Nhóm lợi ích trong y tế - Kỳ 3: Góp vốn chia lãi

14/08/2013 03:00 GMT+7

Việc mở rộng hoạt động dịch vụ theo yêu cầu dưới hình thức “góp vốn - chia lãi” trong các bệnh viện chủ yếu cung cấp dịch vụ cho người có khả năng chi trả, xao nhãng người có thu nhập thấp và bệnh nhân bảo hiểm y tế. Đó là sự thừa nhận của Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn.

Nhóm lợi ích trong y tế - Kỳ 3: Góp vốn chia lãi

“Cảnh báo” bệnh nhân BHYT siêu âm tim ở Viện Tim mạch - BV Bạch Mai - Ảnh: Hoàng Trang

Nhóm lợi ích trong y tế - Kỳ 3: Góp vốn chia lãi2

Phiếu hẹn 4 tháng đến siêu âm - Ảnh: Hoàng Trang

Xếp hàng chờ 4 tháng để được... siêu âm tim

 

Không để mang danh BV công phục vụ nhóm lợi ích

Ông Dương Huy Liệu, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế y tế cho rằng, hệ thống y tế hiện nay đang trong tình trạng lẫn lộn công - tư, dịch vụ y tế công nhưng điều hành lại theo cơ chế thị trường, tự hạch toán. Theo ông Liệu, có rất nhiều BV vin vào chủ trương XHH và tự chủ tài chính, tự do định giá dịch vụ XHH dẫn đến vấn đề tài chính, giá cả chất lượng dịch vụ không được kiểm soát. “Tôi cho rằng cần phải rạch ròi công - tư, tình trạng này không chỉ tạo sự phản cảm phân biệt đối xử với người bệnh, gây thiệt thòi cho người nghèo mà còn dễ xảy ra nguy cơ lợi ích nhóm. Bộ Y tế cần vào cuộc, rà soát, không để mang danh BV công mà phục vụ cho nhóm lợi ích”, ông Liệu nói.

Có mặt tại khu khám bệnh của Viện Tim mạch, BV Bạch Mai, chúng tôi không khỏi ái ngại khi chứng kiến hàng trăm người gồm cả người bệnh, người nhà mệt mỏi nằm ngồi la liệt trong phòng chờ hoặc khuôn viên để chờ đến lượt khám bệnh.

Ngay tại nơi đặt giấy hẹn trước phòng Doppler tim, không rõ từ bao giờ đã được dán một tờ giấy có nội dung cảnh báo: “Vì lượng rất lớn bệnh nhân từ khắp mọi miền đến khám ngoại trú nên thời gian hẹn siêu âm tim có thể tới 2-3 tháng (trừ trường hợp cấp cứu). Mong các bệnh nhân thông cảm”. Không chỉ người bệnh ngoại trú mà bệnh nhân nội trú trong BV Bạch Mai đến siêu âm tim ở đây cũng phải chờ với thời gian lên tới hàng tháng. Bệnh nhân Nguyễn Hải T., đang điều trị tại Khoa Thần kinh, cho biết sau khi được bác sĩ chẩn đoán nhồi máu não và chỉ định sang đây để siêu âm tim thì nhận được giấy hẹn chiều 3.9 mới được làm siêu âm tim màu. “Nếu chờ đến lúc đó để được siêu âm thì chắc tôi đã xanh cỏ rồi”, ông T. bức xúc.

Trong chiều 12.8, chúng tôi gặp vợ chồng ông Phùng Văn T., đang điều trị ở bệnh viện khác được bác sĩ chỉ định đến đây để làm siêu âm tim trước khi mổ. Sau khi đến khám tư vấn thì ông T. nhận được lịch hẹn sáng ngày... 12.12.2013 đến để siêu âm tim màu. “Tôi cứ tưởng bác sĩ ghi nhầm nhưng khi hỏi lại thì họ nói do bệnh nhân đông quá. Chồng tôi bị nặng thế này, chờ đến lúc đó sao được?”, vợ ông T. buồn rầu cho biết. 

Đối nghịch với cảnh mòn mỏi chờ đợi siêu âm ở khu BHYT và ngoại trú thì ở khu vực dịch vụ theo yêu cầu nằm ngay cạnh đấy như một thế giới khác. Phòng ốc rộng rãi thoáng mát, không có cảnh người bệnh nằm ngồi vạ vật chờ đợi. Nhân viên bộ phận tiếp đón tư vấn: nếu siêu âm tim màu theo diện bảo hiểm y tế (BHYT) có mức giá 150.000 đồng/ca, còn nếu dịch vụ theo yêu cầu là 300.000 đồng/ca. Theo BHYT thì phải chờ hàng tháng còn nếu theo dịch vụ thì làm nhanh “thứ bảy này anh đến đăng ký thì có thể được siêu âm ngay trong ngày”, nhân viên này nói.

Bệnh viện tư trá hình

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, thực hiện cơ chế tự chủ cho BV công theo Nghị định 43/2006NĐ-CP, hiện đã có gần 100% bệnh viện T.Ư, khoảng 70% bệnh viện tỉnh, huyện thực hiện tự chủ. Việc huy động nguồn  lực để đầu tư phát triển y tế công thực hiện dưới hai hình thức chủ yếu: liên doanh liên kết để đầu tư trang thiết bị y tế và phát triển các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu. “Tất cả các BV lớn đều thành lập khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu hoặc khoa khám chữa bệnh chất lượng cao, coi đây là nguồn tăng thu chủ yếu được tập trung đầu tư các máy móc hiện đại, phòng bệnh đầy đủ tiện nghi, chủ yếu để phục vụ cho những người có khả năng chi trả”, ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Tuấn cũng nhìn nhận, chuyển đổi cơ chế tài chính trong quá trình thực hiện chính sách xã hội hóa (XHH) và tự chủ cũng cần phải được xem xét đầy đủ hơn. Trong đó, cần xem xét về hiệu quả sử dụng nguồn lực. Việc đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị chưa được điều phối đôi khi vượt quá nhu cầu cần thiết, có thể gây lãng phí. Khoảng 20% trang thiết bị ở một số BV đa khoa tỉnh không được sử dụng hết công suất. “Việc mở rộng hoạt động dịch vụ XHH theo yêu cầu theo hình thức góp vốn - chia lãi chủ yếu cung cấp dịch vụ cho người có khả năng chi trả, có thể làm xao nhãng việc cung cấp dịch vụ cho các đối tượng có thu nhập thấp và bệnh nhân BHYT”, ông Tuấn nói.

Một vấn đề rất lớn khác, theo ông Tuấn, đó là việc sử dụng nhà, đất của các BV công để liên doanh, liên kết hoặc để xây dựng các khu “điều trị theo yêu cầu” có thể dẫn đến sự lẫn lộn tài sản công và tư.

GS-TSKH Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế thì cho rằng, thực hiện tự chủ, XHH y tế, có bệnh viện thực hiện khoán doanh thu cho từng bộ phận làm cho BV công lập trở thành BV tư nhân trá hình. “Xu thế tăng đầu tư từ nguồn XHH dẫn đến nguy cơ chạy theo lợi nhuận, thương mại hóa y tế; bệnh nhân trở thành đối tượng để tăng thu, lạm dụng xét nghiệm, lạm dụng thuốc, lạm dụng kỹ thuật đắt tiền”, ông Hùng nói.

Bày tỏ quan điểm của mình về XHH y tế trong BV công, PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức (Hà Nội) nói: “Bản thân tôi cho rằng nếu XHH làm đúng, công minh chính xác, không tập trung quyền lợi cho một nhóm người thì XHH là tuyệt vời nhất. Để làm được điều ấy thì XHH phải thực hiện thật đúng, chính xác, nghiêm túc và dân chủ”.  

Liên Châu - Thái Sơn

>> “Nhóm lợi ích” ở một bệnh viện
>> Yêu cầu làm rõ thu nhập của “nhóm lợi ích”
>> Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 8: Không để nhóm lợi ích trì hoãn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.