Nguy cơ cháy nổ từ bảng hiệu, hộp đèn

19/05/2015 07:42 GMT+7

Gần đây, những vụ cháy nhà xuất phát từ cháy bảng hiệu, hộp đèn quảng cáo liên tiếp xảy ra, gây hậu quả nghiêm trọng.

Gần đây, những vụ cháy nhà xuất phát từ cháy bảng hiệu, hộp đèn quảng cáo liên tiếp xảy ra, gây hậu quả nghiêm trọng.

Hiện trường vụ cháy quán cà phê kem trên đường Lê Văn Sỹ, Q.Tân Bình chiều 17.5

Hiện trường vụ cháy quán cà phê kem trên đường Lê Văn Sỹ, Q.Tân Bình chiều 17.5 - Ảnh: Đức Tiến

Chẳng hạn, chiều 17.5, bảng hiệu tại tầng 1 quán cà phê kem (443 Lê Văn Sỹ, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM) chập điện bốc cháy rồi lan nhanh vào trong, thiêu rụi đồ đạc và 4 xe máy trong căn nhà ba tầng này. Rất may, lực lượng Cảnh sát PCCC đã khống chế ngọn lửa, không để lan rộng.

Theo đại tá Bửu, hiện có những quy định, văn bản chỉ đạo hết sức chặt chẽ từ khâu thiết kế, lắp đặt các bảng hiệu, hộp đèn quảng cáo. Các doanh nghiệp kinh doanh phải tuân thủ các quy định này. Cơ quan chức năng cấp phép việc lắp đặt bảng hiệu quảng cáo phải hết sức chặt chẽ. Thường xuyên kiểm tra, xử lý đến nơi đến chốn những trường hợp cố tình làm trái. Hằng năm, Cảnh sát PCCC TP là một trong nhiều đơn vị đều tăng cường kiểm tra xử phạt trong vấn đề này.

Trước đó, cuối năm 2014 đã xảy ra vụ cháy nhà rất nghiêm trọng do chập, cháy bảng hiệu của cơ sở karaoke New (số 180 đường Trần Quốc Thảo, Q.3) làm cháy lan tổng cộng 8 căn nhà và khiến 1 người tử vong. Trước đó, bảng quảng cáo tại tầng 2 của một căn nhà trên đường Lê Thánh Tôn (P.Bến Thành, Q.1) bất ngờ bốc cháy khiến hàng trăm người buôn bán, du khách hốt hoảng tháo chạy. Tương tự, vụ bảng hiệu của quán bar Canalis (147 Hai Bà Trưng, P.6, Q.3) đột nhiên phát nổ rồi bốc cháy lan vào bên trong cháy cả quán.

Chủ yếu do chập điện

Liên quan đến tình trạng cháy bảng hiệu, hộp đèn, bảng quảng cáo, đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM, cho biết: “Nguyên nhân cháy bảng hiệu, hộp đèn quảng cáo chủ yếu là do chạm, chập điện”.

Cũng theo đại tá Bửu, hiện nay các bảng hiệu, hộp đèn quảng cáo “mọc” lên rất nhiều và đều sử dụng điện 220 V. Đa số các bảng hiệu, hộp đèn đều được lắp đặt ngoài trời nên dây dẫn điện dễ bị giòn, gãy, không còn khả năng cách điện dẫn đến chập điện. Ngoài ra, các bảng hiệu, hộp đèn quảng cáo thường được lắp đặt trên cao, không được kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên, hệ thống điện không an toàn, không được thay thế, cải tạo kịp thời dễ dẫn đến sự cố về điện.

Đặc biệt, các vụ cháy bảng hiệu, hộp đèn quảng cáo thường xuất hiện trong hoặc sau các cơn mưa. Nguyên nhân cháy do bóng đèn, dây dẫn điện không kín, khi gặp nước mưa làm chập mạch điện, gây cháy; các bảng hiệu thường không được bảo vệ bằng các thiết bị bảo vệ riêng biệt như aptomat, cầu chì để xử lý các sự cố về điện.

Anh Nghĩa, một thợ điện có nhiều năm kinh nghiệm, nhận xét: “Nguyên nhân bảng hiệu bị cháy là do thiết kế dây điện không đủ công suất so với lượng bóng đèn được gắn rất nhiều bên trong bảng hiệu”.

In ấn trên chất liệu dễ cháy

Bên cạnh đó, anh L.T.H, một người hành nghề trong lĩnh vực in ấn, xây dựng (ở TP.HCM) cho biết trước đây, đối với các bảng hiệu, pa nô thì dân trong nghề hay sử dụng phương pháp in mica. Còn về sau này, để giảm chi phí và thời gian in ấn, đa phần đều chuyển sang in trên chất liệu hiflex nhưng nhược điểm của chất liệu này là rất dễ cháy nếu gặp tia lửa phát ra.

Tại cuộc họp về PCCC ở TP.HCM mới đây, Tổng công ty điện lực TP.HCM cho rằng hiện nay các công ty lắp đặt bảng hiệu, bảng quảng cáo  đều không có bản vẽ thiết kế đúng quy chuẩn. Dùng các dây dẫn không đảm bảo chất lượng, qua thời gian không đảm bảo an toàn nên dẫn đến cháy. Tổng công ty điện lực TP kiến nghị thành lập ban chỉ đạo từ các sở, ban ngành như: công thương, văn hóa thể thao, khoa học công nghệ, PCCC để kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình không chấp hành quy định an toàn trong việc lắp đặt, vận hành các bảng hiệu quảng cáo ngoài trời.       

Trách nhiệm của Cảnh sát PCCC và Sở Xây dựng

Trả lời Báo Thanh Niên chiều 18.5, ông Nguyễn Văn Minh, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, cho biết cơ quan này có nhiệm vụ cấp phép cho các bảng quảng cáo thương mại tấm lớn theo quy định của luật Quảng cáo và Nghị định 158/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Còn đối với những loại bảng hiệu, theo quy định tại Thông tư 19/2013 của Bộ Xây dựng về quy chuẩn quảng cáo xây dựng ngoài trời, việc sử dụng bảng hiệu (bảng dùng để viết tên của các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm giới thiệu tên gọi, địa chỉ giao dịch) thì không cần xin cấp giấy phép, nhưng phải tuân thủ các quy định của pháp luật và tự chịu trách nhiệm. TP.HCM cũng đã có quy định rõ những điều này tại Quyết định 3666/QĐ-UBND ngày 28.7.2014, nội dung nào Sở giải quyết cấp giấy phép, cái gì người dân được tự phép làm và phải tự chịu trách nhiệm. Bảng hiệu người dân tự làm thì Sở không quản lý, không cấp phép mà thẩm quyền thuộc về chính quyền địa phương, Sở Xây dựng và Sở PCCC.     

Công Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.