Người thắp lửa của Trường Sơn

16/06/2013 03:30 GMT+7

“Rất đơn giản, anh là một người lính làm thơ cho lính đọc” - nhà văn Đỗ Chu nói về nhà thơ Phạm Tiến Duật.

Đường ra trận mùa này đẹp lắm

Giờ đây, những người trẻ 8X, 9X có thể vẫn ngân nga câu hát về Trường Sơn trong những buổi sinh hoạt văn nghệ, hoặc trong những quán karaoke: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”. Ít ai trong số họ biết rằng, vì chính câu thơ đó - nhà thơ Phạm Tiến Duật từng bị một bạn thơ cùng thời phê phán là đã tô hồng hiện thực. Chiến tranh với người bạn kia đậm ấn tượng về những người lính vừa thoát chết trong Thành Cổ nằm lăn lóc bên vệ đường, sức cùng lực kiệt và đầm đìa thương tích, tơi tả sau khói bom. Có vẻ như không có gì chung giữa sự bi tráng ấy với “nghịch lý” đường ra trận của Phạm Tiến Duật.

 

Phạm Tiến Duật đã làm cho người coi kho bớt cô đơn, làm cho người lính suốt ngày chỉ nghe thấy tiếng mưa rừng ấm lòng trở lại. Phạm Tiến Duật đã nói thay thế hệ chúng tôi

 

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ

Nhưng nhà thơ, người lính Phạm Tiến Duật đã đi qua chiến tranh bằng những “nghịch lý” như thế. Những nghịch lý về gian khổ nhưng vẫn tươi tắn, lạc quan, vô tư, thành thật. Mỗi bài thơ là một câu chuyện lạc quan về chiến tranh, tươi tắn, sinh động đến từng chi tiết trong lửa đạn. Chúng còn được viết bằng cảm xúc tự nhiên đến mức, dường như nhà thơ đã rất dễ dàng - chỉ việc bê đời sống vào rồi khẽ khàng đặt vào đó. “Một góc bảo tàng tươi sống về Trường Sơn thời chống Mỹ”, nhà thơ Đỗ Trung Lai nói về sáng tác của Phạm Tiến Duật ở giai đoạn trước hòa bình.

Bảo tàng của ông có một góc dành cho những chiếc xe không kính với “nhãn thuyết minh” ngắn ngọn, rất “bảo tàng”: “Không có kính không phải vì xe không có kính/Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi”. Câu chuyện về chiếc xe mang người lính sẵn sàng đi mãi về phía miền Nam trên những con đường chạy thẳng vào tim. Cũng còn những kỷ vật chỉ có thể nhặt được ở chiến trường từ bom bi, đến thùng rốc két đã “thả sức cưa làm cốc làm ca”... Những hiện vật, kỷ niệm Trường Sơn trở thành chất liệu dung dị trong thơ ông như thế.

Sự nghiệp thơ ca của ông bắt đầu từ những ngày khốc liệt nhất ở đường Trường Sơn với Vầng trăng và quầng lửa (1970). Thơ ông mang hơi thở của cả một thời đại nhưng bằng một khí phách ngang tàng, chất bụi bặm và kiêu bạc của người lính thời chống Mỹ. “Thơ ông có sức mạnh của cả một binh đoàn trùng trùng ra trận”, nhà văn Nguyễn Văn Thọ nói.

“Chính những người như tôi đã đọc thơ Phạm Tiến Duật để lấy tinh thần đối diện với bom đạn, quyết tâm không đầu hàng địch”, ông Thọ nhớ lại. “Tôi đã từng vừa đọc thầm thơ Phạm Tiến Duật vừa khóc để sưởi ấm cho một thương binh dưới hầm chữ A khi địch quây chặt bốn bề khó có cơ hội trở về với đồng đội”.

 

Phạm Tiến Duật (1941 - 2007) quê Phú Thọ. Nhập ngũ năm 1964, ông chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn, được phát hiện và bắt đầu sự nghiệp thơ ca của mình bằng tập thơ Vầng trăng và quầng lửa (1970). Sau hòa bình, ông tiếp tục sáng tác và cho ra đời nhiều tập thơ, trường ca như: Vầng trăng và những quầng lửa (1983), Nhóm lửa (1996), Tiếng bom và tiếng chuông chùa (1997)...

Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001, Huân chương Lao động hạng nhì năm 2007, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2012.

“Phạm Tiến Duật đã làm cho người coi kho bớt cô đơn, làm cho người lính suốt ngày chỉ nghe thấy tiếng mưa rừng ấm lòng trở lại. Phạm Tiến Duật đã nói thay thế hệ chúng tôi. Nói thay những người lính lái xe và các cô thanh niên xung phong. Nói thay cho những niềm vui, hy vọng lẫn những gian lao, khổ hạnh nơi chiến trường”, ông Thọ trầm ngâm.

Giữa sự sống và cái chết

Trong những bài thơ của Phạm Tiến Duật, Vòng trắng (1974) là một trường hợp đặc biệt. Đặc biệt cả về giọng điệu lẫn hoàn cảnh. Bài thơ ra đời khi ông chứng kiến hậu chiến tranh hủy diệt do không lực Mỹ gây ra tại hậu phương lớn miền Bắc. Nén hương thắp cho những người đã mất vì bom B52 “Khói bom lên trời thành một cái vòng đen/Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng” ngay lập tức đã bị phê phán. Tạp chí Học tập số 9 năm 1974 viết: “Giữa lúc cần nói to lên niềm sung sướng tự hào về cái được vĩ đại của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thì nhà thơ lại chỉ thấy cái mất, chỉ thấy tang tóc đau thương và than thở…”.

Vào thời điểm hết sức căng thẳng và nước rút trước 1975 đó, những vần thơ phô bày một sự thực đau lòng về những mất mát của chiến tranh đã hoàn toàn trở nên lạc giọng. Chỉ đến sau này, với một độ lùi thời gian nhất định để nhìn lại, chúng ta mới thấm thía “một sự thật đằng sau mọi cuộc chiến”, nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhận định. Sau này, phải tới trước khi ông qua đời, bài thơ mới được đưa vào Tuyển tập Phạm Tiến Duật in năm 2007. Trước đó, không tập thơ nào của ông có bài thơ đó cả.

Sau giải phóng, Phạm Tiến Duật tiếp tục làm thơ bằng chính những trải nghiệm, thấm thía của mình về ranh giới giữa sự sống và cái chết. Tập thơ Tiếng bom và tiếng chuông chùa (1997) viết về những nữ bộ đội trở về từ chiến trường, đi tu, làm điều thiện như một đạo lý hết sức nhân văn của người Việt. Đó là cách những ngày tháng đẹp nhất, bên những người đồng đội thân thương nhất vẫn sống mãi trong ông. Tuy nhiên, những dòng thơ hậu chiến của ông đã không thể vươn lên như một biểu tượng như thời Trường Sơn được nữa.

Là một người đã từng sống và cống hiến hết mình cho đất nước, có công lớn trong lịch sử quật cường của dân tộc nhưng những năm tháng cuối đời, Phạm Tiến Duật lại sống trong nỗi cô đơn. Thời cuộc và số phận đã dồn nhà thơ đến chỗ phải nương tựa hai mái nhà, với hai người phụ nữ mà vẫn cô độc. Năm 2007, căn bệnh ung thư phổi đã mang ông khỏi cuộc đời trong niềm tiếc thương vô hạn của đông đảo bạn bè, đồng nghiệp và những người yêu thơ ông.

Người lính làm thơ đọc cho lính, người thắp lửa của Trường Sơn một thời đã ra đi, nhưng ngọn lửa sẽ không bao giờ tắt.

Quỳnh An - Trinh Nguyễn

>> Diện như... Phạm Tiến Duật
>> Hàng ngàn người đến đưa tiễn nhà thơ Phạm Tiến Duật
>> Phạm Tiến Duật, tâm hồn Thơ và Nỗi Nhớ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.