Ổn định ở biển Đông là quan tâm hàng đầu của Mỹ

17/12/2013 02:02 GMT+7

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố nước này quan ngại và phản đối mạnh mẽ những hành động khiêu khích, gây sức ép nhằm đạt được mưu đồ về chủ quyền lãnh thổ.

Ổn định ở biển Đông là quan tâm hàng đầu của Mỹ
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Kerry tại cuộc họp báo chung - Ảnh: Trường Sơn

Chiều 16.12 tại Hà Nội, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry về tiếp tục triển khai quan hệ Đối tác toàn diện trên các lĩnh vực. Trong cuộc họp báo chung sau đó, Ngoại trưởng Kerry khẳng định ổn định ở biển Đông là quan tâm hàng đầu của Mỹ cũng như các nước trong khu vực. Mỹ quan ngại và phản đối mạnh mẽ những hành động khiêu khích và gây sức ép, và kêu gọi những nước có tranh chấp giải trình rõ, bảo đảm những yêu sách của họ là phù hợp với luật pháp quốc tế. Theo ông, các nước tranh chấp có thể tham gia các cơ chế trọng tài cũng như thực hiện nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết vấn đề thay vì những động thái mang tính chất khiêu khích, gây sức ép.

Ngoại trưởng Mỹ cũng bày tỏ ủng hộ việc ASEAN hợp tác sớm cho ra đời Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) và coi đây là một yếu tố quan trọng trong tương lai dài hạn. Trong ngắn hạn, ông Kerry khẳng định cũng cần có những biện pháp để các quốc gia liên quan tránh những “tính toán sai lầm” có thể dẫn đến leo thang căng thẳng.

Quan tâm đến vấn đề biển Đông được Mỹ cụ thể hóa thông qua khoản viện trợ trị giá 32,5 triệu USD nhằm hỗ trợ các quốc gia Đông Nam Á tăng cường năng lực chấp pháp trên biển. Công bố thông tin này tại cuộc họp báo, ông Kerry cho biết gói hỗ trợ bao gồm việc đào tạo, mua tàu tuần tra cho các lực lượng cảnh sát biển nhằm giúp các quốc gia Đông Nam Á thực hiện các hoạt động nhân đạo và kiểm soát, bảo vệ lãnh hải. Liên quan đến vấn đề này, AP dẫn thông tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết riêng VN sẽ nhận được 18 triệu USD, trong đó có 5 tàu tuần tra cho lực lượng cảnh sát biển.

Với khoản viện trợ này tổng số tiền mà Mỹ hỗ trợ cho an ninh hàng hải của khu vực sẽ vượt qua con số 156 triệu USD trong 2 năm tới. Theo ông Kerry đây là một bước đi trong lộ trình đã có từ trước chứ không đơn thuần là phản ứng tình thế trước những căng thẳng gia tăng gần đây trên biển Đông. Ông cho rằng không một khu vực nào có thể ổn định, an toàn nếu thiếu vắng sự bảo vệ pháp luật trong lãnh hải.

Trong cuộc họp báo, ông Kerry cũng cho rằng quan hệ kinh tế, ngoại giao chiến lược cũng như các mối liên kết giữa người dân với nhau ở khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương chưa bao giờ mạnh mẽ như hiện tại. Trong đó, quan hệ của Mỹ và ASEAN được coi là trung tâm trong quan hệ với cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương. “Sự gia tăng đầu tư và gia tăng hợp tác được thể hiện ngay tại đây, VN”, ông nhấn mạnh. 

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Mỹ cũng khẳng định nước ông không công nhận Vùng nhận diện phòng không do Trung Quốc thiết lập trên biển Hoa Đông, đồng thời cảnh báo “Trung Quốc không nên tiếp tục đơn phương có những hành động tương tự trong khu vực và đặc biệt là tại biển Đông”.

Lãnh đạo Đảng và Chính phủ tiếp Ngoại trưởng Mỹ

Chiều 16.12, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp Ngoại trưởng John Kerry. Ông Kerry đánh giá cao vị thế và vai trò ngày càng cao của VN tại khu vực và trên thế giới, khẳng định Mỹ mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác với VN, triển khai có hiệu quả quan hệ Đối tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là bảo vệ và bảo tồn hệ sinh thái quan trọng tại vùng ĐBSCL, đồng thời nhấn mạnh mong muốn 2 nước cùng nỗ lực thúc đẩy để sớm hoàn tất quá trình đàm phán Hiệp định TPP vì lợi ích của cả hai nước. Ngoại trưởng Mỹ cũng cảm ơn VN đã thiện chí hợp tác, giúp đỡ giải quyết vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh Ngoại trưởng Kerry thăm VN lần đầu tiên trên cương vị mới, bày tỏ hài lòng về những bước tiến trong quan hệ hợp tác nhiều mặt. Tổng bí thư nhấn mạnh VN thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; khẳng định coi Mỹ là đối tác quan trọng của VN. Tổng bí thư đề nghị Mỹ tăng cường hợp tác với VN trong các khuôn khổ hiện có và trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, y tế, bảo vệ môi trường, đối phó với biến đổi khí hậu… mong muốn Mỹ dỡ bỏ rào cản thương mại và tăng cường đầu tư vào VN.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ngoại trưởng Kerry cũng trao đổi về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề phát huy hiệu quả của các cơ chế hợp tác đa phương và duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực. Hai bên cũng khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Kerry cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng kết quả chuyến thăm sẽ đóng góp tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định VN sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong tiến trình đàm phán TPP và đề nghị cần có sự linh hoạt phù hợp với trình độ phát triển của mỗi nước, trong đó quan tâm đến lợi ích cốt lõi của VN. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị trong đàm phán, Mỹ xem xét điều kiện thực tiễn của VN, đặc biệt là tiếp cận thị trường hàng hóa dệt may và da giày để đạt được thỏa thuận mà hai bên có thể chấp nhận được.

Về vấn đề nhân quyền, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng thời gian qua VN và Mỹ đã có cơ chế đối thoại và xử lý trên tinh thần hợp tác, xây dựng và hiểu biết, không để vấn đề này trở thành cản trở trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Thủ tướng cũng hoan nghênh Mỹ hỗ trợ VN trong các vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Kông; đề nghị Mỹ giảm rào cản trong quan hệ thương mại, sớm công nhận VN có nền kinh tế thị trường…

Về vấn đề biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh Mỹ ủng hộ lập trường của ASEAN và VN trong giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về luật Biển (1982), thực hiện nghiêm chỉnh Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC).

 TTXVN

Các lĩnh vực thúc đẩy hợp tác

Về hợp tác an ninh, 2 nước đang cùng làm việc chặt chẽ để tăng cường an ninh khu vực thông qua mở rộng hợp tác trong hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai... Mỹ và VN cũng đang làm việc chặt chẽ liên quan đến vấn đề gìn giữ hòa bình. Năm 2014 VN lần đầu tiên sẽ tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ.

Về giáo dục, 2 nước đã có những tiến bộ lớn trong tăng cường liên kết giữa sinh viên VN theo học tại Mỹ. VN là nước đứng thứ tám về số lượng du học sinh tại Mỹ, với hơn 16.000 sinh viên tại các trường đại học và cao đẳng trên toàn nước này. Ông Kerry bày tỏ hy vọng sẽ tiếp tục sự thành công của chương trình với việc thành lập một ĐH Fulbright tại VN trong tương lai gần. 

Lĩnh vực thương mại được coi là thành công lớn nhất trong quan hệ song phương với trao đổi thương mại đã tăng 50 lần kể từ 1995. Ông Kerry cho biết Mỹ vừa khởi xướng chương trình hỗ trợ giúp tăng cường năng lực cho VN trong đàm phán Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo ông, việc hoàn tất đàm phán TPP sẽ giúp VN nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hoan nghênh Mỹ cung cấp 4,2 triệu USD giúp tăng cường năng lực cho VN trong đàm phán TPP và đề nghị nước này linh hoạt cho VN trong đàm phán cũng như hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực cần thiết trong giai đoạn thực thi hiệp định; đề nghị Mỹ mở cửa hơn nữa cho các mặt hàng nông sản của VN, hạn chế các vụ kiện chống phá giá và trợ cấp đối với hàng xuất khẩu của VN, theo TTXVN.

Trường Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.