'Nguy cơ cháy nổ xảy ra bất kỳ lúc nào'

05/07/2015 10:50 GMT+7

(TNO) Đó là cảnh báo của ông Huỳnh Công Hùng, Ủy viên Thường trực HĐND TP.HCM tại chương trình Lắng nghe và trao đổi về chủ đề PCCC diễn ra vào sáng nay 5.7.

(TNO) Đó là cảnh báo của ông Huỳnh Công Hùng, Ủy viên Thường trực HĐND TP.HCM tại chương trình Lắng nghe và trao đổi về chủ đề PCCC diễn ra vào sáng nay 5.7.

Theo ông Hùng, trên địa bàn thành phố có đến hơn 20.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh dễ phát sinh cháy nổ, trong đó có hơn 5.319 cơ sở nguy cơ cháy nổ cao, tập trung các lĩnh vực: dệt, hóa chất, xăng dầu, giày dép, mút xốp, may mặc…
Nêu lên thực trạng cháy nổ, đại tá Trần Thanh Châu, Phó giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM đưa ra những con số khiến nhiều người “giật mình”.
Theo đó, trong năm 2014 và 6 tháng 2015, thành phố xảy ra hơn 1.000 vụ cháy nổ, làm chết 24 người, bị thương 39 người, thiệt hại tài sản gần 400 tỉ đồng. Số vụ cháy, số người chết và bị thương, mức thiệt hại về tài sản đang có xu hướng tăng cao.
Đáng lo ngại là có đến gần 600 vụ cháy nổ xảy ra trong khu dân, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Qua phân tích thống kê, Cảnh sát PCCC TP.HCM xác định nguyên nhân cháy nổ chủ yếu do vi phạm an toàn về sử dụng điện (đường dây, thiết bị quá tải, không đảm bảo an toàn, câu móc điện tùy tiện chiếm tỷ lệ đến 82%); sơ xuất, bất cẩn trong đun nấu, đốt vàng mã; cố tình vi phạm bằng hành vi sang chiết ga trái phép, sử dụng bếp ga (bếp ga lớn và mi ni)…
Một thực trạng cũng gây ra nhiều lo lắng là hiện nay trên địa bàn thành phố có rất nhiều khu dân cư tự phát và khu dân cư cũ không đảm bảo an toàn về PCCC. Hẻm dẫn vào khu dân nhỏ hẹp, có nhiều hẻm rộng chưa tới 1m. Nhà dân phải đi vào sâu 4 – 5 xuyệt. Dây điện câu móc chằng chịt, lộn xộn.
Trong những khu dân cư này không có trụ điện chữa cháy, xe chữa cháy cũng không thể nào “lọt” vào được. Do đó, cháy nổ xảy ra thì luôn gặp khó khăn trong việc chữa cháy. Thiệt hại vì thế luôn ở mức cao.
Bên cạnh đó, 217 chung cư cũ (xây dựng trước 1975) trên địa bàn thành phố có nguy cơ cháy nổ cũng rất cao, trong khi hàng ngàn hộ dân vẫn đang sinh sống.
Thêm một mối nguy cháy nổ cao nữa là những “phố chợ” (sử dụng nhà phố kinh doanh hóa chất, vật liệu dễ cháy nổ…) xung quanh các chợ Kim Biên, Bình Tây, Bến Thành... Cháy nổ xảy ra thì khả năng thoát nạn rất thấp, vì phần lớn chỉ có một cửa ra vào.
Đặc biệt, tình trạng kinh doanh hóa chất xung quanh chợ Kim Biên (quận 5) đang khiến nhiều người dân sợ hải vì nguy cơ chảy nổ. Sau vụ nổ hóa chất ở Công ty Đặng Huỳnh (quận 12), nếu không may sự cố xảy ra thì hậu quả khôn lường.
“Giải” bài toàn này, nhiều ý kiến thống nhất buộc phải di dời các cơ sở kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao, cơ sở hóa chất công nghiệp ra khỏi khu dân cư, đặc biệt là “chợ tử thần” Kim Biên; khắc phục những bất cập trong các khu dân cư, khu chung cư cũ về trụ cứu hỏa, điện…
Việc “tự cứu trước khi trời cứu” cũng được đề cập đến. Theo đó, người dân cần nâng cao ý thức, chấp hành đúng các quy định về PCCC để góp phần ngăn ngừa “bà hỏa”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.