Gặp đầu bếp ngoại thích nấu món Việt

24/01/2012 08:24 GMT+7

(TNTS Xuân Nhâm Thìn) Sinh ra ở Philippines, mang quốc tịch Úc nhưng Romeo Bantiling - hiện là bếp trưởng khách sạn 5 sao Legend (TP.HCM) - lại chọn Việt Nam là nơi làm việc khi sự nghiệp đã phát triển chín muồi. Ông bị níu chân bởi những lá ngò gai, cọng rau quế, nhánh húng cây... mà ông bảo là độc nhất vô nhị. Trước thềm năm mới, TNTS có cuộc trò chuyện với Romeo Bantiling.

 

Xin hỏi ngay: điều gì giữ chân ông lại Việt Nam lâu thế?

Tôi đã ở Việt Nam 17 năm rồi. Cũng có một năm gián đoạn, khi tôi sang làm việc tại một khách sạn ở Thượng Hải (Trung Quốc) nhưng tôi nhớ Việt Nam quá đỗi. Tôi cảm thấy Việt Nam là nơi tôi đã thuộc về và không thể xa. Vợ tôi cũng là người Việt Nam mà. Hồi đó cô ấy cũng nhớ nhà và cứ về Việt Nam mãi. Bởi thế tôi quyết định ngay khi có cơ hội quay lại Việt Nam nấu ăn.

Ông nấu được những món Việt nào?

Ồ, nhiều lắm, gỏi cuốn này, chả giò này, gà kho sả này, bò lá lốt này, phở bò này, cua rang me này…

Đâu là món “ruột” của ông?

Phở bò.

Ông thích phở hay khách của ông thích phở?

Cả hai. Món phở trong buffet quốc tế tại nhà hàng Atrium của Legend lúc nào cũng rất đắt khách. Bản thân tôi cũng là một người hâm mộ phở. Tôi có thể ăn phở buổi sáng, buổi tối ăn lại mà vẫn thấy ngon. Thêm một miếng giò cháo quẩy nữa thì càng tuyệt! Tất nhiên cũng không thể thiếu rất nhiều rau quế và một ít ngò gai.

Bí quyết món phở của ông?

Cứ giữ nguyên hương vị truyền thống của món phở Việt Nam, không thay đổi tí gì hết. Hương vị đó là hoàn hảo rồi! Vẫn cứ phải hành tây, gừng, hồi, nước mắm… Ngoài ra, bạn phải chọn loại xương tươi, chứ không thể dùng hàng đông lạnh. Thời gian hầm xương cũng rất quan trọng: chỉ nên hầm chừng 8-10 giờ, đủ để lấy vị ngọt của xương. Nếu hầm lâu quá, mùi xương sẽ rất ngấy.

Còn các món Việt khác?

Tôi có thể sáng tạo ra nhiều món Việt của riêng tôi đấy! Ví dụ món gỏi cuốn luôn được người nước ngoài yêu thích. Thế là tôi cho thêm bơ vào trong gỏi cuốn, bởi khách nước ngoài rất thích bơ, quả bơ lại có lợi cho sức khỏe. Thường thì tôi không cho nhiều bún vào gỏi cuốn vì theo ý kiến riêng của tôi, bánh tráng cuộn bên ngoài đã làm bằng gạo rồi nên có thể giảm bớt bún gạo bên trong. Hay như món bò lá lốt, tôi thấy ướp thêm một ít đậu phộng nghiền và dầu ô liu sẽ làm cho hương vị của nó thêm ngon.

Điều gì cuốn hút ông nhất khi nấu các món ăn Việt?

Tôi mê nấu tất cả các món được kết hợp với nước dừa cùng các loại rau thơm độc nhất vô nhị chỉ Việt Nam mới có: rau răm, rau quế, húng cây, ngò gai… Ồ, rất phong phú. Tôi chế biến rất nhiều món ăn từ các loại rau thơm độc đáo này.

Ở các nước lân cận cũng có nhiều loại rau thơm mà…

Đúng, chẳng hạn như Thái Lan cũng có nhiều loại rau thơm của riêng họ. Nhưng mùi của chúng rất nồng, trong khi rau thơm của các bạn dịu và thanh hơn. Chỉ có một loại tôi không ăn được thôi: diếp cá!

Ông có dùng các loại rau thơm của riêng Việt Nam khi chế biến các món Âu không?

Làm sao tôi có thể bỏ qua loại nguyên liệu quý giá như thế chứ! Tôi đã sáng tạo rất nhiều món Âu từ lá lốt, ngò gai, húng cây, sả… Có khi tôi còn kết hợp đậu phộng với các loại rau thơm này trong các món Âu. Ngon tuyệt!

Và ông đã giữ các bí quyết đó làm “độc chiêu” của riêng mình?

Ồ, không đâu. Tôi đã rất nhiều lần tham gia vào các sự kiện giới thiệu ẩm thực Việt Nam tại Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore... Và đó cũng là những lần tôi thỏa sức sáng tạo với rau thơm Việt bên cạnh những món truyền thống. Chẳng hạn món sườn cừu ướp với hỗn hợp gia vị có sả non và húng cây bằm nhuyễn đem nướng trong lò mang hương vị rất mới lạ và độc đáo. Ai cũng mê! Ngoài ra, thay vì dùng khoai tây ăn kèm, tôi dùng khoai lang Việt Nam.

Ông gọi đó là món gì?

Rất đơn giản: sườn cừu nướng rau thơm Việt Nam.

Người dân ở đâu thích món Việt của ông nhất?

Người Nhật Bản là “fan” cuồng nhiệt của ẩm thực Việt. Mỗi lần tôi cùng các cộng sự giới thiệu món Việt ở đây là báo giới đến phỏng vấn, chụp hình rất rầm rộ. Tôi ra nhà ga cũng thấy hình của mình, đến siêu thị cũng thấy nữa. Món Việt của các bạn đã làm tôi nổi tiếng đấy (cười to).

Ông thường ăn món gì trong ngày tết?

Tất cả các loại thức ăn truyền thống của người Việt, nhất là khi tôi đi thăm họ hàng bên vợ, nhưng tôi thích nhất là thịt kho nước dừa ăn kèm dưa chua. 

Xin cảm ơn ông.

Kiều Oanh (thực hiện), Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.