Thành phố sạch, dòng sông đen và của để dành

21/01/2012 09:14 GMT+7

1. Một chiều thu tháng 9, cách thủ đô Stockholm khoảng 10 cây số về phía bắc, nhịp sống tại khu dân cư Enebyberg, Danderyd vẫn an nhiên như vốn dĩ suốt bốn mùa trong năm.

Bình an và ấm áp ở ngự trị từng góc nhỏ Enebyberg trong khí trời se lạnh mùa thu. Và đối với 50 hộ dân sinh sống nơi đây, bình an đâu khác gì hạnh phúc. “Về hưu tôi sẽ dọn đến sống tại đây. Tuổi già luôn cần ấm áp và Enebyberg cho tôi điều đó”, ông Jan Janonius, cán bộ báo chí của Bộ Ngoại giao Thụy Điển, nói với nhóm phóng viên quốc tế tham quan.

 
Một góc khu đô thị Västra Hamnen, khu dân cư thân thiện với môi trường nhất trên thế giới và đã sử dụng nguồn năng lượng có thể tái tạo được từ nhiều năm nay

Toàn bộ các căn hộ ở khu dân cư Enebyberg sử dụng năng lượng mặt trời để phục vụ cho hệ thống sưởi ấm, làm mát và thông gió. Mùa hè ở đây hoàn toàn lý tưởng cho việc sử dụng năng lượng mặt trời, nhiệt độ mùa đông có thể xuống đến âm 30 độ và do vậy tấm thu điện mặt trời hầu như không có tác dụng gì trong suốt khoảng thời gian này. Thế nhưng dự án phát triển khu dân cư Enebyberg đã thiết kế một hệ thống trữ nhiệt lâu dài để đảm bảo nơi này ấm áp quanh năm. 50 căn hộ Enebyberg đều sử dụng mái nhà có độ dốc cao đóng vai trò như những tấm thu nhiệt. Các tấm thu nhiệt này làm nóng dòng nước liên tục chảy xung quanh hệ thống tuần hoàn khép kín cung cấp nước ấm cho mỗi căn hộ và sưởi ấm sàn nhà thông qua các thiết bị trao đổi nhiệt. Dòng nước ấm tiếp tục chảy dọc theo đường ống nhựa dài 26 cây số và xuyên qua 100 lỗ chôn sâu 65 mét dưới lòng đất đến khối đá granite nằm trong khu dân cư Enebyberg. Vào mùa hè, hệ thống khối đá granite này được làm nóng lên đến 42 độ và trong những ngày đông, thay vì sử dụng nhiệt từ mặt trời, hệ thống lấy nhiệt ngay từ khối đá bên dưới này để sưởi ấm từng căn hộ. Enebyberg ấm suốt mùa đông và cho đến khi nhiệt độ của khối đá granite giảm xuống 30 độ thì cũng là thời khắc ánh sáng mặt trời quay trở lại.

Ông Stig Rahm, điều phối viên dự án Enebyberg, cho biết phương thức trữ năng lượng ngày nắng để dùng cho những ngày đông đã định hình triết lý cho việc hoạch định chiến lược phát triển và bảo vệ môi trường của Thụy Điển nói chung trong 10 năm tới. Bà Sanna Due, chuyên gia cao cấp của Cơ quan bảo vệ môi trường Thụy Điển, khẳng định: “Chúng tôi có nghĩa vụ phải giải quyết 16 mục tiêu về môi trường từ đây đến năm 2020 (do quốc hội Thụy Điển ban hành) ngay từ bây giờ và sẽ không bao giờ để thế hệ ngày mai phải gánh chịu những hậu quả mà chúng tôi có thể khắc phục được ngay từ hôm nay”.

 
Một góc khu đô thị Västra Hamnen - Ảnh: thành phố Malmö cung cấp

2. Một bức điện tín do WikiLeaks công bố gần đây của Lãnh sự quán Mỹ ở Quảng Châu (Trung Quốc) cho thấy cơ quan ngoại giao này bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về sự ô nhiễm nghiêm trọng ở dòng Châu Giang cũng như nhiều nguồn nước tại tỉnh Quảng Đông. Theo bức điện tín, ô nhiễm nghiêm trọng đến mức “nó đang trở thành mối nguy đến sức khỏe người dân cũng như sự ổn định kinh tế trong khu vực... Rất nhiều người dân địa phương sống trong vùng ô nhiễm nặng đang phải gánh chịu hậu quả với nhiều căn bệnh như ung thư, bệnh về xương và các rối loạn khác, bắt nguồn từ nguyên nhân phơi nhiễm cao với quá nhiều chất độc công nghiệp...”.

Sự giãy chết của dòng Châu Giang làm bất an cả những tổ chức quốc tế về môi trường đang làm việc tại Việt Nam. Ông Jake Brunner, điều phối viên chương trình quốc gia của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) Việt Nam, cảnh báo: “Tôi thấy có quá nhiều điểm tương đồng ở những nhân tố đang giết chết Châu Giang và những mối nguy đe dọa sông Đồng Nai ở Việt Nam... Câu hỏi lớn nhất tôi đặt ra trong bối cảnh này là: Chúng ta phải làm gì để tránh rơi vào vết xe đổ Châu Giang? Chúng ta có nên theo đuổi mô hình “tăng trưởng trước, thu dọn sau” bằng mọi giá? Liệu chúng ta có bị trói buộc bởi tư duy một đồng hôm nay đáng giá hơn 10 đồng của ngày mai? Và cuối cùng, di sản quý giá nhất chúng ta để lại cho thế hệ sau là gì, nếu không phải là một môi trường lành mạnh, khỏe khoắn?”.

3.Nằm ở phía nam của Thụy Điển và cách Stockholm khoảng một giờ bay, Malmö được biết đến như là một trong những thành phố bền vững và thân thiện với môi trường nhất thế giới. Với hàng loạt giải thưởng danh giá do các tổ chức môi trường quốc tế trao tặng, Malmö là điểm đến không chỉ của rất nhiều lượt du khác quốc tế mà còn thường xuyên đón tiếp rất nhiều phái đoàn các nước đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm về phát triển môi trường bền vững. Malmö đặt mục tiêu vào năm 2020 sẽ chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và thay vào đó là 100% các nguồn năng lượng có thể tái tạo. Được mệnh danh là “Thành phố của ngày mai”, Malmö tự hào với khu đô thị mới Västra Hamnen, khu dân cư thân thiện với môi trường nhất trên thế giới khi nơi này sử dụng 100% nguồn năng lượng có thể tái tạo được từ nhiều năm nay. Ý thức môi trường của người dân nơi đây gần như đã được “lập trình”.


 Xe đạp là phương tiện lưu thông chủ yếu tại thành phố Malmö 

Hạn chế sử dụng ô tô và cẩn trọng tối đa với nhu cầu sử dụng điện đã trở thành nền nếp của mọi công dân.

Hơn 10 năm trước, anh Daniel Skog, cán bộ truyền thông của Cơ quan môi trường Malmö, đến thành phố này với mục đích ban đầu là chỉ hoàn tất bốn năm đại học. Bây giờ, Skog đã có cho riêng mình ngôi nhà và những đứa trẻ tại đây và điều quan trọng nhất là, anh không muốn rời Malmö nữa.

“Một môi trường bền vững cho một cuộc sống an lành là điều quan trọng nhất tôi luôn tìm kiếm cho các con của mình. Tôi đã tìm được nó ở đây và hạnh phúc vì không chỉ tôi, mà những người xung quanh lẫn chính quyền thành phố đều chia sẻ, đó là những gì tốt đẹp nhất chúng ta phải làm và để dành cho thế hệ sau”, Skog nói.

An Điền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.