Những kiểu rao hàng “ớn lạnh” trên truyền hình: Rà soát quảng cáo sai sự thật

07/03/2011 02:20 GMT+7

Loạt bài Những kiểu rao hàng "ớn lạnh" trên truyền hình đăng trên Thanh Niên trong những ngày qua đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc, đa phần đều bức xúc trước kiểu làm ăn lừa dối này.

Trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, ông Đào Kim Phú, Trưởng đại diện Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết ông đã xem lại các mẩu quảng cáo này trên truyền hình và thấy rằng báo phản ánh đúng thực trạng hiện nay.


“Dây chuyền vàng nano” và viên “kim cương nhân tạo” - Ảnh: Thanh Tùng

Nhiều bạn đọc tỏ ra bức xúc vì kiểu quảng cáo “rao một đàng, chất lượng một nẻo”, ý kiến của ông ra sao?

Chúng tôi đã cho rà soát các sản phẩm mà Báo Thanh Niên phản ánh đã và đang quảng cáo trên các kênh truyền hình nhằm làm rõ 2 nội dung: Nội dung quảng cáo có phù hợp với các quy định của pháp luật về quảng cáo và thời lượng phát quảng cáo trên truyền hình có đúng với quy định về thời lượng phát sóng hay không.

Chúng tôi đã yêu cầu các đài cung cấp hồ sơ tiếp nhận quảng cáo và báo cáo cụ thể về những sản phẩm mà Thanh Niên phản ánh. Trước mắt, có thể thấy một số kênh truyền hình đã có thiếu sót. Cụ thể là trên HTVC thuộc Đài truyền hình TP.HCM, SCTV và một số đài như báo chí đã phản ánh là đúng sự thật, về một số sản phẩm mỹ phẩm như Supper yuna BB. Trước đây, Sở Y tế TP.HCM từng có công văn gửi đến chúng tôi cấm phát sóng sản phẩm này, vì quảng cáo không đúng kịch bản nhưng sau đó chúng tôi vẫn thấy sản phẩm được phát sóng.

Chúng tôi đang cho kiểm tra lại tất cả nội dung quảng cáo có phù hợp, có sai phạm không để xử lý theo đúng quy định hiện hành.

...về vòng vàng nano, theo kết quả kiểm nghiệm hoàn toàn không có vàng mà chỉ toàn sắt, đồng...

Qua công tác kiểm tra ban đầu, chúng tôi nhận thấy việc chấp hành các quy định về quảng cáo của các đài chưa nghiêm. Khi bị phát hiện vi phạm thì có khắc phục, nhưng rồi lại tiếp tục vi phạm.

Theo ông, ai phải chịu trách nhiệm về tình trạng quảng cáo lừa dối người tiêu dùng hiện nay trên các kênh truyền hình?

Trách nhiệm chính thuộc về giám đốc đài và các cơ quan chủ quản báo chí. Ngoài việc thông tin quảng cáo phát trên truyền hình phải đúng quy định của pháp luật, sản phẩm quảng cáo phải có nguồn gốc rõ ràng, quảng cáo phải đúng với chất lượng của nó còn có trách nhiệm lương tâm đối với người tiêu dùng.

Ngoài trách nhiệm của các cơ quan chức năng khi cấp phép chất lượng, kiểm duyệt nội dung kịch bản quảng cáo sản phẩm..., thì các phương tiện thông tấn báo chí cũng là một khâu gác cửa, kịp thời ngăn chặn những nội dung quảng cáo quá lời, sai sự thật, cho dù sản phẩm đó đã được cấp phép quảng cáo.

Kế đến là trách nhiệm của các cấp quản lý. Đặc biệt là công tác quản lý địa bàn của các sở, ngành liên quan. Thời gian qua việc quản lý này còn lỏng lẻo, chưa nghiêm để xảy ra tình trạng báo chí phản ánh, dư luận bức xúc kéo dài.

Được biết, Cục Quản lý phát thanh, truyền hình có nhận được một số khiếu nại của người tiêu dùng. Những vụ việc này đã được giải quyết như thế nào?

Chúng tôi đã nhận được một số phản ánh của người tiêu dùng. Khi tiếp nhận được những phản ánh này chúng tôi đều yêu cầu các đài có liên quan báo cáo để xem xét xử lý. Gần đây nhất là phản ánh về vòng vàng nano. Theo kết quả kiểm nghiệm hoàn toàn không có vàng mà chỉ toàn sắt, đồng và một số hợp kim khác. Hiện chúng tôi đang cho kiểm tra, yêu cầu các đài ngưng phát sóng sản phẩm sai sự thật này, để tránh gây thiệt hại cho người tiêu dùng và kiến nghị xử lý nghiêm những hành vi sai phạm.

Từ thực trạng trên, Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử sẽ có biện pháp gì nhằm chấn chỉnh?

Trước mắt, Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử sẽ rà soát kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo sai sự thật và có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường công tác chấn chỉnh, phát hiện kịp thời các sai phạm về quảng cáo trên địa bàn theo phân cấp, đồng thời chỉ đạo các đài phát thanh, truyền hình, các báo điện tử chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về quảng cáo nhằm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.

Người duyệt nội dung không đúng phải chịu trách nhiệm

Tiến sĩ Nguyễn Văn Lợi, Trưởng phòng Quản lý chất lượng thuốc và mỹ phẩm (Cục Quản lý dược, Bộ Y tế), cho biết: “Qua loạt bài Những kiểu rao hàng “ớn lạnh” trên truyền hình của Báo Thanh Niên, những ngày tới đây, chúng tôi sẽ yêu cầu sở y tế các tỉnh thành rà soát chấn chỉnh lại công tác thẩm định đối với nội dung quảng cáo mỹ phẩm. Trong trường hợp nội dung quảng cáo có vi phạm mà đã được người có thẩm quyền của cơ quan quản lý chấp nhận, duyệt cho phát sóng quảng cáo thì cá nhân thẩm định cho nội dung đó sẽ phải chịu trách nhiệm. Đồng thời, chúng tôi yêu cầu các sở y tế tăng cường việc kiểm tra, giám sát đối với hoạt động quảng cáo mỹ phẩm, và xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân có sai phạm. Trước mắt, chúng tôi yêu cầu Sở Y tế TP.HCM làm rõ những sản phẩm mỹ phẩm đang phát quảng cáo đã công bố hoặc đăng ký hay chưa, sản phẩm đó đã được cấp giấy tiếp nhận hồ sơ đăng ký quảng cáo chưa. Nếu đã đăng ký quảng cáo thì nội dung quảng cáo đó có phù hợp với nội dung đã được phía y tế thẩm định hay không”.

Được biết, Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 06/2011/TT-BYT quy định về quản lý mỹ phẩm, sẽ có hiệu lực từ 1.4.2011. Theo đó, việc quảng cáo mỹ phẩm phải phù hợp với các tài liệu chứng minh tính an toàn và hiệu quả của mỹ phẩm và phải tuân thủ theo hướng dẫn về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm của ASEAN.

Liên Châu

Minh Nam - Lê Nga
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.