Người “Down” bị hành CMND

10/03/2011 00:40 GMT+7

Không ít người mắc hội chứng Down, thiểu năng trí tuệ không được cấp chứng minh nhân dân.

 

 Những người thiểu năng trí tuệ luyện võ, tham gia hoạt động hòa nhập cuộc sống - Ảnh: Như Lịch

Hành trình gian nan

Trước khi đi cùng PV Báo Thanh Niên trở lại trụ sở Công an Q.3, TP.HCM để làm CMND cho đứa con  mắc hội chứng Down, chị Nguyễn Thị Trinh (thường trú ở P.11, Q.3) bức xúc: “Họ không chịu làm đâu. Lần trước, tôi đã đưa con lên đó nhưng người ta khăng khăng bảo mấy đứa khờ này làm CMND để làm gì, vì chúng đâu có chịu trách nhiệm hình sự!”.

14 giờ 30 ngày 3.3.2011, cùng người nhà của em L.N.T (18 tuổi, học viên Trung  tâm Bảo trợ, dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM - con chị Trinh), chúng tôi có mặt tại  công an  Q.3. Vừa nghe chị Trinh bày tỏ nguyện vọng làm CMND cho T., một trung tá “cán bộ CMND” ngồi bàn ngoài cùng nói ngay: “Trường hợp này cấp giấy CMND không được đâu. Mấy đứa bị thần kinh, bệnh Down này dẫu có phạm tội thì cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cần gì làm CMND”. Vị cán bộ giải thích thêm: “Quy định của Bộ Công an là như vậy đó. Có gì chị cứ lên  công an  thành phố trên đường Trần Hưng Đạo mà hỏi”. Chị Trinh hỏi lại: “Anh cho biết có văn bản pháp luật nào quy định không cấp CMND cho những đứa này?”. Đến đây, cán bộ phụ trách làm CMND ngừng lại suy nghĩ rồi cầm “tờ khai đề nghị cấp CMND” đưa cho chị Trinh và bảo: “Chị về nhà điền thông tin và dán hình cháu T. vào tờ khai. Sau đó, đem lên công an P.11, Q.3 xác nhận”.

15 giờ 30 cùng ngày 3.3, chúng tôi theo gia đình chị Trinh đưa T. đến Công an P.11, Q.3. Tại đây, anh cảnh sát khu vực nhìn vào tờ khai, nhìn T. rồi hỏi chị Trinh: “Con chị làm giấy CMND làm gì vậy?”. Chị Trinh đáp: “Thì nó cũng như những người khác, lớn rồi thì phải có CMND”. Sau một lúc, anh công an khu vực lại hỏi: “Sao em này quá tuổi rồi mới đi làm CMND?”. “Hồi cháu 15 tuổi, tui đã đem cháu đến phường hỏi thăm nhưng nhiều người nói cháu sẽ không làm được và cũng không cần có CMND” - giọng chị Trinh  như nghẹn lại.

Phải đến hơn 16 giờ, chị Trinh mới chứng xong giấy tờ. Quay lại trụ sở Công an Q.3, chúng tôi gặp một người đàn ông mặc thường phục ngồi trên ghế ở bãi giữ xe phía trước đường Nguyễn Thượng Hiền. Người này nhìn T. và hỏi đi đâu. Khi chúng tôi trả lời đi làm CMND cho T. thì người này quả quyết: “Không làm được đâu”. Sau khi nộp tờ khai lớn có chứng nhận của Công an P.11, chị Trinh tiếp tục ghi vào tờ khai loại nhỏ hơn. Đến khi T. chuẩn bị lăn tay, người đàn ông mặc thường phục ban nãy, giờ đã ngồi ở bàn “cán bộ CMND” phía trong lên tiếng: “Thằng bé này bị bệnh vậy đâu được cấp CMND”. “Trước giờ chưa từng làm cho những trường hợp nào nhưng lần này thử xem!” - người cán bộ đã tiếp mẹ con chị Trinh lên tiếng.

16 giờ 26 phút, cầm được giấy hẹn ghi ngày 21.3, vợ chồng chị Trinh mừng đến ngỡ ngàng.

Lúc cấp, lúc không

Ngày 4.3, chúng tôi tiếp tục theo chân cha con ông Hân và T.C.N (20 tuổi, ngụ đường Bàn Cờ, P.3, Q.3, TP.HCM) trở lại trụ sở Công an Q.3. Bàn trực ngoài cùng vẫn là vị trung tá “Cán bộ CMND” chiều hôm trước đã tiếp mẹ con chị Trinh. Khi ông Hân đưa N. vào, vị cán bộ hỏi N. tên gì, bao nhiêu tuổi. N. tỏ vẻ sợ sệt nhưng vẫn hiểu và trả lời câu hỏi. Tuy nhiên, người cán bộ nói trên quay sang cha của N.: “Cháu nó bị bệnh Down như vầy không cần làm CMND đâu”.

Đứng tần ngần trước bãi giữ xe, cuối cùng ông Hân cũng quyết định chở con mình lên Công an TP.HCM. Chúng tôi dắt N. đến bàn ngoài cùng bên trái. Người cán bộ hỏi tên, năm sinh của N. Thấy N. đáp tương đối rõ, anh đưa tờ khai CMND và bảo về phường xác nhận, sau đem lên đây “xem lại”. Chúng tôi thắc mắc vì sao quận không trực tiếp làm CNMD cho các em này, anh cán bộ cắt nghĩa: “Quận không dám làm đâu”. Anh nói thêm: “Tụi tui còn không dám làm, huống hồ chi quận”. Theo lời anh cán bộ, N. nằm trong số ca ít ỏi bị bệnh Down được “du di” cấp CMND.

Khi nhận tờ khai từ tay chúng tôi, cha của N. không tin nổi vào mắt mình. Ông kể: “Cách đây hơn 2 năm, cô ruột của N. sống bên Thụy Điển muốn gia đình tôi đưa cháu ra nước ngoài để trị bệnh. Gia đình tôi đã đến nhờ công an Q.3 làm CMND cho cháu nhưng cả hai lần đều bị từ chối. Nghe lời một người bạn cũng làm trong ngành  công an , tôi đưa cháu lên  công an  TP.HCM nhưng cũng không giải quyết được gì”.

Cô Nguyễn Thị Thanh Loan - Trưởng bộ môn Aikido, Hội Võ thuật Người khiếm thị TP.HCM - phản ánh: “Mới đây, một số em thiểu năng trí tuệ trong lớp võ của tôi được chọn ra Hà Nội tham gia chương trình giao lưu, biểu diễn Aikido quốc tế. Đáng tiếc, có những em đành ở nhà vì không có chứng minh thư nên người ta dứt khoát không cho lên máy bay”.

Trong khi đó, bà Cung Thị Bích Hồng, mẹ của C.X.M (28 tuổi, bị thiểu năng trí tuệ), cho hay  công an  địa phương nơi gia đình bà cư ngụ (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) không hề hạch hỏi bất cứ điều gì về M. đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để M. có được chứng minh thư.

Cán bộ đã máy móc hiểu sai

Trao đổi với PV Báo Thanh Niên chiều 7.3, ông Vũ Xuân Dung - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C64), Bộ Công an - cho biết các trường hợp không được cấp CMND căn cứ theo Nghị định 05 về CMND do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 3.2.1999. Ông giải thích: “Theo nghị định này, những người bị thiểu năng, khuyết tật không điều khiển được năng lực hành vi dân sự thì chưa được cấp CMND. Bởi các trường hợp này sẽ không cần đến các giao dịch thì cấp để làm gì”. Tuy nhiên, ông Dung cũng cho rằng các trường hợp trên là tạm thời chưa được cấp, chứ không phải là không cấp. Đây là trường hợp được coi là bị bệnh, khi nào chữa khỏi bệnh, có giấy chứng nhận của cơ quan y tế cấp huyện thì sẽ được cấp như những trường hợp bình thường khác.

Đối với trường hợp cụ thể mà báo nêu, ông Dung cho rằng khi một người còn biểu diễn được võ thuật, tức vẫn điều khiển được năng lực hành vi thì không thể không cấp CMND. Như vậy cán bộ đã máy móc hiểu sai. Ngoài ra, ông Dung cũng cho rằng sẽ kiểm tra, chấn chỉnh lại các địa bàn xảy ra tình trạng nơi cấpnơi không.

Phải xem xét, điều chỉnh

Bà Tạ Thị Minh Lý - Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp - nói rằng CMND chỉ là giấy tờ để chứng minh nguồn gốc, còn việc không có năng lực hành vi thì lại là chuyện khác. Bà nói: “Ví dụ một cháu bé bị thiểu năng không được đi máy bay, đó là điều không công bằng. Chúng tôi nghĩ rằng, tình trạng này có thể xảy ra tại nhiều địa phương, chứ không riêng gì ở TP.HCM. Chúng tôi cho rằng cần phải tập hợp để xem xét, điều chỉnh nếu như ảnh hưởng lớn đến quyền lợi người dân”.

Thái Sơn
(thực hiện)

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.