Vụ lãnh đạo công ty nhận lương 'khủng': Nhiều sai phạm!

29/08/2013 11:52 GMT+7

(TNO) Sáng 29.8, tại buổi họp của UBND TP.HCM về chỉ đạo, điều hành tình hình kinh tế-văn hóa-xã hội và quốc phòng-an ninh thành phố 8 tháng đầu năm, vấn đề lương khủng tại các công ty công ích, đặc biệt là việc lãnh đạo các công ty này nhận mức lương trên 2 tỉ/năm trở thành chủ đề chính.

(TNO) Sáng 29.8, tại buổi họp của UBND TP.HCM về chỉ đạo, điều hành tình hình kinh tế-văn hóa-xã hội và quốc phòng-an ninh thành phố 8 tháng đầu năm, vấn đề lương khủng tại các công ty công ích, đặc biệt là việc lãnh đạo các công ty này nhận mức lương trên 2 tỉ/năm trở thành chủ đề chính.

>> Vẫn lãnh lương ‘khủng’ dù doanh thu và lợi nhuận giảm sút
>> Lãnh đạo nhận lương ‘khủng’ lên tiếng: Lương cao mới đúng với công sức anh em bỏ ra
>> Lương 200 triệu đồng/tháng chắc chắn có ‘uẩn khúc’
>> Lương lãnh đạo công ty thoát nước cao gấp hơn 10 lần lương Thủ tướng
>> Vụ công ty nhà nước chi lương lãnh đạo cao bất thường: Người lao động bị đối xử bất bình đẳng
>> Hàng loạt công ty nhà nước chi lương lãnh đạo cao bất thường

Ông Dương Hồng Thanh, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM giải trình: Từ cuối năm 2010, 4 công ty (Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị, Công ty TNHH một thành viên Chiếu sáng công cộng TP.HCM, Công ty TNHH một thành viên Công trình giao thông Sài Gòn và Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh) đã không còn trực thuộc Sở GTVT mà chuyển thành Công ty TNHH một thành viên hoạt động trong lĩnh vực công ích.

Theo ông Thanh, khi chuyển thành công ty TNHH một thành viên thì Sở GTVT không còn duyệt quỹ lương của các công ty này nữa.

Với giải trình trên, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân chất vấn: “Vậy là các doanh nghiệp này không còn thuộc trách nhiệm của Sở GTVT nữa mà là trách nhiệm của Ủy ban phải không?".

Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM: "Dạ, em không nói vậy. Không phải vậy…".

Theo ông Thanh, hiện Sở GTVT và các sở Lao động - Thương binh và xã hội (LĐ-TB-XH), Tài chính đang rà soát lại việc quản lý, chi trả tiền lương tại 4 công ty này.

Chủ tịch Lê Hoàng Quân “bắt mạch”: “Anh nói mình không quản lý vậy thì rà soát lại làm chi?”.

 

Các đơn vị trên cũng lấy quỹ lương của người lao động chi trả cho cán bộ viên chức. Điều này hoàn toàn sai phạm kể cả về việc quản lý tài chính và đạo đức

Ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó GĐ Sở LĐ-TB-XH TP.HCM
Đồng thời, ông Quân hỏi Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM: “Có quy định nào cho chuyển hợp đồng lao động từ dài hạn sang ngắn hạn không?”.

Ông Thanh xác nhận: “Cái đó là sai”.

Chủ tịch UBND TP.HCM: “Vậy là sai hoàn toàn rồi. Vậy mình xử sao?”.

Phó giám đốc Sở GTVT: “Việc quản lý nhân công, doanh nghiệp hiện giờ hoàn toàn là trách nhiệm của giám đốc doanh nghiệp”.

Ông Lê Hoàng Quân kết luận: Doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Ủy ban nhưng quản lý chuyên môn vẫn thuộc Sở.

Trình bày thêm về vụ việc, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH, xác định: vừa qua, Sở LĐ-TB-XH có phối hợp với Chi cục Tài chính doanh nghiệp nhà nước tiến hành thanh tra các đơn vị công ích 100% vốn Nhà nước (8 đơn vị) và hầu hết đều có sai phạm.

Theo ông Khiết, sai phạm chủ yếu là các đơn vị chỉ ký hợp đồng thời vụ cho hầu hết các lao động, mặc dù các lao động này có người đủ điều kiện để ký hợp đồng có thời hạn, có người đủ điều kiện ký hợp đồng không thời hạn. Các đơn vị trên chỉ ký hợp đồng lao động 3 tháng/lần, để không đóng bảo hiểm.

Ngoài ra, “các đơn vị trên cũng lấy quỹ lương của người lao động chi trả cho cán bộ viên chức. Điều này hoàn toàn sai phạm kể cả về việc quản lý tài chính và đạo đức”, ông Khiết nhấn mạnh.


Công nhân Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh - Ảnh: D.Đ.Minh

Bên cạnh đó, bà Lê Ngọc Thùy Trang, Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp nhà nước nói: Vấn đề xây dựng quỹ lương phải trên cơ sở định mức; thông tư 27 rất rành mạch 2 quỹ tiền lương: của ban điều hành và của người lao động.

Theo bà Trang, nếu lấy quỹ tiền lương của người lao động trả cho ban điều hành là sai, cố tình làm sai. Bà Trang cho rằng không thể chấp nhận việc lấy quỹ tiền lương chung để chi cho ban điều hành.

Bà Trang dẫn chứng, theo thông tư 27: hướng dẫn tiền lương khi chuyển qua công ty TNHH một thành viên là mỗi năm các doanh nghiệp phải báo cáo quỹ tiền lương thực hiện theo phê duyệt của Ủy ban nhưng hiện nay không có doanh nghiệp nào thực hiện báo cáo.

Trong khi việc báo cáo này là cơ sở để giám sát, quản lý và Ủy ban giao định mức hằng năm.

Thu hồi tiền sai phạm, giải quyết lại chế độ cho công nhân

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên Online, ông Quân nhận định về mức lương khủng của lãnh đạo các công ty công ích: "Mức thu nhập đó gấp gần hai chục lần lương tôi, tức lương chủ tịch UBND TP, cũng là ngang lương với Bộ trưởng".


Chủ tịch UBND TP.HCM chất vấn sai phạm và chỉ đạo xử lý trong vụ việc lương "khủng" tại bốn công ty công ích - Ảnh: Nguyên Mi 

"Ban quản lý các doanh nghiệp có sáng kiến, làm việc hiệu quả, có lợi nhuận cao, có thể vận dụng cơ chế chính sách để nâng cao thu nhập, có thể hưởng thêm xứng đáng chứ không phải quá đáng", Chủ tịch UBND TP.HCM nói.

Trả lời báo chí về chỉ đạo xử lý sai phạm trong vụ việc trên, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cho biết: “UBND TP giao cho Sở Nội vụ, Sở Tài chính rà soát sự việc. Bởi vì, sai thì có sai rồi nhưng sai ở mức độ nào phải rà soát lại cơ chế chính sách. Căn cứ vào kết luận của cơ quan chức năng (Sở Nội vụ và Sở Tài chính). Những vấn đề cố tình sai phạm phải xử lý nghiêm. Cũng như TP cũng đã thành lập hội đồng kỷ luật để xử lý sai phạm".

Theo ông Quân, thực hiện cho đúng quy định phải thu hồi toàn bộ số tiền sai phạm. Phần nào của công nhân thì phải thực hiện giải quyết lại đúng chế độ, chính sách cho công nhân.

Kinh tế TP.HCM có dấu hiệu khởi sắc

Tại cuộc họp, đánh giá chung về tình hình kinh tế thành phố, Chánh văn phòng UBND thành phố Võ Văn Luận cho biết “có dấu hiệu khởi sắc”.

Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tháng 8 ước đạt 50.794 tỉ đồng, tăng 12,9% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 8,9%).

Tính chung 8 tháng đầu năm, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt 389.377 tỉ đồng, tăng 12,2% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 17,8%). Nếu loại trừ yếu tố biến động giá, mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 8,95% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,7%).

Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm học 2013-2014 lần đầu tiên được triển khai thực hiện xuyên suốt 12 tháng kể từ ngày 1.4.2013 với sự tham gia tích cực, chủ động của nhiều doanh nghiệp.

Tính chung 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 17,8 tỉ USD. Công nghiệp của thành phố tăng 5,5% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 4,2%).

Về đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20.8.2013, thành phố có 260 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt 587,7 triệu USD (so cùng kỳ tương đương về số dự án và tăng 0,43% về vốn).

Về Tài chính - tín dụng, ông Luận cho biết tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 8 tháng ước đạt 150.621,3 tỉ đồng, đạt 63,2% dự toán, tăng 9,3% so cùng kỳ (cùng kỳ giảm 0,8%).

Liên quan đến vấn đề giáo dục, ông Luận cho biết từ 12.8.2013, hơn 1 triệu học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn thành phố đã bước vào năm học mới 2013-2014 (trong đó có khoảng 530.000 học sinh tiểu học; hơn 350.000 học sinh THCS và khoảng 200.000 học sinh THPT).

Trong năm học 2013-2014, thành phố đưa vào sử dụng hơn 1.200 phòng học mới cho các cấp học, bậc học. Mặc dù năm nay số học sinh vào lớp 1 tăng lên khá nhiều nhưng các trường vẫn đảm bảo chỗ học cho con em mọi tầng lớp nhân nhân dân, kể cả học sinh tạm trú trên địa bàn.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân chỉ đạo Sở GD-ĐT tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tuyệt đối không để các trường lạm thu tiền phí, lệ phí của học sinh, phụ huynh.

“Phải chủ động trước chứ đừng để xảy ra rồi (lạm thu rồi - PV) mới tiến hành kiểm tra”, ông Quân yêu cầu. (Đình Phú)

Nguyên Mi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.