Những ngành nhiều tham nhũng nhất

21/11/2012 03:20 GMT+7

Bốn ngành được cho là tham nhũng phổ biến gồm cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan và xây dựng, theo kết quả khảo sát xã hội học do Thanh tra Chính phủ chủ trì.

Những ngành nhiều tham nhũng nhất
Ngành tham nhũng nhất theo quan điểm của CBCC, doanh nghiệp và người dân (tỷ lệ phần trăm số ý kiến chọn là 1 trong 3 ngành tham nhũng nhất) - Nguồn: Báo cáo kết quả khảo sát xã hội học

Bốn ngành được cho rằng tham nhũng phổ biến nhất là cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan và xây dựng. Bốn ngành, lĩnh vực được cho là ít tham nhũng nhất là bưu điện, báo chí, kho bạc và cảnh sát khu vực.

Đây là những thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo hôm qua (20.11) công bố Báo cáo kết quả khảo sát xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức” do Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo (BCĐ) T.Ư về phòng chống tham nhũng và Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện.

Ba nhóm đối tượng tham gia cuộc khảo sát gồm người dân đại diện cho các hộ gia đình, doanh nghiệp có đăng ký chính thức và cán bộ công chức (CBCC), bao gồm các cán bộ làm việc trong HĐND các cấp ở địa phương và viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công. Tham gia cuộc khảo sát còn có CBCC của 5 bộ gồm: Giao thông vận tải, Xây dựng, Công thương, Tài chính và Tài nguyên - Môi trường.

Khảo sát được triển khai tại 10 tỉnh/thành phố được lựa chọn là các thành phố lớn và các vùng đô thị nơi diễn ra nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, đồng thời cũng là nơi được cho là có nguy cơ tham nhũng cao hơn. Mặc dù kết quả khảo sát không đại diện cho tổng thể dân số VN, nhưng cũng có ý nghĩa rất lớn bởi 10 tỉnh/thành trong mẫu chiếm 30% dân số cả nước và đóng góp trên 65% GDP của VN.

Theo nhóm tác giả, khảo sát chú trọng đến tham nhũng mà nhiều doanh nghiệp (DN) và người dân trải nghiệm nhưng không nhất thiết là những dạng tham nhũng nghiêm trọng nhất. Thí dụ thu hồi đất đai, quản lý sai hoặc tham ô tài sản nhà nước có thể rất tai hại kể cả khi ít được nêu bật trong khảo sát. Cũng theo nhóm tác giả, các ngành nêu trên có sự cọ xát nhiều nhất với xã hội, do đó những dạng tham nhũng này sẽ gây sự bất bình lớn trong công chúng nếu không được xử lý thích hợp.

Tham nhũng làm doanh nghiệp yếu đi

 

Khảo sát được tiến hành tại 10 tỉnh/thành phố gồm: Hà Nội, TP.HCM, Sơn La, Hải Dương, Đồng Tháp, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ. 

Tổng cộng có 2.601 người dân, 1.058 DN và 1.801 CBCC (trong đó 95% thuộc các cấp chính quyền địa phương, 5% là CBCC của các bộ, ngành) được khảo sát.

Cuộc khảo sát được tiến hành dựa trên các nguyên tắc căn bản gồm:  tập trung vào các đối tượng có nhiều trải nghiệm nhất trong giao dịch với các cơ quan công quyền; tôn trọng tối đa tính ngẫu nhiên trong quá trình chọn mẫu; tất cả các buổi khảo sát đều là phỏng vấn, đối thoại trực tiếp với cá nhân đối tượng trả lời; theo dõi và giám sát chặt chẽ tất cả các bước của quá trình khảo sát để đảm bảo chất lượng.

Theo khảo sát, 23% số DN cho rằng họ đã gặp phải một trong các dạng yêu cầu từ phía công chức trong vòng 12 tháng qua. Khoảng 5% DN nhận được đề nghị bán tài  sản với giá rẻ hoặc cho cá nhân công chức thuê tài sản, máy móc, thiết bị. Tỷ lệ các DN nhận được đề nghị chi trả cho các khoản phí nghiên cứu, tham quan hoặc chi tiêu cá nhân cũng ở mức tương tự (5,4%). Khoảng 8% số DN nhận được đề nghị tuyển dụng họ hàng hoặc người thân của CBCC. Có tới 15,3% số DN đã trải qua tình huống trong đó CBCC lợi dụng quyền lực, tên tuổi hoặc uy tín đơn vị họ để gợi ý DN trả tiền hoặc tặng quà.

Khi được hỏi về những khó khăn mà các cơ quan nhà nước hay gây ra, có 50% số DN đã khẳng định, nửa còn lại cho biết không gặp khó khăn nào hoặc không nhớ. Trong số các DN trả lời, 63% cho rằng công chức cố tình kéo dài thời gian giải quyết công việc, 58% cho biết công chức không hướng dẫn cụ thể thủ tục nhưng cố tình soi xét, bắt lỗi để từ chối giải quyết và 28% cho rằng công chức bám vào các quy định không chặt chẽ, không rõ ràng để bắt bí DN.

Để xử lý các khó khăn này, 78% DN chọn cách tiếp tục chờ đợi, 86% DN sẽ đưa ra các lý lẽ thuyết phục để cơ quan quản lý giải quyết. Đáng chú ý có khoảng 51% DN nhờ người có ảnh hưởng tác động để giải quyết và 59% DN chọn cách đưa quà hoặc tiền cho cán bộ có thẩm quyền giải quyết. Chỉ có 13% DN tìm đến các cơ quan bảo vệ pháp luật và chưa tới 6% đề nghị cơ quan báo chí can thiệp.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, ít nhất 10% DN đã khẳng định bị gây khó khăn khi sử dụng các dịch vụ công do các cơ quan nhà nước cung cấp. Hải quan, CSGT và cơ quan thuế đều bị ít nhất 30% số DN điểm danh là các cơ quan gây khó khăn. Ba cơ quan hay gây khó khăn nhất được nêu ra gồm có cơ quan thuế (58%),  các cơ quan quản lý chuyên ngành (23%), CSGT (21%) và tài nguyên môi trường (20%).

Không tin vào hiệu quả phát hiện tham nhũngKhông tin vào hiệu quả phát hiện tham nhũng

Các vấn đề bức xúc nhất đối với Việt Nam, theo quan điểm của CBCC, doanh nghiệp và người dân (%)

Một điều lý thú được phát hiện qua khảo sát này đó là các DN đưa hối lộ lại không hề có hoạt động kinh doanh tốt hơn. Tính trung bình các DN có hối lộ trong vòng 12 tháng qua trên thực tế tăng trưởng chậm hơn các DN không làm việc này. Tác động này có rõ nét hơn khi tìm hiểu cách thức DN xử lý các khó khăn. Nhìn chung các DN tăng trưởng nhanh nhất là các DN thường xuyên không phải đối phó với các khó khăn do cơ quan nhà nước đưa ra. Các DN thường xuyên áp dụng chiến thuật hối lộ thì kết quả trung bình không tốt lên mà thậm chí còn tồi đi.

Theo nhóm tác giả, văn hóa tham nhũng trong đó các DN phải thường xuyên sử dụng các khoản chi không chính thức đang cản trợ sự tăng trưởng của cả khu vực DN. Xét kết quả tăng trưởng trung bình của các tỉnh/thành phố, địa phương có nhiều DN đưa hối lộ thì nhìn chung cũng là những địa phương mà DN đánh giá họ tăng trưởng chậm hơn.

Không tin vào hiệu quả phát hiện tham nhũng

Cuộc khảo sát cho thấy hơn 90% người được hỏi tin rằng đối tượng tham nhũng chưa phải chịu những hình phạt đích đáng. 80% đối tượng trả lời trong cả ba nhóm đều cho rằng chưa có chú trọng làm trong sạch đội ngũ cán bộ và 76-82% cho rằng các biện pháp phòng chống tham nhũng còn dàn trải, thiếu trọng tâm trọng điểm. 75% CBCC và 85% hai nhóm đối tượng còn lại đồng ý là người có thẩm quyền chưa thực sự quyết tâm. 

80% người dân được hỏi tin rằng có sự tiếp tay giữa công chức và đối tượng tham nhũng, 87% cho rằng một số cấp trên bao che cho cấp dưới có hành vi tham nhũng và  76%  nghĩ  rằng  CBCC  thiếu  năng  lực.  Đối với  mẫu cho CBCC và DN, các con số này đều thấp hơn 75% .

Hầu  hết  CBCC tin tưởng  vào các cơ quan  chức  năng. Mức độ tin tưởng cao nhất  là đối với cơ quan kiểm tra của Đảng, tiếp đến  là  cơ  quan  thông  tấn, báo chí.  Đáng lưu ý là  mức độ không tin tưởng vào hiệu quả phát hiện tham nhũng của bất cứ cơ quan nào cũng đều rất thấp.

Ng.Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.