Những người mẹ miền biên viễn - Kỳ 2: Tiếp bước cha nơi địa đầu

18/02/2015 11:15 GMT+7

(TNO) Liệt sĩ Phạm Văn Luân hy sinh để lại người vợ mới 21 tuổi và cậu con trai vừa đầy tháng. 36 năm sau, con trai ông lại tiếp bước cha phục vụ vùng đất địa đầu Tổ quốc.

(TNO) Liệt sĩ Phạm Văn Luân hy sinh để lại người vợ mới 21 tuổi và cậu con trai vừa đầy tháng. 36 năm sau, con trai ông lại tiếp bước cha phục vụ vùng đất địa đầu Tổ quốc. 

>> Những người mẹ miền biên viễn - Kỳ 1: Một nách, bốn con

Những người mẹ miền biên viễn - Kỳ 2: Tiếp bước cha nơi địa đầuBà Phạm Thúy Nga trong cuộc trò chuyện với Thanh Niên Online
Nhận tin chồng hy sinh qua đài
Ngày 17.2.1979, vợ chồng anh Phạm Văn Luân và chị Phạm Thúy Nga đang tất bật chuẩn bị ngày đầy tháng cho cậu con trai đầu lòng Phạm Ngọc Sơn (chào đời ngày 18.1.1979, trên mảnh đất Nguyên Bình, Cao Bằng). “Tôi vẫn nhớ như in sau khi cháu Sơn được sinh ra, bố cháu bảo 'Sơn sinh ra Sơn sướng rồi nhé, Sơn không biết chiến tranh là gì'. Thế mà không ngờ...”, bà Nga nhớ lại.
Anh Phạm Văn Luân (quê Hoa Lư, Hà Nam Ninh, tức Ninh Bình ngày nay), sau khi học tập ở Liên Xô về đã được phân công công tác tại Cao Bằng từ năm 1976. Thời điểm tình hình biên giới Việt - Trung căng thẳng, anh Luân đang là công nhân phân xưởng tuyển khoáng mỏ thiếc Tĩnh Túc, đồng thời cũng là trung đội phó trung đội tự vệ của mỏ.
Đã 36 năm trôi qua, nhưng nhắc lại câu chuyện cũ bà Nga vẫn không kìm được xúc động: “Tối 17.2.1979 cán bộ, công nhân mỏ thiếc vẫn còn được đi xem chiếu phim về tình hình biên giới mãi đến 22 giờ đêm nghe Đài tiếng nói Việt Nam chúng tôi mới biết sáng sớm hôm đó Trung Quốc đã gây chiến suốt dọc tuyến biên giới. Anh Luân lúc đó đang nghỉ phép nhân dịp đầy tháng con nhưng sau khi được tin dữ đã lập tức lên đường vào mỏ”.
Lúc ấy anh Luân 24 tuổi, còn tôi mới 21 tuổi, chưa hình dung được chiến tranh là như thế nào, nghe chồng nói vậy chỉ biết bảo anh cứ yên tâm đi đi nhưng nhớ để lại cái đồng hồ đeo tay để em biết giờ cho con bú
Bà Nga kể lại
Sáng sớm hôm sau, anh Luân về chỉ kịp nói với vợ “Quân Trung Quốc đã vào đến Tà Sa rồi, anh phải lên chốt chặn địch, em và con về ông bà ngoại rồi đi sơ tán”.
“Lúc ấy anh Luân 24 tuổi, còn tôi mới 21 tuổi, chưa hình dung được chiến tranh là như thế nào, nghe chồng nói vậy chỉ biết bảo anh cứ yên tâm đi đi nhưng nhớ để lại cái đồng hồ đeo tay để em biết giờ cho con bú”, giọng bà Nga nghẹn lại.
Đó cũng là lần cuối cùng hai vợ chồng gặp nhau.
Sau khi chia tay chồng, bà Nga đã cùng bố mẹ ôm theo cậu con trai đỏ hỏn lên đường sơ tán. “Lúc đó hầu như không có xe cộ gì, mọi người chủ yếu gánh gồng mang theo được gì thì mang, rồi cứ thế cắt rừng, vượt núi mà đi”, bà Nga kể.
Chạy giặc suốt 5 ngày mà không có tin tức gì của chồng, đến này thứ 6, khi ra đến Nà Bản cách mỏ thiếc gần 40 km gặp người dân chạy giặc qua, bà Nga hỏi thăm tin chồng thì có người nói anh Luân “đã theo bộ đội chính quy đi chiến đấu rồi”.
“Tôi lúc đó cũng lo lắng sốt ruột lắm nhưng mọi người xung quanh cũng động viên tôi cố gắng, chắc sớm muộn gì chồng cũng về”, bà Nga kể.
Chiến sự kéo dài hơn một tháng nhưng mẹ con bà Nga và nhiều người dân khu mỏ thiếc phải lang thang ròng rã gần hai tháng trời chạy nạn trên rừng chưa dám về vì “quân xâm lược thua trận đã tháo chạy nhưng tình hình chưa ổn định, vẫn còn nhiều thám báo, gián điệp Trung Quốc hoạt động”.
Những ngày chạy nạn ấy là những ngày vô cùng cực khổ. “Ngày cứ vạch cây mà đi, tối kiếm hang, hốc đá ngủ. Có khi may mắn tìm được chuồng trâu thì cháu có chỗ ngủ tốt. Tôi vẫn nhớ những ngày chạy giặc ấy cháu Sơn 3 lần bị tuột khỏi lưng mẹ nhưng may mắn không sao”, bà Nga nhớ lại.
Cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 1979, bà Nga thấy có nhiều người đến thăm hỏi, có người còn rơm rớm nước mắt trước tình cảnh hai mẹ con. Nhưng lúc ấy bà vẫn chưa biết chồng mình đã hy sinh vì mọi người đều giấu. “Tôi bảo mọi người nhà cháu đi đâu thì cũng biên thư về mà lần này sao không thấy dặn về cho mẹ con câu nào, một dòng thư cũng không có", bà Nga kể.
Một hôm bà Nga bất ngờ nghe đài thấy nhắc đến tên mình, còn anh Luân được gọi là liệt sĩ. “Hai giờ sáng đêm hôm ấy trong mỏ đưa xe ra đón mẹ con tôi vào nhận mộ. Lúc ấy tôi mới biết là chồng mình sẽ không về nữa”, bà Nga xúc động nhớ lại.
Tình huống hy sinh của liệt sĩ Phạm Văn Luân sau này được các đồng đội có mặt trong trận chiến kể lại. Khi giáp mặt quân địch, lực lượng của ta hy sinh và thương vong quá nhiều, ông Luân lúc đó với cương vị là trung đội phó đã dùng súng trung liên chạy lên một quả đồi bắn kiềm chế, thu hút hỏa lực địch cho đồng đội rút lui.
Liệt sĩ Luân hy sinh ngày 19.2.1979 nhưng mãi tới tháng 3.1979 mới được tìm thấy ở gần nơi diễn ra trận chiến. 
“Bố đẻ tôi khi đi nhận xác anh Luân thì thấy chân tay bị gãy, đầu bị đập vỡ. Chắc có lẽ anh đã bị địch bắt, tra tấn trước khi giết hại. Gia đình cũng không biết chính xác ngày anh mất nhưng đã lấy ngày 23 tháng giêng (19.2.1979) làm ngày giỗ của anh”, bà Nga kể lại.
Sau này, liệt sĩ Luân đã được truy tặng Huân chương Chiến công hạng ba và Huân chương Chiến sĩ vẻ vang.
Những người mẹ miền biên viễn - Kỳ 2: Tiếp bước cha nơi địa đầu 2 Bà Phạm Thúy Nga (giữa) và con trai cùng các chị em
Những người mẹ miền biên viễn - Kỳ 2: Tiếp bước cha nơi địa đầu 3Liệt sĩ Phạm Văn Luân (dấu x) và các bạn học, thầy cô giáo trong thời gian học tập tại Liên Xô. Bà Nga cho biết nhiều bạn học của ông trong tấm hình này cũng đã hy sinh trong cuộc chiến 1979
Nỗi niềm người mẹ
Sau khi chồng hy sinh là những tháng ngày gian khó với bà Nga và gia đình.
“Lúc ấy tình hình đất nước cũng khó khăn, hai mẹ con cũng nương tựa ông bà ngoại cố gắng sống. Lúc ấy tôi làm trong mỏ, mỗi buổi trưa ông ngoại lại phải bế cháu vào để bú mẹ, cứ thế ròng rã mấy năm trời. Cũng may trời thương nên dù nuôi con vất vả nhưng cũng không ốm đau ngày nào”, bà Nga kể.
Những năm 1984-1985 tình hình biên giới lại căng thẳng, sợ lại có chiến tranh bà Nga phải gửi cậu con trai về nhà nội ở Ninh Bình rồi đi đi, về về. Nhưng sau thấy không xa con được nên một năm sau đón con về.
“Những năm tháng ấy rất khó khăn, nhất là với một người mẹ trẻ nuôi con. Mỗi buổi chiều tôi vẫn thường bật đài như một thói quen. Và chờ đợi trong vô vọng. Lúc ấy tôi vẫn ám ảnh là chồng mình chưa mất và lúc nào đó anh ấy sẽ về”, giọng bà Nga như nghẹn lại.
14 năm sau khi chồng hy sinh, bà Nga mới đi bước nữa với một đồng nghiệp công tác tại mỏ Tĩnh Túc. Sau khi nghỉ hưu bà chuyển về sống tại thành phố Việt Trì (Phú Thọ). Anh Phạm Ngọc Sơn, con trai của bà Nga và liệt sĩ Phạm Văn Luân, tiếp bước cha mình phục vụ cho mảnh đất Cao Bằng.
Được kết nạp Đảng từ khi là sinh viên năm thứ hai Trường ĐH Luật, lại được đào tạo bài bản, có điều kiện về xuôi công tác nhưng anh Phạm Ngọc Sơn vẫn muốn cống hiến cho vùng đất địa đầu Tổ quốc. Là công chức nhà nước với đồng lương eo hẹp, vợ chồng anh Sơn và hai con nhỏ hiện vẫn phải thuê trọ.
“Thế nhưng Sơn rất lạc quan, tuy là con liệt sĩ, gia đình ba đời cách mạng, nhưng không ỷ lại vào những điều đó mà rất tự lập, luôn cố gắng vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Đó là điều mà tôi rất tự hào về con trai mình”, bà Nga chia sẻ.
“Tôi mong sao Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục có những chính sách, hoạt động tri ân với thân nhân, gia đình các liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc... Sự ghi nhận, tôn vinh dù muộn màng cũng là niềm an ủi phần nào cho anh linh những người đã khuất, để họ thấy những xương máu đã đổ xuống cho Tổ quốc không bao giờ là vô nghĩa”, bà Nga nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.