Nguy cơ viện phí “tăng kép”

10/08/2010 23:43 GMT+7

Tăng viện phí cũng sẽ kéo mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) tăng theo, dự kiến khoảng 40% so với mức đóng BHYT hiện hành. Như vậy, người tham gia BHYT đương nhiên phải gánh chịu mức “tăng kép” này.

Việc tăng mức thu của 350 dịch vụ, kỹ thuật y tế theo dự kiến, sẽ không chỉ tác động đến 40% số người bệnh trong nước không tham gia BHYT, mà nó còn tác động đến 60% lượng người bệnh đang tham gia BHYT. Bởi vì, theo Luật BHYT mới, thì hầu hết người bệnh BHYT đều phải đồng chi trả (chi trả phần trăm trong tổng số chi phí mỗi lần khám chữa bệnh) từ 5%, 10%, 20%...

Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó tổng giám đốc BHXH, lưu ý: “Khi tăng viện phí chắc chắn sẽ tác động đến quỹ BHYT. Khi cơ cấu giá viện phí tăng thì kinh phí BHYT chi trả cho cơ sở khám chữa bệnh sẽ tăng, do đó cần phải xem xét lại nguồn kinh phí Nhà nước đã chi thường xuyên từ ngân sách, chuyển phần kinh phí đó sang hỗ trợ người dân mua BHYT”. Ông Thảo cho rằng, nếu điều chỉnh viện phí tăng lên 2 lần thì chi phí của quỹ BHYT sẽ tăng thêm khoảng 30%; nếu viện phí chỉ tăng mức 2-3 lần thì có thể chấp nhận được. 

“Dịch vụ rất không hoàn hảo”

Theo thống kê, hiện số giường bệnh tại các BV (không kể trạm y tế xã) ở VN mới chỉ đạt 20,5 giường/vạn dân, trong khi đó, các nước là 30-40 giường bệnh/vạn dân. Trình độ chuyên môn và đầu tư cho BV tuyến dưới còn thấp nên bệnh nhân vượt tuyến, dẫn đến nằm ghép 2-3 người trên một giường ở tuyến trên là cảnh thường ngày ở BV. Nhưng tiền giường thì mỗi người bệnh vẫn phải thanh toán một giá, mà không được giảm. 

Rất nhiều nước chi cho y tế vừa phải nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng tốt. Vai trò của BHYT ở các nước rất mạnh, họ đứng ra thương lượng giá với bên bán dịch vụ, nhà cung cấp thuốc... Bởi họ là người sẽ đứng ra chi trả cho người bệnh tham gia BHYT. 

Bà Nguyễn Thị Kim Phương, cán bộ WHO tại VN

Bộ Y tế cũng đã khẳng định rằng, việc tăng viện phí lần này vẫn còn thực hiện theo nguyên tắc thu một phần viện phí - chỉ tính các khoản chi phí trực tiếp, chưa tính tiền lương, khấu hao nên không dùng nguồn thu này để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mở rộng giường bệnh... Điều đó nghĩa là người bệnh vẫn phải tiếp tục chịu đựng (từ cung cách phục vụ, chăm sóc, giường bệnh...) y như lúc chưa tăng. Một bác sĩ quản lý BV tư ở TP.HCM bức xúc: “Đóng viện phí cao hơn, nhưng BV không được đầu tư, nâng chất lượng hơn thì thật là vô lý!”.   

“Nếu người bệnh phải nằm chung giường thì phải tính lại giá cả. Đồng thời với tăng viện phí, Bộ Y tế cần có chính sách, chiến lược quy hoạch để đảm bảo tăng dần chất lượng. Bộ Y tế kêu là quá tải nhưng thực chất quá tải là ở BV tuyến trên, không ít BV tuyến huyện hay y tế xã đang “ngồi chơi”. Cần xây dựng lộ trình và đồng bộ nhiều chính sách: nhân lực, mặt bằng, trang thiết bị... Cần tăng cường năng lực cho tuyến dưới, mở rộng danh mục thuốc cho tuyến cơ sở để bệnh nhân không phải dồn lên tuyến trên”, một chuyên gia của BHXH nói.

Bà Nguyễn Thị Kim Phương (cán bộ Tổ chức Y tế thế giới - WHO tại VN) cho rằng: “Dịch vụ thị trường y tế là dịch vụ rất không hoàn hảo, bởi vì người bán dịch vụ là BV, bác sĩ, họ là người nắm thông tin, còn bệnh nhân là người bị lệ thuộc. Hệ thống y tế của chúng ta bị mất cân bằng, tuyến trên thì quá tải, người bệnh phải nằm giường đôi, giường ba, tuyến dưới thì vắng vẻ, điều này quá lãng phí. Nếu không cải thiện, thì 5 năm, 10 năm nữa người dân sẽ mất lòng tin vào BHYT”.

Phân biệt đối xử

Ngành y tế thừa nhận, nếu không có tiền thì các BV không thể tồn tại triển khai các hoạt động khám chữa bệnh được. Hầu hết chi phí thực hiện các dịch vụ khám chữa bệnh đều sử dụng từ nguồn thu viện phí và BHYT...

Thế nhưng lâu nay, người bệnh BHYT mỗi khi vào BV lại bị nhân viên, y, bác sĩ phân biệt đối xử - từ cung cách phục vụ, đến việc chăm sóc, kê toa. Có ở đâu, dịch vụ nào mà khách hàng chính, “thân thiết”, đem lại nguồn thu chính cho mình, lại nhận được một cung cách phục vụ tệ hại như ở BV? Thực tế đáng buồn lâu nay ai cũng biết là có rất nhiều người tham gia BHYT bắt buộc có thẻ BHYT nhưng không dùng đến; hoặc nhiều người bệnh BHYT khi vào BV chấp nhận bước qua phần khám chữa bệnh dịch vụ, yêu cầu, chấp nhận trả tiền cao để được phục vụ tốt hơn.

“Làm sao đừng để còn tình trạng người bệnh BHYT xin nghỉ làm việc, bỏ cả buổi, cả ngày chờ khám ở BV, để rồi chỉ nhận được vài ba viên thuốc, không xứng với công và chi phí đi lại”, bà Nguyễn Thị Hoài Thu (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội) từng bức xúc. 

Theo báo cáo của đại diện Bộ Y tế tại diễn đàn “Đại biểu dân cử phía Nam với chính sách, pháp luật y tế” do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội chủ trì diễn ra ở TP.HCM trong hai ngày cuối tuần qua, hiện nay cả nước có 14,7 triệu người thuộc các thành phần: có công với Cách mạng; trẻ dưới 6 tuổi được Nhà nước mua BHYT; người nghèo theo chuẩn do Nhà nước quy định; đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn. Những đối tượng này khi khám chữa bệnh ở tuyến dưới sẽ được chi trả 100%, nhưng nếu chuyển lên tuyến trên họ phải đồng chi trả 5%. Mặc dù theo ngành y tế, các nước cũng quy định đồng chi trả 5% đối với diện nghèo, chính sách, nhưng thực tế, có nhiều trường hợp nghèo, 5% đồng chi trả đối với họ sẽ rất khó khăn, nếu chi phí cho dịch vụ, kỹ thuật y tế đó lớn. Bên cạnh đó là các đối tượng thuộc hộ cận nghèo cũng sẽ gặp không ít khó khăn, mặc dù có hỗ trợ phần trăm qua BHYT. Còn lại đại đa số người bệnh phải đồng chi trả 20%. Nếu tăng viện phí thì họ sẽ phải trả cao hơn trước đây rất nhiều.

Thanh Tùng - Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.