Nuôi dê và chọi dê trên cao nguyên đá Đồng Văn

21/02/2015 14:44 GMT+7

(TNO) Rong ruổi trên cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang những ngày đầu xuân, bên dưới những tán hoa đào, hoa mận bung nở tinh khôi chúng tôi nghe lúc lắc tiếng chuông đeo trên cổ những chú dê.

(TNO) Rong ruổi trên cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang những ngày đầu xuân, bên dưới những tán hoa đào, hoa mận bung nở tinh khôi chúng tôi nghe lúc lắc tiếng chuông đeo trên cổ những chú dê.

nuoi-de-choi-de-cao-nguyen-da-Dong-VanMột chú dê đầu đàn trên cao nguyên đá Đồng Văn - Ảnh: Cẩm Giangnuoi-de-choi-de-cao-nguyen-da-Dong-VanNhững cô bé người Mông xấu hổ che mặt, khúc khích cười khi biết bị chụp ảnh - Ảnh: Cẩm Giang
Con đường vắt vẻo trên sườn núi bị che khuất bởi sương mù trắng xóa. Tầm nhìn chỉ còn thu ngắn lại vài ba mét. Những tiếng chuông leng keng phá tan cái tĩnh mịch của cao nguyên đá một sớm mai.
Những đứa trẻ con dân tộc Mông đi theo đàn  ngồi chơi trên một mỏm đá bên phải đường, mặc cho những con dê đang kêu be be trên bãi đá tai mèo.
“Dê nhà cháu à?”, không thấy tiếng trả lời, những chiếc váy xòe hoa quay ngoắt đi, chỉ có những tiếng cười khúc khích. Trẻ con người Mông không phải ai cũng được đến trường, chúng không biết tiếng Kinh, thấy ống kính máy ảnh là chạy biến.
Những con dê đầu tiên ở Tả Lủng
Đồng hành với chúng tôi là một người chạy xe ôm đã ngoài ba chục năm ở Đồng Văn. Ông người Kinh, gốc Sơn La nhưng thông thạo tiếng dân tộc Mông và cả văn hóa bản địa của khắp nơi cùng tận ở Hà Giang này. Trên đường qua Tả Lủng, ông đưa chúng tôi đến thăm người nuôi dê nửa thế kỷ ở đây.
Ông Thảo Mí Giàng năm nay 72 tuổi, đã nuôi dê được 50 năm ở thôn Xà Lủng, xã Tả Lủng, huyện Đồng Văn. Ngôi nhà của ông Giàng xinh xắn giữa lưng chừng núi đá. Một cái chuồng lớn dựng bằng gỗ ngay trước nhà, dưới tán của một rặng đào. Chuồng được ngăn làm các gian cho lợn, bò, dê... Trên dưới 30 con chim bồ câu đậu trên mái nhà, thi thoảng chúng vỗ cánh bay vụt lên trời cao.
Ông Giàng từng làm việc trong ủy ban xã Tả Lủng. Dựng nhà trên núi, được chia đất rừng, ông Giàng tìm hiểu và được biết nuôi dê rất hợp với địa hình, thời tiết ở đây. Nhưng những con dê đầu tiên được bắt về, sau một vài tháng, chúng chết gần hết vì bị dịch bệnh. Con nào còn sống thì gầy trơ xương vì chỉ ăn lá cây rừng. “Giàu nuôi chó, khó nuôi dê”, người ta thường nói.
Ông Giàng đi hỏi cán bộ chăn nuôi, tự mày mò cách làm chuồng trại khô ráo, sạch sẽ cho dê ở, tự học cách tiêm phòng bệnh cho dê, cho dê ăn thêm cám, chứ không chỉ bỏ mặc cho ăn cỏ tự nhiên. Dần dà, ông Giàng thành người nuôi dê đầu tiên và duy nhất ở Tả Lủng sở hữu đàn dê béo mập, ít khi đau ốm. Việc đỡ đẻ cho dê, nhân giống dê tự tay ông lo liệu. 
“Đỡ đẻ cho dê thì chỉ cần chú ý rồi lau cho khô dê con khi nó chào đời thôi”, ông Giàng cho biết.
Bà con hàng xóm thấy ông Giàng nuôi dê khấm khá thì lân la đến học, mua giống. Thế là số dê ở Tả Lủng cứ tăng lên mỗi ngày.
nuoi-de-choi-de-cao-nguyen-da-Dong-VanÔng Thảo Mí Giàng bên chuồng dê nhà mình - Ảnh: Cẩm Giang
nuoi-de-choi-de-cao-nguyen-da-Dong-Van
nuoi-de-choi-de-cao-nguyen-da-Dong-Van
nuoi-de-choi-de-cao-nguyen-da-Dong-VanBan ngày dê được thả lên các bãi đá trên núi, chiều con dê đầu đàn sẽ đưa cả đàn về chuồng - Ảnh: Cẩm Giang
nuoi-de-choi-de-cao-nguyen-da-Dong-VanNhững em bé người Mông đi theo đàn dê trên bãi đá tai mèo - Ảnh: Cẩm Giang
Ông Dương Minh Hải, Phó chủ tịch UBND xã Tả Lủng cho biết số dê trong xã năm 2010 là 1670 con, đến năm 2014 đã là 2060 con. Dự kiến năm nay sẽ tăng đàn dê lên khoảng trên 300 con nữa. Từ tháng 8 năm 2015, Sở Khoa học công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang sẽ tập trung cải tạo giống dê tại nhiều địa phương trong tỉnh. Dê địa phương sẽ được lai tạo với dê bách thảo Sơn Tây (Hà Nội) để được giống dê mới, khỏe hơn, năng suất hơn, khả năng chống chịu thời tiết khắc nghiệt tốt hơn.
Hơn chục năm trước, giá thịt dê tại Đồng Văn nói chung rất rẻ. Người ta mua dê theo con. Bây giờ, người mua dê vào tận chuồng để mua, dê bán theo trọng lượng (lúc dê còn sống), mỗi cân dê được trả khoảng 120.000 đồng.
Ông Thảo Mí Giàng tuổi đã cao, ngôi nhà tam đại đồng đường cùng sinh sống rất đông con cháu và các chắt, mỗi người mỗi nghề khác nhau nhưng ông vẫn giữ nghề chăn nuôi. Chiều chiều, dê đầu đàn dẫn đàn dê xuống núi, tiếng chuông lúc lắc kêu. Nhanh như sóc, cháu nội ông Giàng mới học lớp 1 đã nhảy ra ngoài, mở cánh cửa gỗ, lùa dê vào chuồng, lấy thêm cám cho gà ăn, đổ nước cho lợn uống. Căn nhà nhỏ trên núi đá này nếu không có nhí nhéo tiếng trẻ con và đàn gia súc, có lẽ ông lão 72 tuổi này buồn lắm.
Lễ hội chọi dê có một không hai
Anh Vàng Mi Pó, Bí thư đoàn xã Tả Lủng cất tiếng hỏi: “Cô đã được xem chọi dê bao giờ chưa” rồi anh tặc lưỡi, “Chưa được xem thì uổng quá".
Anh Pó cho hay, hội chọi dê của đồng bào dân tộc Mông, Hà Giang thường tổ chức ở những vùng nuôi nhiều dê như xã Lũng Cú, Lũng Táo, Sính Lủng, Ma Lé, thường diễn ra vào mùa xuân, sau Tết Nguyên đán một thời gian.
nuoi-de-choi-de-cao-nguyen-da-Dong-VanMột con dê bị đẩy ra ngoài xới đấu trong hội chọi dê - Ảnh: Huyện Đồng Văn cung cấp
nuoi-de-choi-de-cao-nguyen-da-Dong-VanLễ hội chọi dê có một không hai ở Hà Giang mỗi dịp mùa xuân - Ảnh: Huyện Đồng Văn cung cấp
Người ta chọn lựa ra những con dê đầu đàn to, khỏe, 3 tuổi trở lên, có nguồn gốc rõ ràng, không mang dịch bệnh để mang ra thi đấu theo từng thứ hạng cân nặng, ví dụ 30 - 35 kg, 36 - 40 kg, 41 - 50 kg. Những chú dê chọi được chăm sóc rất cẩn thận và tỉ mỉ.
Theo lời kể của những người dân địa phương, lễ hội chọi dê thường thu hút rất đông bà con từ khắp các xã khác trong huyện về xem. Trong tiếng reo hò của khán giả, chiêng trống liên hồi, những con dê tung đòn hiểm hóc với đối phương, chiến đấu hết mình. Khán giả được chiêm ngưỡng những màn dê húc chính diện, móc sừng vào bụng để hất ngược con dê trước mặt hay khóa sừng để hạ gục đối thủ đầy kịch tính.
Lễ hội chọi dê như một lời cầu ước năm mới may mắn, chăn nuôi thuận lợi. Đặc biệt nhất, không như hội chọi trâu dưới xuôi, những con dê kể cả thắng cuộc và thua cuộc đều không bị giết thịt mà người chủ sẽ mang dê về chăm sóc, làm giống tiếp.
Mỗi lễ hội chọi dê thành công, cả một mùa xuân ấm áp đang trở về trên cao nguyên đá...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.