Nhật ký Blouse trắng: Ca bệnh đặc biệt

01/08/2015 07:05 GMT+7

37 năm gắn bó với chuyên khoa sơ sinh, PGS-TS Khu Thị Khánh Dung, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, có những kỷ niệm thật đẹp với nghề bởi chị đã có thêm nhiều người thân mà khởi đầu là... bệnh nhân của những ca bệnh khó.

37 năm gắn bó với chuyên khoa sơ sinh, PGS-TS Khu Thị Khánh Dung, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, có những kỷ niệm thật đẹp với nghề bởi chị đã có thêm nhiều người thân mà khởi đầu là... bệnh nhân của những ca bệnh khó.

Chúng tôi được cùng bác sĩ (BS) Dung thăm các bé ở khu hồi sức sơ sinh. Tất cả là các ca bệnh nặng do sinh non, nhẹ cân; bị nhiễm khuẩn huyết hay dị tật tim bẩm sinh.
Một bé trai sinh non 1,6 kg đang nằm gọn trong ổ cuốn khóc “oa oa” khi bác Dung đưa tay chỉnh dây thở. Thấy cu cậu “ăn vạ”, bác Dung khẽ đưa tay nhẹ nhàng xoa lên trán bé. Chỉ vậy thôi mà cậu nín thinh, đôi hàng mi mắt vẫn nhắm nhưng vẻ mặt thảnh thơi hiện rõ trên khuôn mặt non nớt.
Cơ thể bé bỏng của cậu cũng thư thái hơn khi được bác Dung nhẹ nhàng massage, trở mình. “Các bé đều cảm nhận được sự vỗ về dù còn rất bé bỏng như vậy. Chúng tôi đều có các bài massage cho các bé giúp bé không stress, nhờ đó sức chống đỡ bệnh tật tốt hơn. Các động tác tưởng như rất đơn giản, như lấy hai gót chân bé xoa xoa vào nhau; nâng bàn tay của cánh tay bên này cho chạm vào cánh tay kia hoặc chạm lên ngực để giúp bé tự cảm nhận được cơ thể mình. Các bé rất mỏi nếu cứ phải nằm lâu một tư thế mà lại yếu ớt không thể tự xoay trở được, bởi vậy các cô điều dưỡng thay phiên nhau massage và trở mình cho các bé”, BS Dung chia sẻ.
Gần 37 năm công tác tại Bệnh viện Nhi T.Ư đã đem đến cho BS Dung những kỷ niệm rất đẹp. 31 năm trước, năm 1984 chị và các đồng nghiệp đón nhận hai bé gái song sinh có hoàn cảnh khá đặc biệt.
Đó là con của cặp vợ chồng từng qua 6 lần sinh nở nhưng không nuôi được người con nào. 6 anh chị ruột của cặp song sinh này đều mất do bệnh lý vàng da. Người mẹ qua 7 lần sinh nở trông hao gầy mỏi mệt với tuổi 28 khi đó. Hai bé song sinh được Bệnh viện C T.Ư chuyển đến sau khi vừa được mẹ sinh ra.
“Cả hai đều nhẹ cân 1,4 và 1,6 kg, cùng bị bệnh lý vàng da nặng nên chúng tôi phải điều trị bằng thay máu. Một bé thay 2 lần và một bé phải thay 3 lần, rất hiếm ca phải thay máu đến 3 lần như vậy”, BS Dung nhớ rõ.
Thay máu là phương pháp điều trị khá phức tạp, phải lấy máu của trẻ (có chất gây vàng da) rồi đưa máu khác vào. Nếu không điều trị, chất gây vàng da ở mức cao sẽ gây tổn thương não, tử vong. Cả 6 anh chị ruột của hai bé song sinh này đều mất do vàng da dù cũng được thay máu khi điều trị tại phía nam.
“Khi hai con gái bé bỏng được cứu sống trong lần sinh thứ bảy, hai vợ chồng vô cùng mừng rỡ. Các năm sau đó họ lại lần lượt sinh thêm nữa. Các bé trai và gái ra đời sau này vẫn mắc căn bệnh vàng da như hai chị ruột. Chúng tôi tiếp tục điều trị cho các cháu bằng thay máu và đều thành công”, BS Dung rạng ngời niềm vui khi nhớ về những bệnh nhân đặc biệt của mình. “Gia đình hiếm hoi nhờ vậy đã có được 5 người con. Các bé đều phát triển bình thường. Đến nay đứa đã đi làm, đứa học đại học”, BS Dung kể.
Những năm trước, khi bọn trẻ còn nhỏ, cả hai vợ chồng và đàn con năm nào cũng ra Bệnh viện Nhi T.Ư thăm BS Dung - người đem lại hạnh phúc cho gia đình.
“Chúng tôi đến giờ vẫn giữ liên lạc với gia đình các cháu hiện đang sống ở Huế. Mỗi dịp gặp nhau ở Huế hay Hà Nội chúng tôi đều mang cảm xúc của những người thân trong buổi sum họp gia đình”, BS Dung xúc động khi nói về những bệnh nhân năm xưa, và bộc bạch: “Yêu người bệnh bằng tấm lòng sẽ giúp mình thành công hơn. Điều trị cho các bé đòi hỏi phải đặc biệt sát sao, bởi nhiều bệnh không có triệu chứng đặc trưng mà diễn biến lại rất nhanh trong khi các bé chưa thể bộc lộ được tình trạng của mình. Ai từng nuôi con nhỏ cũng biết, con mình dù chỉ tí xíu ốm đau cũng thấy xót xa. Với các bé cũng vậy, nếu mình thấy các bé cũng như con, cháu của mình thì mình làm gì cũng hết tâm hết sức và quên đi mệt mỏi”.
Báo Thanh Niên mở chuyên mục Nhật ký Blouse trắng
Nghề y - nghề đặc biệt bởi liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người.
Các thầy thuốc luôn đứng trước áp lực phải chiến thắng những tình huống ngặt nghèo để giành lại cuộc sống cho người bệnh, và cũng quá áp lực nếu họ là kẻ thua cuộc trong tình huống bất khả kháng.
Rất nhiều người trong mỗi chúng ta đã từng là người chứng kiến, thậm chí là người trong cuộc của những tình huống cam go đó, muốn chia sẻ với thầy thuốc về công việc của họ.
Nhật ký Blouse trắng được mở trên Báo Thanh Niên sẽ đăng tải những bài viết về kỷ niệm đẹp trong ngành y, viết về những ca bệnh, những tình huống đặc biệt tại bệnh viện hoặc trong cuộc sống thường ngày liên quan đến các chuyên khoa của ngành y. Đó có thể là những câu chuyện cảm động về tình thầy trò, tình đồng nghiệp trong ngành y; giữa nhân viên ngành y với người bệnh...
Nhật ký Blouse trắng rất mong được đón nhận những câu chuyện của các bạn.
Thanh Niên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.