Những lời nói sau cùng đẫm nước mắt trong các phiên tòa

27/06/2015 09:48 GMT+7

(TNO) Trong các phiên tòa, giây phút bị cáo nói lời nói sau cùng là khoảnh khắc nặng nề nhất, phòng xử án như lặng đi trong tiếng khóc nấc của bị cáo và người thân của họ. Còn những người dự khán, có lúc không dám nhìn bởi sợ chứng kiến cảnh tượng đau lòng.

(TNO) Trong các phiên tòa, giây phút bị cáo nói lời nói sau cùng là khoảnh khắc nặng nề nhất, phòng xử án như lặng đi trong tiếng khóc nấc của bị cáo và người thân của họ. Còn những người dự khán, có lúc không dám nhìn bởi sợ chứng kiến cảnh tượng đau lòng.

 Bị cáo Huỳnh Thị Ngọc Mai buồn bã sau khi nghe tuyên án Huỳnh Thị Ngọc Mai buồn bã sau khi nghe tuyên án - Ảnh: Ngọc Lê
Tham dự hàng trăm phiên tòa, theo dõi không ít vụ án li kì nhưng cũng đầy bi đát. Những vụ án ấy khiến những người dự khán như chúng tôi không ít lần phải rơi nước mắt theo bị cáo. Chỉ vì phút nông nổi không kiềm chế được bản thân mà họ đã gây ra tội lỗi.
Nhớ lại phiên tòa ngày 13.4, TAND TP.HCM xét xử vụ án giết chồng đối với Huỳnh Thị Ngọc Mai (35 tuổi, ngụ An Giang). Khi được nói lời sau cùng, Mai khóc nấc lên, rồi nhớ lại giây phút đã cầm dao đâm chết chồng và nói: “Chỉ vì phút sai lầm và nông nổi nên tôi mới hành động dại dột. Dù có mang bản án như thế nào đi nữa thì chồng tôi cũng không sống lại được…”, bỏ dở câu nói, bị cáo khuỵu xuống, còn người thân của chị lấy tay áo quệt nước mắt.
Một phiên tòa khác mà tôi không thể nào quên, đó là phiên xử Đặng Hùng Phương (28 tuổi, ấp Long Hiệp, xã Long An, huyện Long Hồ, Vĩnh Long), kẻ giết cha ruột rồi nhét vào giỏ để ngoài đường.
Trước vành móng ngựa, bị cáo nói: “Chỉ vì bố tôi thường đưa người phụ nữ lạ về nhà, thương mẹ nên tôi không kìm lòng và đã ra tay giết bố ruột. Chính tôi đã khiến mẹ tôi mất chồng và tôi mất cha”.
Người mẹ đáng thương cố nài nỉ hội đồng xét xử (HĐXX) giảm án cho con. Nhưng rồi giọt nước mắt của cả 2 cũng không thể cứu vãn, Phương bị tuyên án tử hình và người đàn bà hiền lành kia vừa mất chồng, lại mất thêm người con. Đau đến tan nát lòng, người mẹ gục ngay trên hàng ghế dự khán.
Hay trong phiên tòa xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản gần 4.000 tỉ đồng, đã có những lời nói cuối cùng dài và đẫm nước mắt. Hơn nửa tháng, phiên tòa luôn nóng về câu chuyện toàn bộ số tiền Như chiếm đoạt là của khách hàng hay của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam và ai sẽ bồi thường? Tuy nhiên, đến phần các bị cáo được nói lời nói sau cùng, không khí trong phòng xử chùng xuống, những giọt nước mắt trào ra.
Huỳnh Thị Huyền Như sau một phiên xét xử - Ảnh: Lê Quang
Chính những điều tra viên trực tiếp thụ lý án cũng tỏ ra thương cảm với hoàn cảnh của các bị cáo trong nhóm giúp việc cho Như. Bởi, có những bị cáo chỉ vừa tốt nghiệp, đi làm chưa đến 1 năm thì phải mang bản án gần 10 năm tù. Thậm chí rất nhiều bị cáo còn chưa được một lần làm mẹ hay chưa có gia đình.
Như bị cáo Trần Thị Tố Quyên (nhân viên của Như) nói trong nước mắt: “Mức án hơn chục năm tù với bị cáo là quá lớn. Giờ đây bị cáo phải rời xa gia đình, xa đứa con thơ rất cần sự chăm sóc của người mẹ. Rồi 10 năm khi bị cáo chấp hình phạt tù xong, không biết con bị cáo sẽ ra sao, ai sẽ chăm lo cho nó. Liệu nó có nhận ra bị cáo là mẹ nó không, bị cáo cũng không biết khi nó biết mẹ mình vừa đi tù ra liệu nó sẽ thế nào?”.
Cũng trong phiên xử này, không ít người dự khán đã rơi nước mắt cùng bị cáo khi nghe: “Vì bản án trước mắt mà họ bị tước đi quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của một người mẹ, họ lo lắng không biết có cơ hội làm vợ, làm mẹ hay không?”.
Bị cáo Phạm Thị Tuyết Anh (nhân viên của Như) òa khóc, nói rằng, bị cáo luôn day dứt bởi mình là đứa con bất hiếu của cha mẹ, bất nghĩa với chồng, với gia đình chồng, vô cùng có lỗi với hai đứa con còn nhỏ. Khi vụ án xảy ra, bị cáo đã đánh mất một đứa con khi chưa kịp sinh ra do phải chịu nhiều áp lực. Bị cáo rất hối hận và rất tiếc cho cuộc đời mình. Sai lầm nào cũng phải trả giá nhưng chỉ vì lòng tin mà bị cáo đã phải trả giá quá đắt.
Từ trước đến nay, phiên xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như là phiên tòa đầy nước mắt nhất mà tôi tham dự. Tôi tự hỏi, rồi không biết cha mẹ, chồng (vợ) con họ sẽ sống như thế nào khi mỗi người mang một bản án dài dằng dặc như thế. Rồi sau này ra tù, họ sẽ bắt đầu lại ra sao?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.