Ngư dân đánh bắt ở Hoàng Sa: Thiên tai không lo bằng nhân tai

22/04/2015 18:52 GMT+7

(TNO) Ngư dân Lê Khởi, phó chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải (Quảng Ngãi) nói: "Bây giờ ra Hoàng Sa ngư dân rất lo âu, vừa đánh bắt vừa phải dè chừng dòm ngó tứ bề, hễ thấy bóng dáng tàu nước ngoài là chạy né tránh, chứ bị lấy tài sản coi như trắng tay. Hành nghề như thế làm sao hiệu quả được".

(TNO) Trong 2 ngày 21 và 22.4, đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Nguyễn Đức Hiền, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND huyện đảo Lý Sơn và UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc giải quyết khó khăn trong sản xuất, đời sống của ngư dân.

Phần lớn tàu thuyền ở Lý Sơn có công suất nhỏ, đánh bắt ven bờ nên thu nhập của ngư dân rất thấp - Ảnh: Hiển Cừ
Phần lớn tàu thuyền ở Lý Sơn có công suất nhỏ, đánh bắt ven bờ nên thu nhập của ngư dân còn thấp - Ảnh: Hiển Cừ
Tại buổi làm việc với UBND huyện đảo Lý Sơn, bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, cho biết với hơn 50% số dân trên địa bàn huyện sống bằng ngư nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn tàu của ngư dân Lý Sơn có công suất nhỏ, chỉ khai thác ở vùng biển gần bờ nên đa số ngư dân còn nghèo, đời sống khó khăn.
Theo bà Hương, nỗi lo thường trực hiện nay của ngư dân Lý Sơn mỗi khi ra biển là thiên tai và nhân tai, gây thiệt hại nặng nề. 

Việc bị nạn bởi thiên tai và nhân tai đã gây ra tư tưởng không an tâm của ngư dân, ảnh hưởng lớn đến thu nhập và đời sống của gia đình họ

Phạm Thị Hương
Phó chủ tịch UBND huyện đảo
Lý Sơn, Quảng Ngãi

Cụ thể, từ năm 2007 đến nay, thiên tai đã nhấn chìm xuống biển 32 tàu, 38 tàu bị hư hỏng, 82 tàu bị nước ngoài bắt giữ, đòi tiền chuộc, đập phá, lấy tài sản khi ngư dân Lý Sơn đang hành nghề hợp pháp ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa.
Chỉ tính riêng từ năm 2014 đến nay, đã có 22 tàu cá Lý Sơn đi khai thác ở Hoàng Sa bị nước ngoài đập phá tài sản, ngăn cản không cho hành nghề, gây thiệt hại về tài sản hơn 3,1 tỉ đồng.
Ngư dân Lê Khởi, Phó chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, bày tỏ lo lắng với đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Bây giờ ra Hoàng Sa ngư dân rất lo âu, vừa đánh bắt vừa phải dè chừng dòm ngó tứ bề, hễ thấy bóng dáng tàu nước ngoài là chạy né tránh, chứ bị lấy tài sản coi như trắng tay. Hành nghề như thế làm sao hiệu quả được”.
Ông Nguyễn Thanh, Bí thư huyện ủy Lý Sơn, cho rằng dù xác định kinh tế biển là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng ở Lý Sơn do đời sống còn nghèo nên ngư dân chưa thể đóng được tàu cá công suất trên 500 CV.
“Huyện rất muốn xây dựng đội tàu khoảng 40 chiếc có công suất từ 700-1.000CV luôn thường trực bám ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa khai thác hải sản. Có đội tàu mạnh mới khai thác hiệu quả, ngư dân làm ăn mới có lãi. Tuy nhiên, để có được đội tàu công suất lớn, ngư dân Lý Sơn rất cần hỗ trợ vốn ban đầu của Nhà nước”, ông Thanh đề nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.