Nợ công có thể đã chạm mức giới hạn

21/10/2014 04:35 GMT+7

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch QH, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ Kinh tế - xã hội năm 2014, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của năm 2015.

Nợ công có thể đã chạm mức giới hạn
Ảnh: Diệp Đức Minh

Nhìn nhận “khó khăn thách thức là rất lớn”, nhưng theo Thủ tướng, với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, đồng bào cả nước và cộng đồng doanh nghiệp (DN), KTXH nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực, biểu hiện rõ ở kết quả: lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, 9 tháng tăng 2,25%, thấp nhất trong 10 năm qua, dự kiến cả năm tăng dưới 5%; thu ngân sách nhà nước (NSNN) 9 tháng tăng 17,2% so với cùng kỳ (ước thu cả năm vượt 10,6% dự toán); GDP quý sau tăng cao hơn quý trước (đến quý 3/2014 đạt 6,19%), tính chung 9 tháng đạt 5,62%, cao hơn cùng kỳ 2 năm trước…

Nợ công tăng nhanh

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều tồn tại, thách thức, biểu hiện rõ nhất là kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế chưa vững chắc. Bội chi ngân sách còn cao. Nợ công tăng nhanh.

 

Dự kiến năm 2014 tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách khoảng 14,2% (theo quy định của Chiến lược nợ công là không quá 25%) nhưng nếu tính cả vay để đảo nợ và trả nợ vay về cho vay lại thì khoảng 26,2%

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Theo báo cáo của Chính phủ, dư nợ công cuối năm 2013 bằng 54,2%; dư nợ chính phủ bằng 42,3%; dư nợ nước ngoài của quốc gia bằng 37,3% GDP. Dự kiến đến hết năm 2014, dư nợ công 60,3%; dư nợ chính phủ 46,9%; dư nợ nước ngoài của quốc gia 39,9% GDP. Theo Thủ tướng, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong ngắn hạn là “đang tăng lên” do thu NSNN rất khó khăn nhưng vẫn phải giảm thu để hỗ trợ DN, vẫn phải huy động vốn ngân sách và huy động trái phiếu Chính phủ cho đầu tư phát triển, cơ sở hạ tầng; thực hiện chính sách xã hội và tiền lương.

“Cơ cấu vay ưu đãi nước ngoài có xu hướng giảm qua các năm do VN đã bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình, nên tỷ trọng vay trong nước tăng lên và việc huy động trái phiếu Chính phủ chủ yếu là dưới 5 năm, dẫn đến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong ngắn hạn tăng lên. Trong bối cảnh đó, chúng ta vẫn bảo đảm trả nợ đầy đủ, không để phát sinh nợ quá hạn. Dự kiến năm 2014 tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách khoảng 14,2% (theo quy định của Chiến lược nợ công là không quá 25%) nhưng nếu tính cả vay để đảo nợ và trả nợ vay về cho vay lại thì khoảng 26,2%”, Thủ tướng giải thích. Theo Thủ tướng, Chính phủ sẽ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý việc vay ngắn hạn của các tổ chức tín dụng để năm 2015 bảo đảm trong giới hạn theo quy định.

Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban, cũng cho rằng: “Về nợ công, tình hình rất khó khăn. Nếu tính đủ các khoản nợ của NSNN thì nợ công đã có thể chạm mức giới hạn theo nghị quyết của QH (65% GDP) trong khi khả năng vay và trả nợ ngày một khó khăn”. Cụ thể, theo ủy ban này, nghĩa vụ trả nợ so với tổng thu NSNN năm 2015 dự kiến đã lên tới 31%, cao hơn chỉ tiêu trả nợ trực tiếp so với tổng thu NSNN hằng năm. “Chúng ta vẫn phải đảo nợ và số đảo nợ ngày càng tăng; một số khoản nợ chưa được phản ánh đầy đủ vào nợ công. Nợ quỹ hoàn thuế các năm trước... Tất cả cho thấy áp lực trả nợ công giai đoạn tới rất lớn. Do đó, đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản vay; xây dựng giải pháp xử lý, giảm dần nợ công”, ông Phùng Quốc Hiển nói.

 

Các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2015

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,2%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 5%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 5%; Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP 5%; Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP; Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,7 - 2%; tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động...

B.C-M.Q

Năm 2015 đưa nợ xấu về mức 3%

Trong các giải pháp, Thủ tướng cho biết năm 2015 Chính phủ tiếp tục tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn và vững chắc hơn năm 2014…

Để hiện thực hóa mục tiêu, Chính phủ sẽ thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa, kiểm soát tốt lạm phát. Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát. Tăng dư nợ tín dụng phù hợp với yêu cầu tăng trưởng gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng. Đi liền với đó, theo Thủ tướng, sẽ kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo đảm nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn theo quy định.

Khẳng định “tạo thuận lợi cho các DN, nhất là DN nhỏ và vừa tiếp cận tín dụng”, Thủ tướng cũng cho hay sẽ tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị và chất lượng tín dụng; giảm thiểu rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống. “Có cơ chế phù hợp để hoàn thiện chức năng, tăng thêm nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty quản lý tài sản (VAMC). Bảo đảm đến hết năm 2015 đưa nợ xấu về mức khoảng 3% như kế hoạch đề ra” là cam kết của người đứng đầu Chính phủ trước QH.

Ý kiến

Không trả được thì nguy cơ vỡ nợ

 TS.Trần Du Lịch
Quan điểm của tôi an toàn nợ công không phải bao nhiêu % GDP, mà khả năng trả nợ chiếm bao nhiêu tổng nguồn thu ngân sách. Bởi vỡ nợ không phải bao nhiêu % GDP mà chủ yếu do năng lực trả nợ, đến hạn không trả được thì vỡ nợ. Tỷ lệ này vượt 25%, rất đáng lo ngại.

Vấn đề hiện nay là phải cân đối, tính toán lại. Đất nước cần nhiều nguồn vốn khác để giảm áp lực đi vay. Tại sao chúng ta không dùng nguồn thoái vốn, cổ phần hóa của DN nhà nước để đầu tư mà cứ đi vay. Nghị quyết chất vấn kỳ họp 7 có giao Chính phủ báo cáo hướng sử dụng nguồn cổ phần hóa để trình QH trong kỳ họp này. Các đại biểu có thể cân nhắc để quyết định.

 Vấn đề quan trọng nhất phải đầu tư công có hiệu quả, nhưng tới thời điểm này sau một thời gian tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu đầu tư công vẫn chưa thấy bức tranh này sáng sủa, rõ ràng hơn được là mấy. 

TS.Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM

Phải kìm hãm tốc độ tăng nợ công

 Đại biểu Trần Hoàng Ngân
Qua báo cáo của Chính phủ có thể thấy nợ công đang ở mức cao, trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, mỗi năm nợ công tăng bình quân 20%, tương đương khoảng 350.000 tỉ đồng. Trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế lại không tương xứng, chỉ đạt khoảng 5,8%. Do đó, việc kiểm soát nợ công là một vấn đề mà theo tôi QH, Chính phủ kỳ này phải quyết liệt, quan tâm một cách thỏa đáng, giám sát chặt chẽ.

Nợ công đến cuối năm 2015 theo dự kiến chiếm khoảng 64% GDP, trong khi mức 65% GDP theo Chiến lược nợ công là giới hạn kiểm soát cho phép. Nhưng điều đó chưa khẳng định được có an toàn hay không. Vấn đề nằm ở khả năng trả nợ và phụ thuộc vào chất lượng khoản vay. Nhìn vào khả năng trả nợ của chúng ta hiện nay đang rất eo hẹp, trong khi nguồn thu ngày một khó khăn. Trong trung hạn rõ ràng không thể cân bằng được thu - chi và vẫn phải đi vay. Nếu QH không giám sát chặt để kìm hãm tốc độ tăng nợ công sẽ rất đáng lo.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân , Ủy viên Ủy ban Kinh tế QH

Anh Vũ (ghi)

Bảo Cầm - Mạnh Quân

 >> Mỗi người Việt gánh thêm 1,8 triệu đồng nợ công
>> Nỗi lo trả nợ công
>> Phải làm rõ nguồn trả nợ công
>> 4 tháng tăng thêm 3 tỉ USD nợ công
>> Nợ công nằm trong giới hạn cho phép nhưng lại không an toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.