Phản văn hóa

27/01/2013 03:02 GMT+7

So với thời chưa xa, việc đi nước ngoài giờ đây dễ như làm chút công chuyện nhà, thậm chí với không ít người còn thường xuyên như cơm bữa.

Đi để vui chơi, để mở mang tầm mắt, học hỏi cách làm ăn, lối cư xử ở xứ người. Và điều này là thực: rất nhiều du khách sau chuyến tìm tòi quan sát trên đất bạn đã mang về lời phàn nàn, nhưng không phải khó chịu về bạn mà vận vào ngay chính xứ mình, dân mình. Một người bạn tôi năm nào cũng qua Thái Lan, Campuchia bảo rằng đừng nói những chuyện chi xa xôi, chỉ cần thấy người ta ứng xử nơi công cộng mà thèm. Sao mình không làm được như vậy? Bạn tôi hỏi thế.

Câu hỏi đơn giản mà khó khăn ấy tôi chưa kịp giả nhời nhưng với những gì cọ xát hằng ngày quả thấy có những chuyện tưởng chừng nho nhỏ mà rất khó chịu, bực bội, làm tổn hại hình ảnh một đất nước và người dân vốn được coi là thân thiện, dễ mến.

Những hình ảnh phản văn hóa ta dễ thấy nhất trên các tuyến đường đô thị. Không ít lần tôi đã phải nén sự bực mình, thậm chí ghê tởm (đúng nghĩa) khi người chạy xe máy trước mình trên đường bất ngờ quay ngang và nhổ phì nước miếng, bắn cả vào mặt mũi, quần áo xe cộ người phía sau. Hoặc trong dòng người chậm chạp nhích từng tí lúc mưa lụt, triều cường, đôi khi vài chiếc taxi, xe máy xé nước băng băng lao tới trước bất kể tạt nước bẩn vào đám đông đang sững sờ không hiểu họ là loại người gì mà có hành vi như thế. Dễ bắt gặp hình ảnh đổ nước bẩn ra đường; vừa đi vừa ăn trái cây mặc sức xả rác; chạy xe máy nhưng vẫn nghe điện thoại có thể bất cẩn gây nguy hiểm cho người khác; dừng chốn giao lộ khi đèn đỏ nhưng vẫn phải cố nhích lên vượt qua vạch cấm hoặc leo lên lề; bóp còi inh ỏi, nói cười hô hố ngoài đường như chốn không người; chạy xe nhưng phì phèo hút thuốc; đeo bám du khách nước ngoài; tiêu tiểu bậy ngay cả chốn trang nghiêm… Nếu chỉ xét dựa vào những hiện tượng phản văn hóa đó, quả thực cuộc sống chả khác chi “bức tranh vân cẩu, con người tang thương”, thật đáng buồn, đáng sợ.

Tại sao người Thái dẹp được sự bôi bẩn cộng đồng mà chúng ta thì không? Thực ra không phải ta không làm được. Dư luận từng khen ngợi nếp sống đô thị đã tiệm cận văn hóa văn minh đang ngày càng phổ biến ở Đà Nẵng. Chính quyền TP.HCM nhiều năm qua cũng chỉ đạo cụ thể, quyết liệt việc xây dựng nếp sống văn hóa nơi công cộng, quan tâm đến việc nhặt từng cọng rác trên đường, giữ sạch bức tường trong hẻm. Ngay cả động thái mới nhất vừa đây chính quyền T.Ư ra nghị định cấm và phạt những trường hợp nuôi chó thả rông ở đô thị… Tất cả đều nhằm mục đích từng bước xây dựng cho được, cho bền vững nền nếp văn hóa văn minh xã hội cộng đồng.

Vấn đề mấu chốt, quan trọng nhất ở con người, mỗi con người. Xã hội là tổng thể do con người hợp thành. Sự hay dở, tốt xấu của xã hội phụ thuộc vào từng cá nhân. Một khi mỗi người tự ý thức được thái độ, trách nhiệm của mình phải thế nào cho phù hợp với sự phát triển chung thì có lẽ không cần lắm đến những quy định bắt buộc, biện pháp hành chính. Tham gia vào việc xây dựng nền nếp văn hóa thì chính mình sẽ được hưởng thành quả văn hóa đó. Hãy tẩy chay, “nói không” từ những việc nhỏ, những hành vi phản văn hóa kể trên. Không giải quyết xong việc nhỏ thì đừng mơ đến những gì lớn lao hơn.

Nguyễn Thông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.