế nào là mũ giả, mũ dỏm mà cứ phải đưa ra bằng lời lẽ, bằng giải thích từ ngữ.

100% ý kiến người dân nói cứ hàng rẻ là mua, biết hàng giả vẫn sử dụng. Quan điểm của tôi là cứ đưa vào xử lý, kể cả người sử dụng. Báo chí nên hướng dư luận đúng, chương trình của VTV1 đang làm rất tốt, Chào buổi sáng đưa rất tốt. Đâu đó trên mạng thấy bắt đầu từ ngày thế này thế kia, hướng dư luận không đúng”.

Nói thêm vấn đề xử lý người không chuyển quyền sở hữu phương tiện, ông Toàn cũng bảo: “Báo chí vẫn hướng dư luận vào xe không chính chủ. Ở đây xe chính chủ vẫn là văn miệng, văn mồm nói, văn phát ngôn. Trên tất cả văn bản, xe mượn, xe cùng nhà, chúng ta có nói việc đó đâu. Chúng ta chỉ nói đến những xe chuyển nhượng quyền sử dụng, trao tặng rồi. Cần xử lý với những người xe không chính chủ. Tôi lên mạng mới nhất thấy báo nói Bộ GTVT lại chùn tay trong xử lý với những người đi xe không chính chủ. Tôi không thấy lãnh đạo Bộ chùn tay với việc ấy. Tôi đồng ý cứ đưa vào trong nghị định lần thứ 3 này” (trích băng ghi âm).

Báo chí lên tiếng là cần thiết

 

“Ý tôi là không phát biểu ám chỉ như thế”

Tuy nhiên, trả lời Thanh Niên chiều 12.3 sau khi bị dư luận báo chí phản ứng, Phó cục trưởng Đinh Mạnh Toàn cho rằng “đã có sự nhầm lẫn” khi một số tờ báo trích dẫn việc ông nói “một số phóng viên bị thiểu năng trí tuệ”. “Từ sáng đến giờ tôi bận chưa vào mạng nhưng có nghe anh em nói. Về việc này, anh hỏi thì tôi nói không phải để thanh minh đâu, nhưng ý tôi là không phát biểu ám chỉ như thế”, ông Toàn nói.

Tiếp xúc với PV, ông Phạm Quốc Toàn, Phó chủ tịch Hội Nhà báo VN, nhìn nhận việc báo chí phản biện các vấn đề liên quan đến chính sách, cuộc sống của người dân tác động đến nhiều vấn đề đời sống xã hội thì đó là điều cần thiết.

Sự phản biện đó có ý nghĩa cả về hai phía. Phản biện giúp cho cơ quan soạn thảo chính sách có những điều chỉnh phù hợp với những vấn đề đặt ra của đời sống. Mặt khác cho người dân hiểu được vấn đề chính sách, pháp luật để thực hiện.

Báo chí có chức năng phản biện và việc báo chí phản biện là đáng khuyến khích và hoan nghênh. Việc báo chí lên tiếng về quy định xử phạt người đội MBH dỏm là rất cần thiết.

“Tôi nghĩ, về đại cục thì phía công an cũng ủng hộ báo chí thôi, vì đó là vì lợi ích chung, còn với phát ngôn của đại diện Bộ Công an gọi các phóng viên là thiểu năng, thì theo tôi đó chỉ là cá biệt...”, ông Toàn nói

Mai Hà - Trường Sơn - Thái Sơn 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.