Người trẻ cần có vị trí để phấn đấu

04/01/2011 23:56 GMT+7

Nguyên Phó ban tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương nêu quan điểm trên khi trao đổi với PV Thanh Niên xoay quanh việc bổ nhiệm, cất nhắc cán bộ trẻ, cũng như việc quy hoạch lãnh đạo kế cận cho đất nước mà ông coi là nhiệm vụ cấp thiết cần thực hiện ngay từ ĐH XI này.

Thưa ông, kết quả bầu cử ĐH Đảng bộ cơ sở vừa rồi cho thấy tỷ lệ trẻ trúng cử vào cấp ủy thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu Bộ Chính trị đề ra trong Chỉ thị 37 (tỷ lệ cấp ủy viên trẻ tuổi không dưới 15% nhưng hầu hết các địa phương đều đạt tỷ lệ thấp hơn). Việc tỷ lệ người trẻ trúng cử vào cấp ủy cơ sở thấp có đặt ra thách thức gì trong việc tạo nguồn lãnh đạo kế cận hay không?

Kinh nghiệm từ nhiều năm làm công tác cán bộ, tôi thấy nếu có chủ trương mà không có biện pháp, cách làm cụ thể thì sẽ rất khó thực hiện. Việc yêu cầu tăng tỷ lệ cán bộ trẻ ở cơ sở của ta hiện mới chỉ có định hướng chứ chưa có định lượng, cần phải có cơ chế cụ thể mới làm được.

Muốn người trẻ có cơ hội được phát huy, trở thành lãnh đạo chủ chốt, thì phải đưa người ta vào vị trí nào đó để được thử thách

Hồi tôi làm, Bác Hồ, rồi các đồng chí lãnh đạo như Lê Duẩn, Trường Chinh yêu cầu phải chọn một số bí thư huyện ủy vào trung ương. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày đó được chọn vào trung ương chỉ mới 36 tuổi, khi còn làm bí thư huyện ủy (Bí thư Huyện ủy Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang - PV); nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Thị Xuân Mỹ hồi vào ủy viên Trung ương cũng mới chỉ 33 tuổi, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Văn Chi, rồi Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng... cũng đều được chọn vào ủy viên trung ương trước 40 tuổi, từ vị trí bí thư huyện ủy. Cho nên kinh nghiệm thực tiễn cho thấy muốn người trẻ có cơ hội được phát huy, trở thành lãnh đạo chủ chốt, thì phải đưa người ta vào vị trí nào đó để được thử thách. Người trẻ phải có vị trí nhất định để người ta phấn đấu.

 
Ông Nguyễn Đình Hương - Ảnh: K.M 

Chúng ta có thể học tập kinh nghiệm gì về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo kế cận từ các nước, thưa ông?

Lúc Bộ Chính trị giao cho tôi làm đề án nhân tài, tôi đã sang Trung Quốc tham khảo thì thấy, tất cả những người lãnh đạo đất nước Trung Quốc đều phải kinh qua vị trí lãnh đạo ở những nơi khó khăn nhất, những tỉnh miền biên ải và những nơi phức tạp nhất. Ở ta, cách đây 20 năm, tôi đã tham mưu với các đồng chí lãnh đạo rằng muốn đào tạo cán bộ chủ trì của đất nước thì cứ cho xuống 2 nơi: thứ nhất là Hà Nội, thứ hai là TP.HCM. Nếu làm bí thư hay chủ tịch Hà Nội, TP.HCM thành công thì đề bạt lên nhanh. Còn bây giờ thì ngoài 2 TP lớn đó, còn một mũi nữa là phải kinh qua vị trí lãnh đạo ở Tây Nguyên.

Một kinh nghiệm hay nữa có thể học đó là cách quy hoạch cán bộ trẻ của Nhật. Họ chọn cán bộ trẻ ngay từ trong trường đại học, nhất là các trường đào tạo chuyên ngành toán học, vật lý và quản lý xã hội. Trong số 1.000 sinh viên chẳng hạn, họ chọn ra khoảng 100 - 200 sinh viên giỏi nhất, sau đó cử ra nước ngoài cho học tập kiến thức, kinh nghiệm quản lý ở các nước tiên tiến nhất, học tập khoa học kỹ thuật tiên tiến. Sau khi những người này trở về sẽ được giao các chức vụ quan trọng, nhất là lĩnh vực kinh tế như tổng giám đốc các doanh nghiệp, tập đoàn, rồi làm quản lý chính trị… sau đó mới cất nhắc tiếp ở vị trí cao hơn.

 Theo ông, nên có tỷ lệ trẻ vào BCH Trung ương khóa XI bao nhiêu thì hợp lý?

Bây giờ tỷ lệ trẻ ở BCH Trung ương khác địa phương, tỉnh khác huyện. Ví dụ như Trung ương bây giờ, mỗi nhiệm kỳ 5 năm thì phải đưa cán bộ độ 40 tuổi vào ủy viên dự khuyết, đến 50 tuổi đã phải được giao trọng trách rồi, làm bộ trưởng chẳng hạn, và còn 10 năm nữa để phấn đấu ở vị trí cao hơn.

Còn ở địa phương, ví như trung bình mỗi tỉnh có 50 tỉnh ủy viên thì lớp trẻ ít nhất phải chiếm 10 người (tỷ lệ 20%). Trong số 10 người đó sẽ có vài người có thể không phát huy được nhưng chỉ cần 50% trong số đó phát huy được đã là thành công rồi. Nhưng muốn làm được như vậy, phải có quy chế, đặt ra tiêu chí cụ thể, rõ ràng, muốn người ta trưởng thành phải giao việc cho người ta, thậm chí là giao việc khó nhất để thử thách. 

Bảo Cầm (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.