Ba điều bốn chuyện về hàng Việt

20/01/2012 06:58 GMT+7

Cuối năm, nghe bao nhiêu chuyện không vui về  các doanh nghiệp bạn bè, rằng đang bán công ty hay tạm thời ngưng hoạt động chờ qua cơn bão lạm phát. Tôi mở cuốn sổ tay chằng chịt, trong tâm trạng ngổn ngang, ghi xuống mặt giấy mấy chữ chỏng chơ: ba điều bốn chuyện về hàng Việt, mà biết là mình có nói sao cũng không hết…

Đầu tiên, tôi muốn mời bạn xem hai bức ảnh mới (cho có tính báo chí).
 
1/ Ảnh một sạp hàng ở chợ Đà Nẵng. Nhà vô địch Hoàng Quý Phước đang phụ mẹ bán thịt hằng ngày. Đăng ảnh không nhằm ca tụng chàng trai có hiếu và bình dị mà nhằm… nhắc rằng mỗi ngày có hàng vạn bà mẹ đang chạy chợ nuôi các nhà vô địch, bác sĩ, kỹ sư, thợ giỏi ở các chợ truyền thống, hãy giúp chợ đứng vững trước làn sóng phân phối hiện đại.

 
Vận động viên Hoàng Quý Phước phụ mẹ bán thịt heo - Ảnh: Tiến Thành 

2/ Lại cũng một sạp bán thịt, nhìn kỹ ông bán thịt là nghệ sĩ Quyền Linh. Anh đang vào vai diễn của một tiểu phẩm để lôi kéo khách đến với chợ nhiều hơn: các nghệ sĩ đại sứ hàng Việt ra chợ Nguyễn Văn Trỗi, Q.3, TP.HCM thực hiện một video clip nhằm thuyết phục tiểu thương hãy có thái độ chuyên nghiệp hơn, dễ thương hơn với khách.

Ba câu hỏi khó

Câu chuyện của tôi bắt đầu bằng ba câu hỏi khó tôi thường nghe khi đi cùng hàng Việt về vùng sâu.

* Mua Mỹ Hảo hôm nay, chịu chất lượng rồi nhưng mai mốt mua ở đâu anh ơi? (một cô gái nông dân thứ thiệt ở U Minh, Cà Mau hỏi người bán nước xả vải Siu sốp của Mỹ Hảo).

* Nghệ sĩ Kim Tử Long một hôm hỏi tôi khi đi cùng trên xe buýt về Bạc Liêu: Tôi thích Thorakao, kem lót nền rất tốt, nhưng mua về cứ mỗi lần vặn nắp chai thì nắp bị bể hay bị giập, làm nhòe nhoẹt ra cả tay và áo quần. Đâu cần phải bán rẻ, sao không làm nắp chai dày hơn, và sao mà khó mua vậy?

* Một doanh nghiệp hỏi hoa hậu Hương Giang: Cô nói đi quảng bá cho hàng Việt tự nguyện, vậy quảng cáo giùm sản phẩm cho tôi không lấy tiền được không? Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng trả lời thay Hương Giang rất hay: quảng bá chung cho hàng Việt thì được, còn quảng bá riêng cho từng sản phẩm thì anh phải tính vào chi phí kinh doanh. Tôi biết một cách giải quyết bài toán khó này, khi các nhà làm phim muốn mời một ngôi sao đóng phim mà không đủ tiền, họ mời ngôi sao đó cùng đầu tư và chia lợi nhuận về sau. Anh rủ Hương Giang đầu tư xem…

 
Nghệ sĩ Quyền Linh trong một vai diễn tiểu phẩm để lôi kéo khách đến với chợ - Ảnh: T.D.

Ba câu chuyện cảm động

a/Chị Thảo - tiểu thương ở chợ Năm Căn, Cà Mau - lặn lội đến gặp ban tổ chức phiên chợ nông thôn ngay trước ngày khai mạc đặt hàng: Tôi muốn lần này có nước mắm Liên Thành về, vì lần trước phiên chợ về đây có bán, hương vị đậm đà, bà con rất thích nhưng rồi đứt hàng. Và khi gặp nước mắm Liên Thành về, chị rủ thêm nhiều bạn hàng trong chợ cùng nhận làm đại lý.

b/ Ông Trần Kiên, một doanh nhân lớn tuổi thường giúp đỡ người nghèo theo kêu gọi của Tuổi Trẻ dưới cái tên là “một bạn đọc giấu tên”, có lần đi gặp nhân viên ban tổ chức phiên chợ nông thôn ở Phước Long, Bình Phước mà ngại ngần nói: “Sắp Tết rồi, xin phép cho chú bỏ mấy bao thư này vào gói quà tặng bà con nghèo ở đây đi con, chú không có ký tên quảng cáo gì đâu…”. Vẫn dưới cái tên “một doanh nhân giấu tên”, ông chủ của Công ty bột Vĩnh Thuận lâu lâu “hối lộ” ban tổ chức mấy ký củ cải muối ông tự làm.

c/Tình cảm của đạo diễn Đoàn Khoa và các bạn đại sứ hàng Việt với chợ truyền thống. Một hôm, Khoa nghe kể tình cảnh chợ lúc này, chợ sáng mà vắng như chợ chiều. Họ yêu cái tình gắn bó giữa người với người trong không gian chợ, ai nấy kể những ngày thơ ấu đi chợ quê, có người xuýt xoa nhớ lúc ngồi ăn cháo cá với ngoại ở chợ làng… rồi tự nhiên họ rủ nhau viết, diễn và dựng những tiểu phẩm nhắc khéo về những thái độ chưa dễ thương của tiểu thương, để thu hút người mua cũ trở lại cùng chợ.

Ba điều ước của tôi

1/Cuối năm, tôi ngồi nói chuyện và bị bí trước câu chất vấn của chị Lan Anh, tổng giám đốc Nivea VN: ở Trung Quốc, tất cả thương hiệu dẫn đầu thị trường nội địa đều là hàng Trung Quốc, còn ở Việt Nam, Thorakao bây giờ ở đâu chị? Tôi nói tôi có ba điều ước là có tiền có sức sẽ xúm tay xây thương hiệu cho ba sản phẩm kỳ cựu là Thorakao, xà bông Cô Ba và nước mắm Liên Thành. Biết rằng thương hiệu không phải là logo, hay hệ thống nhận diện và quảng cáo mà còn là toàn bộ chiến lược kinh doanh, tiếp thị và phân phối nhưng với chất lượng tốt thật và tình cảm rất sâu của người Việt, để mai một những thương hiệu này tiếc quá.

2/Ước gì Nhà nước không chỉ làm xúc tiến một năm (xúc tiến thương mại thị trường nội địa) rồi bỏ lửng như hiện nay. Đâu phải Nhà nước không có tiền, không có người, vậy thì vì sao mà buông lửng, nhiều doanh nghiệp chất vấn, tôi không hiểu…

3/Ước gì, mình nghèo, Nhà nước không có tiền trợ cấp cho doanh nghiệp thì cố làm cho tốt việc quản lý là bảo vệ môi trường kinh doanh lành mạnh và bình đẳng: làm sao giảm lạm phát, dẹp nạn hàng giả hàng nhái, quản lý việc xuất nhập biên mậu cho hợp lý, làm sao dựng hàng rào kỹ thuật tối thiểu, đó toàn là việc cơ bản của Nhà nước, chừng ấy thôi cũng đủ tạo nền cho hàng Việt được cạnh tranh công bằng với… hàng ngoại ngay trên sân nhà mình.

Bức tranh năm 2012 dự báo xem ra ít màu hồng, nhiều màu xám: kinh tế thế giới tiếp tục ảm đạm, các thị trường xuất khẩu chính bị suy giảm (Mỹ, EU, Nhật Bản), thị trường nội địa thì hàng trôi nổi và hàng Trung Quốc có phần lấn tới và lãi suất thì ngất ngưởng. Lạm phát lấy đi hiệu quả kinh doanh hằng ngày như vậy, mà việc thi hành Hiệp định thương mại tự do Asean - Trung Quốc (hoàn tất việc giảm thuế xuống bằng 0 năm 2015, với Trung Quốc là bằng 5) thật là doanh nghiệp Việt đang khó đủ ba bề bốn bên.

Nói ba điều bốn chuyện vậy, chưa dám mơ mộng là các nhà làm chính sách… ba chân bốn cẳng tính tới các giải pháp gỡ khó. Doanh nghiệp vẫn đang tự cứu mình trước khi trời cứu. Hỏi họ đang mong gì, họ nói chỉ mong lời nói đi đôi việc làm. 

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.