300 năm sắc thái Sài Gòn

13/02/2013 14:41 GMT+7

(TN Xuân) Hơn 300 năm là quãng thời gian không dài đối với lịch sử của một thành phố lớn và năng động như TP.HCM, nhưng cũng đủ để hình thành nên một sắc thái riêng cho thành phố.

Thành phố ngã ba đường

Kiến trúc là biểu hiện của văn hóa, lối sống qua nhà cửa, phố thị. Nó cũng phản ánh trình độ phát triển của xã hội về kinh tế, kỹ thuật, mức sống của con người. Sài Gòn sớm xuất hiện ở vị trí mũi nhọn của cuộc Nam tiến tìm đất sống của người Việt, trở thành tụ điểm di dân tứ xứ, nơi gặp gỡ của nhiều luồng giao lưu. Quá khứ đó đã tạo nên diện mạo và bản sắc của Sài Gòn, một thành phố ngã ba đường, khác hẳn những đô thị truyền thống Việt Nam.

 Sắc thái Sài Gòn trong kiến trúc đề cập ở đây chủ yếu giới hạn vào các công trình của Sài Gòn được xây dựng bắt đầu từ khi có sự tiếp nhận những ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, tức là từ sau khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta.

Môi trường văn hóa của Việt Nam thời thuộc địa, mà Sài Gòn cũng không là ngoại lệ, trong mức độ khái quát nhất cũng thấy rằng các giai tầng và các thế hệ khác nhau dù muốn hay không cũng đều chịu ít nhiều ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Có thể coi đây là giai đoạn chuyển giao văn hóa theo lối “áp đặt”, vì trong đó các mối quan hệ của nền văn hóa đến từ bên ngoài với môi trường văn hóa tự nhiên và văn hóa bản địa không được lưu ý. Nhưng không phải vì thế mà cuộc sống bản địa lại không thể dung hợp, vì thực tế là chúng ta hiện đang thừa hưởng một di sản đô thị có giá trị, như nhiều nhà đô thị học nước ngoài từng nhận định: “cái dấu ấn Pháp” của các đô thị ở Việt Nam mà không phải quốc gia nào ở châu Á cũng có được.

300 năm sắc thái Sài Gòn
Nhà thờ Đức Bà - Ảnh: Diệp Đức Minh

Vì vậy, khi nói về phong cách kiến trúc thuộc địa Pháp, tôi vẫn nhớ câu nhận xét của Tùy viên văn hóa Lãnh sự Pháp ở TP.HCM, ông Stéphane Dovert, trong lời đề tựa cuốn sách viết nhân Sài Gòn 300 tuổi vào năm 1998: "Sài Gòn đặc biệt mang dấu ấn Pháp, nhưng Sài Gòn chưa bao giờ là nước Pháp. Nếu nó mang dấu ấn của các nhà kiến trúc Pháp thì ngược lại chính các nhà kiến trúc cũng mang nặng dấu ấn của Sài Gòn".

 Thật vậy, các nhà kiến trúc Pháp khi đến Việt Nam đã nghiên cứu thời tiết khí hậu nhiệt đới nước ta khá kỹ lưỡng và đã sử dụng tài tình kỹ thuật và vật liệu địa phương để xây dựng công trình kiến trúc, nhất là về mặt khắc phục nắng mưa Sài Gòn. Về sau, họ không ngại thay mái gãy Mansart thành mái nhà hình bánh ít truyền thống Việt, có khu thông gió, lợp ngói âm dương, dùng ngói phẳng bản địa, hơn là nhập ngói thạch bản Ardoise từ Pháp có nhược điểm là hấp thụ hơi nóng. Đặc biệt kiến trúc sư Pháp đã thiết kế những hành lang rộng thoáng bao quanh nhà, làm trần cao, dùng cửa lá sách, quạt trần, tạo đường đi dạo trong vườn kiểu “pergola” cho dây lá leo phủ bóng mát, tạo hàng ba kiểu “veranda”, nhà cầu nối nhà chính và dãy nhà phụ đằng sau, xây ban công, sân thượng kiểu “terrasse” hóng gió.

Nhà thờ Đức Bà, nhà thờ Tân Định, nhà thờ Chợ Quán… với phong cách Gothic pha Roman là chủ đạo trong việc sử dụng các cung tròn trên các cửa sổ, cửa đi...

Nhà văn hóa Thiếu nhi thành phố, Bảo tàng TP.HCM, bưu điện, tòa án… với phong cách Phục hưng cân đối và giàu nhịp điệu trong sử dụng các thức cột Hy-La. Dinh Xã Tây (nay là trụ sở UBND), với phong cách Baroque thể hiện trên bề mặt nặng về trang trí phô trương  với các trán tường hình cung khuyết, trên đó đặt những nhóm tượng đa dạng, hoa lá. Nhà hát Thành phố cũng làm theo dòng phong cách và trang trí này.

 Mặt khác, Sài Gòn cũng mang dấu ấn của Hoa kiều. Thậm chí, ở giai đoạn sau, ta lại bắt gặp một kiểu pha trộn khá đặc sắc giữa hai phong cách văn hóa Hoa và Pháp trong khu vực Chợ Lớn (phố Triệu Quang Phục và Hải Thượng Lãn Ông, Q.5). Hay ở khu vực chợ Cũ (đường Hồ Tùng Mậu, Q.1) ta còn có thể thấy sự đa dạng hơn với những kiểu pha tạp giữa các yếu tố Việt - Hoa - Ấn - Hồi - Pháp trên các dãy phố này. Người Pháp rõ ràng cũng bị tác động của nét Hoa qua các công trình mang nét Á-Âu như Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP.HCM (trong Sở thú) hoặc nhà Chú Hỏa (nay là Bảo tàng Mỹ thuật).

Người Ấn Độ đã lưu lại dấu ấn của họ trên những ngôi chùa Ấn Độ giáo rải rác trong thành phố (tại 66 Tôn Thất Thiệp hay 45 Trương Định) và những kiến trúc xung quanh những ngôi chùa này cũng có nhiều nét tương đồng với kiến trúc các dãy phố ở khu chợ Cũ Sài Gòn.

Nói tóm lại, kiến trúc Sài Gòn kể cả sau khi có sự hiện diện của người Pháp cũng không đơn thuần chịu ảnh hưởng độc nhất dòng văn hóa đến từ châu Âu, cho dù đó là dòng mạnh mẽ và nổi bật hơn cả.

300 năm sắc thái Sài Gòn
Nhà hát Thành phố - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Giữ lại “hồn đô thị”

Dự án Đại lộ Đông Tây đã làm biến mất Bến Bình Đông - một di sản kiến trúc, văn hóa của Sài Gòn - TP.HCM trong lịch sử 300 năm phát triển. Kiến trúc rất riêng (Hoa trộn Pháp) của dãy nhà cổ và hệ thống nhà kho trên đường Trần Văn Kiểu cũng biến mất. Theo KTS Lưu Trọng Hải, sự “ra đi” của Bến Bình Đông là điều đáng tiếc trong lịch sử phát triển đô thị của TP.HCM. Và, trước xu hướng phát triển hiện nay, nhiều công trình kiến trúc có giá trị lịch sử - văn hóa đặc trưng của TP.HCM sẽ còn tiếp tục bị đe dọa.

Nói như kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn thì lõi của khu trung tâm thành phố - khu trung tâm lịch sử - đang bị “phá phách” bởi hàng loạt cao ốc (đã, đang và sẽ mọc lên). Gần đây nhất là hình ảnh ba tòa tháp Kumho lù lù mọc lên đã đè bẹp Bưu điện Thành phố - công trình có lối kiến trúc mái vòm độc đáo, và nhà thờ Đức Bà. Thực tế, nhiều khu vực quanh các công trình có giá trị lịch sử như Nhà hát Thành phố, khách sạn Continental, Trường Lê Quý Đôn, Dinh Thống Nhất, trụ sở UBND TP.HCM hay khu biệt thự ở Q.3... đang bị “cấy” các cao ốc vào.

Dễ thấy là khách sạn Caravelle (nới rộng) đã làm cho không gian Nhà hát Thành phố trở nên nhỏ nhoi. Sự uy nghi của Dinh Thống Nhất cũng giảm đi khi nhiều cao ốc ken nhau chạy dọc theo đường Nguyễn Thị Minh Khai. Nhiều con đường trước đây có không gian tuyệt đẹp như Lê Duẩn, Đồng Khởi, Nguyễn Văn Cừ, Pasteur, Nguyễn Đình Chiểu… nay đã bị “bê tông hóa trên cao”, như lời của tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa.

Kiến trúc sư Nam Sơn cho rằng muốn bảo tồn những nét đặc trưng của lịch sử phát triển đô thị, chúng ta không chỉ cần bảo tồn các di tích kiến trúc văn hóa mà còn phải bảo tồn không gian xung quanh khu vực đó. Trong nhiều cuộc hội thảo về di sản kiến trúc, bản thân tôi luôn quan niệm rằng bảo tồn là giữ lại cái “hồn đô thị”. Vì cái hồn đô thị chính là quá khứ - ký ức tập thể của một xã hội - lịch sử gắn kết dân cư một cộng đồng. Vì vậy, không nên ủng hộ khuynh hướng đập bỏ cái cũ để xây nhà cửa hiện đại.

KTS Nguyễn Hữu Thái

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.