Viện sĩ mê thơ

30/12/2012 02:49 GMT+7

“15 năm trước, tôi quyết định dịch một tác phẩm của Việt Nam để người Nhật dựng một vở nhạc kịch vì muốn người dân Nhật biết văn hóa Việt ra sao” - GS-TS khoa học Đặng Lương Mô, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học New York, thổ lộ.

Vở kịch khiến người Nhật thổn thức

Chiều cuối năm, thầy Đặng Ngọc Dung - một học trò cũ cách đây 40 năm của GS Đặng Lương Mô, hiện là thầy giáo dạy vật lý Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM đã nhờ tôi kết nối một cuộc hạnh ngộ tại nhà riêng của giáo sư. Vị cựu sinh viên của Trường đại học Khoa học Sài Gòn (cũ) nay đã 60 tuổi vui mừng ôn lại kỷ niệm về người thầy của mình: “Thầy đối với lứa sinh viên chúng tôi hồi đó là một biểu tượng của sự đam mê khoa học. Với tôi, vẫn còn dấu ấn rất rõ thầy Mô là một người Việt có tinh thần dân tộc rất cao. Thầy thường hay khuyến khích sinh viên rằng, có nghiên cứu khoa học, có nhiều công trình giá trị mới góp phần phụng sự đất nước được”.

Cuộc gặp mặt giữa hai thầy trò GS Đặng Lương Mô hôm ấy chẳng khác gì một cuộc “kỳ ngộ”, bởi 40 năm ấy biết bao vật đổi sao dời. Từ một sinh viên 20 tuổi, nay thầy Dung đã có con trai đầu chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ hạt nhân ở Đức. Còn GS Đặng Lương Mô thì cũng đã hồi hương với một hành trang đồ sộ: hơn 300 công trình nghiên cứu khoa học và 13 bằng phát minh sáng chế. Năm 1992, cách đây đúng 20 năm, ông đã được bầu vào Viện Hàn lâm khoa học New York (Mỹ). Nhưng điều ít ai biết, GS Đặng Lương Mô cũng là người đã chọn truyện thơ Bích Câu kỳ ngộ của Việt Nam để dịch ra tiếng Nhật và xuất bản tại Nhật với lời giới thiệu của nhà thơ Arima Akito - Chủ tịch Hiệp hội Thơ haiku thế giới. Sau đó, một vở nhạc kịch có tên là Kigu (tiếng Nhật nghĩa là “kỳ ngộ”) đã ra mắt công chúng Nhật Bản. Chuyện tình diễm ảo giữa chàng trai Tú Uyên với nàng tiên Giáng Kiều trong câu chuyện đã khiến cho nhiều người trẻ ở Nhật thổn thức.

GS Mô kể: “Hồi ấy tôi có quen với một vài người bạn ở Tokyo chuyên về nhạc cổ điển. Họ muốn dựng một vở nhạc kịch opera từ cốt truyện của Việt Nam, nên tôi đã nhận lời dịch cho họ một câu chuyện. Hồi đầu, tôi định chọn Truyện Kiều, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, dù thi hào Nguyễn Du đã sáng tạo thêm bằng cách Việt hóa rất tài tình, nhưng Truyện Kiều lại quá dài, với lại bối cảnh vẫn là ở bên Tàu”. Rồi ông đọc: “Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh. Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng. Mở đầu đã thấy không phải bối cảnh của nước mình, nên tôi đã chọn Bích Câu kỳ ngộ, một câu chuyện thuần chất Việt”. Vở nhạc kịch này sau đó được người Nhật đưa sang diễn tại Hà Nội và được công chúng rất hoan nghênh. Năm 2000, GS Đặng Lương Mô lại liên hệ với Nhà xuất bản Giáo dục để cho in danh tác Bích Câu kỳ ngộ dưới dạng song ngữ Việt - Nhật, với phần chú giải rất kỹ.

Viện sĩ mê thơ
GS Đặng Lương Mô và bản dịch truyện thơ ''Bích Câu kỳ ngộ'' xuất bản tại Nhật  - Ảnh: T.T.B

Đau đáu tinh thần Việt

Là một chuyên gia về vi mạch hàng đầu thế giới, đã từng được chọn là một trong những nhân vật nổi tiếng, được đưa vào tập sách Who’s Who In The World (1995) nhưng GS Đặng Lương Mô là một người rất khiêm tốn, nhỏ nhẹ. Ông đau đáu trước những biến chuyển của đất nước trong tình hình hiện tại. “Khi dịch cuốn sách Mười hai người lập ra nước Nhật sang tiếng Việt, tôi mới càng thấm thía việc giáo dục ý chí cầu tiến cho những con người trong một quốc gia là quan trọng biết nhường nào”. Ông cho rằng, từ sau Thế chiến 2, nước Nhật suy yếu, kiệt quệ nhưng do tinh thần dân tộc rất cao, họ phát triển kinh tế, xây dựng xã hội rất có “nội dung” (chữ dùng được ông nhấn mạnh nhiều lần trong câu chuyện - NV) nên sớm trở lại ngôi vị là cường quốc thế giới. Người nghe, qua sự diễn giải của ông có thể hiểu “nội dung” đó là một sự phát triển có nền tảng, bền vững, không phải phát triển “ảo” như một số lân bang hiện nay. “Năm 1996, khi về nước có dịp gặp một số cán bộ cao cấp, được hỏi bắt đầu của quá trình công nghiệp hóa thì phải xây dựng cái gì trước, tôi đã trả lời ngay rằng điều kiện tiên quyết là phải xây dựng hạ tầng cơ sở. Nhưng đến nay, qua hơn 15 năm rồi mà hạ tầng của chúng ta còn quá yếu kém. Như vậy làm sao mà tiến tới, phát triển cho được” - ông trầm ngâm nói.

Có thể nói hành trình về với đất Việt của GS Đặng Lương Mô là một cuộc trở về với nguyện ước dựng xây. Chỉ trong vòng 10 năm (từ 2002), ông đã tạo dựng được một nền tảng lý thuyết và vận động để phát triển công nghệ vi mạch tại Việt Nam. Đó là xây dựng Trung tâm nghiên cứu và đào tạo vi mạch (ICDREC) tại Đại học Quốc gia TP.HCM, thu hút đầu tư từ nước ngoài về lĩnh vực vi mạch cho Khu công nghệ cao TP.HCM, cùng các đồng sự sáng lập Câu lạc bộ Khoa học kỹ thuật Việt kiều TP.HCM… Từ sự vận động của ông và các nhà khoa học khác, một dự án tiền khả thi về đầu tư nhà máy sản xuất chíp điện tử “Made in VietNam” với vốn đầu tư 200 triệu USD cũng đã được soạn thảo, đề xuất. Đây là tiền đề để sau này phát triển thành một tổ hợp lớn bao gồm nhà máy, viện nghiên cứu, cơ sở thiết kế các sản phẩm vi mạch điện tử… GS Đặng Lương Mô bức xúc: “Một đất nước dồi dào tài nguyên như Việt Nam thì không thể không có kế sách phát triển được. Không thể cứ ngồi bán tài nguyên mà cần phải có kế hoạch lâu dài, có lộ trình khai thác hợp lý, vận dụng khoa học công nghệ để biến tài nguyên đó thành phương tiện phát triển kinh tế”.

GS Đặng Lương Mô sinh năm 1936 tại Hải Phòng. Năm 1957 ông du học ở Nhật Bản. Bảo vệ xong luận án tiến sĩ tại Nhật, từ 1968 - 1971, ông là chuyên viên nghiên cứu của Viện Nghiên cứu T.Ư Toshiba Nhật Bản. Sau đó ông về nước giảng dạy tại ĐH Khoa học Sài Gòn và Học viện Quốc gia kỹ thuật (nay là Trường ĐH Bách khoa TP.HCM).

Năm 1973, ông là Viện trưởng Học viện Quốc gia kỹ thuật. Năm 1976, ông trở lại Nhật tiếp tục công việc nghiên cứu. Năm 1983, ông được mời giảng dạy tại Trường ĐH Hosei, Tokyo, Nhật Bản. Năm 2002, ông trở về nước.

Ngoài việc được bầu vào Viện Hàn lâm khoa học New York từ năm 1992, GS Đặng Lương Mô còn là hội viên thượng cấp của Hội Kỹ sư điện - điện tử - tin học (IEEE, Mỹ). Năm 2004, ông được nhà nước tặng danh hiệu Vinh danh nước Việt để tôn vinh những kiều bào Việt Nam đã làm rạng danh nước Việt trên thế giới.

Trần Thanh Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.