Nữ giáo sư nuôi trẻ mồ côi

14/04/2013 03:30 GMT+7

Hơn 40 năm qua, Giáo sư Lê Kim Ngọc, nhà khoa học sinh vật nổi tiếng thế giới, bỏ ra không biết bao công sức để giúp đỡ trẻ em mồ côi ở Việt Nam.

Hơn 40 năm qua, Giáo sư Lê Kim Ngọc, nhà khoa học sinh vật nổi tiếng thế giới, bỏ ra không biết bao công sức để giúp đỡ trẻ em mồ côi ở Việt Nam.

 Giáo sư Lê Kim Ngọc
Giáo sư Lê Kim Ngọc - Ảnh: Khả Hòa

Cuộc cách mạng trong thực vật học

Hồi thập niên 1970, những tờ báo hàng đầu tại Pháp như Le Monde, Paris Match, Sciences et Avenir… đã mô tả Giáo sư (GS) Lê Kim Ngọc là “Nữ bác học Việt Nam” khi đăng bài viết về công trình “Lát mỏng tế bào” của bà. Sinh ra tại Vĩnh Long vào năm 1934, đến năm 1 tuổi, bà theo mẹ lên sinh sống tại Sài Gòn rồi được các anh chị nuôi ăn học sau khi mẹ bà mất. Thuở nhỏ, bà theo học tại Trường nữ trung học Gia Long (nay là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai ở TP.HCM). Từ lớp 10 đến khi thi đỗ tú tài, bà theo học tại Trường Marie Curie rồi nhận được học bổng du học tại Pháp. Năm 1953, Lê Kim Ngọc bắt đầu cuộc đời sinh viên tại Đại học Sorbonne (Paris, Pháp). Ba năm sau, bà đỗ tốt nghiệp hạng ưu ngành khoa học tự nhiên rồi nghiên cứu sinh tại Trung tâm quốc gia nghiên cứu Pháp.

 
Lúc bấy giờ, tôi thấy bên nhà có nhiều trẻ em mồ côi do hoàn cảnh chiến tranh. Vì thế, tôi muốn lập những làng trẻ mồ côi để nuôi dạy các em trong khung cảnh gia đình, có người mẹ

 

GS Lê Kim Ngọc

Kể từ đó, bà Lê Kim Ngọc đạt được nhiều thành tựu trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là công trình “Lát mỏng tế bào”. Công trình này mang ý nghĩa mở đường, khai mở một thời kỳ mới cho ngành công nghệ sinh học thực vật khi được ứng dụng rộng rãi trong nhân giống, thuần theo cây mẹ, trong công nghệ ghép gien để tạo giống mới vì phải trắc nghiệm xem các cây vừa tạo ra đã nhập thực sự gien đó hay không. Ưu điểm của phương pháp này là các mầm được tạo ra ngay trên các tế bào gốc chứ không qua thể chai (còn gọi là thể sần - callus) nên ít bị đột chứng biến đổi gien (genetic variation)...”. Từ đó, phương pháp “Lát mỏng tế bào” có thể bắt mầm cây nở hoa theo ý muốn, giúp cải tạo cây đạt hiệu quả hơn. Phương pháp này trở thành nền tảng cho việc nghiên cứu cải tạo giống cây ngày nay. Vì thế, đây là một công trình mang tính đột phá đối với ngành sinh học thế giới hồi thập niên 1970. Tên tuổi của GS Lê Kim Ngọc được nhắc đến rộng rãi trên các ấn phẩm, chuyên san khoa học hàng đầu thế giới, như tờ Nature của Anh.

Bà lập gia đình cùng GS Trần Thanh Vân vào thập niên 1960 và sinh ra 2 người con gái. Hiện nay, vợ chồng bà có tất cả 6 cháu ngoại.

Bán thiệp nuôi trẻ mồ côi

Ở tuổi 79, bà vẫn không ngại khó khăn di chuyển qua lại giữa Pháp và Việt Nam để chăm lo cho những trẻ em quê nhà. Tất cả đều nhằm tiếp tục phát triển Tổ chức Giúp đỡ trẻ em Việt Nam (Aide à l’Enfance du Vietnam - AEVN) do bà sáng lập tại Pháp vào năm 1970. Trả lời Thanh Niên, GS Ngọc cho biết lý do bà sáng lập AEVN: “Lúc bấy giờ, tôi thấy bên nhà có nhiều trẻ em mồ côi do hoàn cảnh chiến tranh. Vì thế, tôi muốn lập những làng trẻ mồ côi để nuôi dạy các em trong khung cảnh gia đình, có người mẹ”. Vì muốn chăm lo cho trẻ mồ côi ở quê nhà, bà cùng chồng là GS Trần Thanh Vân bắt đầu gây quỹ bằng cách bán thiệp từ năm 1971.

 

Làng trẻ em SOS Việt Nam được thiết lập trên bốn nguyên tắc sư phạm của Tổ chức Làng trẻ em SOS quốc tế là bà mẹ, anh chị em, mái ấm gia đình và cộng đồng làng, là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc và giúp đỡ trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tìm lại tình yêu thương, được tạo điều kiện hưởng đầy đủ quyền về trẻ em, được phát triển toàn diện để trở thành công dân có ích. Mỗi làng trẻ em SOS có từ 12 - 20 gia đình. Mỗi gia đình có một người mẹ SOS chăm sóc và nuôi dạy từ 8 - 10 trẻ. Đến nay, có tổng cộng 14 làng trẻ em SOS tại Việt Nam. Dự kiến, sẽ sớm có thêm 2 làng nữa tại Gia Lai và Thái Bình.

Cứ thế, hai vợ chồng bà cùng một số bạn bè và sinh viên dậy thật sớm để đi bán thiệp khi nhiệt độ bên ngoài nhiều lúc âm từ 10 - 15 độ C. Vợ chồng bà phải nhờ người chị cả trông con giúp trong lúc đi bán thiệp. Khi đó, mỗi xấp thiệp được bán với giá khoảng 10 franc. Việc bán thiệp chủ yếu tập trung vào các nhà thờ trong dịp cuối tuần. Có lẽ, do nhìn thấy nỗ lực không quản công cực khổ của những tình nguyện viên AEVN mà nhiều người đã mua ủng hộ. Từ nguồn quyên góp này, AEVN đã góp tiền nuôi dưỡng các em ở Làng trẻ em SOS tại Gò Vấp, Sài Gòn, từ năm 1971 - 1973. Đến năm 1974, sau 3 năm liên tiếp bán thiệp, AEVN quyên góp được khoảng 500.000 USD (tính theo thời giá bấy giờ) làm nguồn quỹ xây dựng nên Làng trẻ em SOS ở Đà Lạt. Đây là làng trẻ em SOS đầu tiên do AEVN xây dựng với mô hình như một ngôi nhà ở thông thường, các em nhỏ được nuôi dưỡng bởi những người mẹ. Sau năm 1975, cả làng SOS ở Gò Vấp lẫn Đà Lạt đều phải ngưng hoạt động.

Mãi đến năm 1989, AEVN phải tái dựng Làng SOS Đà Lạt và tổ chức xây dựng lại hoàn toàn Làng SOS Gò Vấp. Năm 1999, AEVN xây dựng trung tâm hỗ trợ trẻ em ở Thủy Xuân, Huế, và lập trường dạy nghề làm bánh mì và bánh ngọt Pháp. Các em ra trường được làm trong các khách sạn lớn ở Huế, Hội An, Hà Nội... Một em đã đậu thủ khoa đại học và được giữ lại trường làm giảng viên đại học sau khi tốt nghiệp, một em đang làm luận án tiến sĩ tại ĐH Osaka (Nhật Bản). Năm 2006, hội xây dựng Làng SOS Quảng Bình và có một số em tại làng này đã thi đỗ vào trường chuyên của tỉnh.

Về sau, với sự phát triển của internet khiến việc bán thiệp khó khăn, AEVN phải tổ chức bán hàng vào dịp Noel. Ngoài ra, một số tình nguyện viên không chỉ “chạy rông” bán thiệp mà còn nhận đỡ đầu trẻ em ở các làng SOS do AEVN xây dựng. Chia sẻ với Thanh Niên, GS Trần Thanh Vân cho hay AEVN hiện đóng góp khoảng 150.000 euro (gần 200.000 USD) mỗi năm cho 3 làng SOS trên.  Không chỉ giúp nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, GS Lê Kim Ngọc luôn song hành cùng chồng trong các dự án góp phần nâng tầm khoa học Việt Nam mà Thanh Niên từng đăng bài. 

Ngô Minh Trí

>> Vietnam's Got Talent: Xúc động nhóm trẻ mồ côi làm xiếc
>> Giúp trẻ mồ côi và người nghèo
>> Tặng nhà cho học sinh nghèo, trẻ mồ côi
>> Cán bộ xã ăn chặn tiền trợ cấp trẻ mồ côi
>> Chăm lo trẻ mồ côi
>> Giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi
>> Giúp trẻ mồ côi 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.