Vay “ké” tiền của nông dân

15/04/2012 03:24 GMT+7

Ngày 12.4, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án sai phạm trong hoạt động cho vay ở Quỹ tín dụng Trung ương TP.HCM. Sau một buổi sáng xét hỏi căng thẳng, HĐXX đã phải dừng phiên tòa vì nguyên đơn dân sự chưa xác định được thiệt hại của vụ án.

Ngày 12.4, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án sai phạm trong hoạt động cho vay ở Quỹ tín dụng Trung ương TP.HCM. Sau một buổi sáng xét hỏi căng thẳng, HĐXX đã phải dừng phiên tòa vì nguyên đơn dân sự chưa xác định được thiệt hại của vụ án.


Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm - Ảnh: Lê Nga

Cáo trạng của Viện KSND tối cao truy tố Vũ Minh Hải (nguyên quyền Giám đốc chi nhánh Quỹ tín dụng Trung ương tại TP.HCM) cùng 3 cán bộ tín dụng là Bùi Quang Chính (nguyên Phó phòng), Nguyễn Quang Chính (nguyên Trưởng phòng) và Nguyễn Hồng Hà (nguyên cán bộ tín dụng) về tội “vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Theo đó, Trần Anh Tuấn (nguyên Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ vận tải - giao thông thương mại Tân Thiên Tài) và Tiêu Thị Anh quen biết nhau thông qua gia đình.

Năm 2003, biết Chi nhánh Quỹ tín dụng Trung ương tại TP.HCM (viết tắt là Chi nhánh TP.HCM) cần giải chấp, phát mãi lô đất 19.850m2 tại xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn (TP.HCM) thu hồi nợ tồn đọng, Trần Anh Tuấn tìm gặp Vũ Minh Hải xin được mua lô đất trên, thông qua các hộ dân, bằng tài sản thế chấp của các hộ dân. Thực chất đây là chủ trương cho Tuấn “vay ké” trên các hợp đồng của những hộ dân ở Củ Chi. Hải đồng ý và đưa ra chủ trương cho một số hộ dân tại huyện Hóc Môn và Củ Chi cùng Trần Anh Tuấn vay vốn tại Chi nhánh TP.HCM, thế chấp bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân để mua lô đất nói trên. Chủ trương này được Hải thông báo cho cấp dưới triển khai thực hiện.

Từ tháng 4.2003 đến tháng 10.2004, Tuấn và Anh đã lợi dụng chủ trương cho “vay ké” này và sự thiếu hiểu biết của các hộ dân để môi giới cho 83 hộ dân tại 22 xã ở H.Hóc Môn và Củ Chi vay tiền của Chi nhánh TP.HCM. Để tạo lòng tin với các hộ dân, Tuấn che đậy bằng thủ đoạn huy động vốn dưới hình thức “hợp đồng góp vốn” ký kết giữa công ty của Tuấn và các hộ dân. Còn Tiêu Thị Anh hứa sẽ chịu toàn bộ lãi phát sinh. Đến hạn trả nợ mà chưa có tiền trả, Tiêu Thị Anh sẽ đáo hạn. Vì vậy, nhiều hộ dân đã tin tưởng nhờ Anh và Tuấn giúp.

Tuấn và Anh đã móc nối với 4 cán bộ chủ chốt, có thẩm quyền giải quyết cho vay vốn của Chi nhánh TP.HCM để được duyệt vay ké. Tổng cộng, Tuấn và Anh “vay ké” tiền rồi chiếm đoạt hơn 17,6 tỉ đồng.

8 năm chưa xác định được thiệt hại?

Cáo trạng xác định trong quá trình hoạt động, 4 cán bộ chủ chốt nói trên đã không thực hiện đúng các quy định của việc thẩm định, xét duyệt cho vay, vi phạm quy chế - quy trình nghiệp vụ cho vay để Trần Anh Tuấn và Tiêu Thị Anh lợi dụng chủ trương “vay ké” lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt hơn 17,6 tỉ đồng. Trong đó, Tuấn chiếm đoạt 12,3 tỉ đồng, Anh chiếm đoạt gần 5,3 tỉ đồng đến nay không trả được.

Trước khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Trần Anh Tuấn đã bỏ trốn, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định truy nã. Đối với Tiêu Thị Anh có dấu hiệu đồng phạm giúp sức cho Tuấn, do Tuấn đã bỏ trốn chưa có đủ cơ sở làm rõ hành vi phạm tội nên được tạm đình chỉ điều tra để xử lý sau.

Nhưng thật bất ngờ vì tại phiên tòa, đại diện Quỹ tín dụng Trung ương tham gia tố tụng với tư cách nguyên đơn dân sự đã khai chưa xác định được con số thiệt hại cụ thể qua các hợp đồng vay ké này. Do vậy sau khi hội ý, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa để cho đơn vị này tính toán, xác định con số thiệt hại cụ thể. Đại diện Viện KSND TP.HCM cũng đồng ý hoãn phiên tòa vì việc xác định con số thiệt hại cũng chính là hậu quả của vụ án và là cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo.

Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.