Người nuôi 19 con hổ trong nhà

26/09/2006 00:10 GMT+7

Sở hữu trong tay đàn hổ đến 19 con, cho hổ sinh sản thành công đến mấy lứa… và đặc biệt nhất là tự tay chữa khỏi bệnh bại liệt cho hổ, danh tiếng của ông Ngô Duy Tân - có thể nói là người nuôi hổ nhiều nhất nước hiện nay - bay xa. Nhiều người Trung Quốc cũng đã lặn lội đến Bình Dương tìm ông để học hỏi.

Năm 1972, chiến sĩ trinh sát Ngô Duy Tân nhận nhiệm vụ điều nghiên cứ điểm địch tại khu vực cửa khẩu Xa-mát (Tây Ninh). Để đối phó với lũ chó bẹc-giê, các chiến sĩ phải lùng tìm những nhà dân có nuôi chó sói hay hổ để gần gũi "lấy mùi". Ngô Duy Tân đã tìm được một gia đình có nuôi 2 con hổ. Lân la làm quen, Ngô Duy Tân chẳng bao lâu đã trở nên thân mật với gia đình. Vợ chồng chủ nhà nuôi 2 con hổ vốn là người trông coi vườn thú trong Hoàng cung Campuchia, đang cất giữ bí quyết nuôi hổ hết sức kỳ bí. Nhờ có ngoại hình thư sinh và cách nói chuyện trôi chảy, thân thiện, chàng trinh sát trẻ rất được lòng chủ nhà. Hằng ngày, anh giúp họ chăm sóc hổ và dần dần học được bí quyết nuôi hổ của đôi vợ chồng kia.


Đàn hổ trong vườn của ông Tân - Ảnh: N.T.T

Năm 2000, khi đang điều hành Công ty bia Thái Bình Dương (người tiêu dùng quen gọi là bia tươi Pacific), ông Tân nuôi ý định đầu tư xây dựng một khu du lịch sinh thái. Ông đã mua được một khu đất rộng tại Bình Dương, mua được các loài vật quý như gấu, báo, công... về nuôi để chuẩn bị cho khu du lịch trong tương lai. Ngẫu nhiên thế nào, cũng trong năm đó, một người Campuchia nghe tiếng ông nuôi thú hoang dã liền mang đến chào bán 5 con hổ con. Buồn một nỗi, 5 con hổ này đang trong tình trạng suy kiệt sức khỏe và gần như sắp chết. Ông Tân mua lại 5 con hổ và bắt đầu việc chữa chạy. Bí quyết nuôi hổ ngày xưa vẫn còn trong đầu nhưng có vẻ đã bị bụi thời gian che lấp, ông không tự tin có thể cứu sống hổ nên lập tức mời các bác sĩ thú y nổi tiếng ở Hà Nội và TP.HCM đến chữa trị. Hổ khỏe dần lên nhưng lại bại hẳn hai chân sau. Ông Tân lại đem hổ đến Trung tâm thú y của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM tiếp tục điều trị nhưng tình hình bệnh tật của hổ vẫn giậm chân tại chỗ. Không còn cách nào, ông đành ứng dụng các bí quyết chăm sóc hổ kỳ bí, có vẻ như hoang đường học được hồi còn ở chiến trường và ngạc nhiên thay, những chú hổ lớn lên dần mạnh khỏe, lại có thể chạy nhảy, linh hoạt, gần gũi thân thiện với con người.

Đến năm 2003, ông Tân lại mua được thêm 1 con hổ đực và 1 con hổ cái cũng trong tình trạng bị bại liệt tương tự. Có sẵn kinh nghiệm từ lần chữa chạy trước, ông Tân tiếp tục cứu sống 2 con hổ và nuôi dưỡng. Đàn hổ lớn nhanh như thổi, có cả hổ đực và hổ cái, ông Tân bắt đầu nghĩ đến chuyện cho giao phối để sinh sản. Với sự theo dõi sát sao và chăm sóc cẩn thận, vào tháng 3.2004, đàn hổ đã có thêm những thành viên mới. Tiếp tục sinh sản, đàn hổ trong khu vườn ông Tân đã lên đến con số 19, trong đó, hổ cái tên Ami đã sinh đến lần thứ 3. Dẫn tôi đi tham quan trong khu vườn vây kín rào sắt và đàn hổ vờn quanh, ông Ngô Duy Tân tự hào cho biết: "Chữa bại liệt cho hổ và cho hổ sinh sản, đó là một thành công mà cả Việt Nam lẫn thế giới đều chưa làm được. Tôi chắc rằng đến cuối năm nay đàn hổ sẽ có thêm 10 con nữa và 2 năm sau sẽ lên đến hàng trăm con. Các chuyên gia Trung Quốc cũng phải sang tận trại của tôi để học cách chữa bại liệt hổ, và cũng có các đại gia đánh tiếng mua hổ về nuôi với giá ngất trời. Nhưng mục đích của tôi không phải kinh doanh hổ. Một khu du lịch sinh thái do tôi đầu tư đã sắp thành hình, có thể có cả một đảo hổ giữa hồ nước mênh mông mà phải đi thuyền sang đấy, bạn ạ!".

Ông Tân kể: "Trong đàn có một con hổ lớn nhất tên Simba hiền hòa và dễ gần nên tôi cho nó đi tự do trong sân nhà. Nhân viên và những đứa con nhỏ của tôi đều có thể cưỡi lên nó và đi vòng vòng. Thế nhưng có một lần con hổ vờn lên đùa với người coi vườn, bình thường con Simba đùa như thế thì người ta giật mình chỉ hơi chúi một chút, nhưng ông cụ coi vườn vốn là thương binh cụt hết một chân nên ngã lăn ra. Con hổ mất đà đè một chân lên ngực người coi vườn và nhe răng cười. Lần đó không nguy hiểm tính mạng, nhưng tôi bắt đầu thấy lo, không biết bản năng hoang dã của nó sẽ trỗi dậy lúc nào, nên từ đó tôi không thả nó đi lung tung nữa mà nhốt hẳn trong chuồng".

Những con hổ trên đều được cơ quan kiểm lâm làm giấy khai sinh, được sự quản lý của cơ quan kiểm lâm và ông Tân được phép nuôi để phục vụ khách du lịch, không mua bán.

Q.T

 

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.