Những phạm nhân “đặc biệt” được giảm án

02/09/2012 03:20 GMT+7

Theo thượng tá Nguyễn Trọng Tuấn, Phó giám thị Trại giam Thủ Đức, thuộc Tổng cục Thi hánh án Hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Tổng cục 8) - Bộ Công an, Trại giam Thủ Đức có 1.669 phạm nhân được xét giảm án (phạm nhân được giảm ít nhất 3 tháng, nhiều đến 30 tháng) trong dịp 2.9.

Trong số đó, ngoài thành tích cải tạo tốt, một số phạm nhân còn có thành tích đặc biệt trong cuộc thi "Văn hóa giao tiếp ứng xử trong phạm nhân".

 phạm nhân
Một lớp học cho phạm nhân chuẩn bị trở về với cuộc sống đời thường - Ảnh: Hoài Nam

Phạm nhân Lê Thanh Phương Tâm, SN 1991 là một ví dụ. Trong một lần đi “ăn hàng” cùng bạn trai, Tâm giật dây chuyền của một phụ nữ trên đường Ngô Gia Tự, Q.10, TP.HCM thì bị quần chúng bắt. Tâm bị TAND Q.10 tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù, sau đó được chuyển từ TP.HCM đến Trại giam Thủ Đức thụ án. Giữa năm 2012, Trại giam Thủ Đức phát động cuộc thi “Văn hóa giao tiếp ứng xử trong phạm nhân”, Tâm và hai phạm nhân cùng buồng tham gia một đoạn kịch ngắn có tên Nước mắt ăn năn và lọt vào vòng chung kết. Tại buổi thi chung kết, đoạn kịch ngắn của nhóm Tâm giành giải nhất. Vì vậy, dịp 2.9 này, Trại giam Thủ Đức đã xét và đề nghị giảm 11 tháng tù cho Tâm.

Được giảm 10 tháng và trở về với cuộc sống đời thường vào ngày 14.9 tới là phạm nhân Nguyễn Vũ Trường Hải. Hải (SN 1980 ở Q.4, TP.HCM), đang thụ án ở Trại giam Thủ Đức với mức án 30 tháng về tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy". Tham gia cuộc thi “Văn hóa giao tiếp ứng xử trong phạm nhân” với bài thuyết trình “Sống đẹp”, Hải nhận giải nhì và được Ban giám thị trại giam xét giảm án 10 tháng.

Trung tá Lê Văn Thương, Đội trưởng Đội Giáo dục hồ sơ - Trại giam Thủ Đức, cho biết Trại giam Thủ Đức là trại giam đầu tiên của Tổng cục 8 tổ chức cuộc thi “Văn hóa giao tiếp ứng xử trong phạm nhân”. "Chúng tôi rút ra từ thực tế trong môi trường giáo dục những con người lầm lỡ, giúp họ trở về với cuộc sống đời thường, không chỉ có những bài học trên sách vở của những người thầy, mà rất cần có những bài học ứng xử cán bộ với phạm nhân, phạm nhân với cán bộ, phạm nhân với phạm nhân. Nếu tất cả mọi người, dù là ai đi chăng nữa, nhưng nếu biết ứng xử có văn hóa trong giao tiếp hằng ngày thì chắc chắn cuộc sống sẽ tốt đẹp, giúp người lầm lỡ nhanh hòa đồng hơn…”, trung tá Thương chia sẻ.

Hoài Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.