Ngổn ngang giữa mùa mưa lũ

08/09/2009 00:08 GMT+7

Trận mưa lớn mấy ngày qua đã khiến nông dân lao đao vì hàng nghìn ha lúa hè thu đến kỳ thu hoạch bị ngập úng. Nước vừa rút, người dân tranh thủ ra đồng thu hoạch thì đợt mưa khác lại trút xuống ngập đồng... Mời nghe đọc bài

Nước chồng lên nước

Sáng 7.9, miền Trung lại hứng chịu những cơn mưa lớn bất thường. Nhiều gia đình điêu đứng vì lúa mới gặt ngoài đồng về nhà không phơi được đã bắt đầu lên mộng.

Theo Trung tâm Phòng chống lụt bão (PCLB) miền Trung - Tây Nguyên, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, các tỉnh ven biển từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và giông. Ngày 7.9, mưa rất to đã xảy ra trên diện rộng. Trung tâm PCLB miền Trung - Tây Nguyên cho biết có 11.617 ha lúa bị ngập, ngã đổ; 975 ha ngô, mía bị ngập; 5.411 ha hoa màu bị hư hại; 8 tàu thuyền, sà lan bị chìm, lật...

Lợi dụng mưa lũ để chuyển gỗ lậu

Nhiều ngày qua, do mưa lớn kéo dài, tuyến đường ĐT604 từ H.Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đi H.Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) tiếp tục sạt lở nghiêm trọng tại khu vực dốc Kiền, khiến giao thông chia cắt. Trong khi đó, lâm tặc lợi dụng sạt lở và sự lỏng lẻo của cơ quan chức năng để chuyển gỗ về xuôi. Từ đỉnh dốc Kiền, khoảng chục thanh niên tranh thủ thả hàng chục phách gỗ đã được xẻ ngay ngắn dọc sườn dốc xuống điểm tập kết. Mặc cho đất đá liên tục đổ xuống cùng bùn lầy và nước mưa, cứ hai ba người khuân từng phách gỗ chất lên xe tải chở về xuôi.

Nguyễn Tú

Theo thống kê của Thanh Niên, trong đợt mưa lũ này đã có 6 người chết (2 tại Đà Nẵng, 2 tại Thừa Thiên - Huế, 1 ở Quảng Trị, 1 ở Quảng Nam); 3 người mất tích (2 tại Quảng Ngãi, 1 ở Gia Lai); 9 người bị thương (5 ở Quảng Ngãi, 4 ở Gia Lai).

Đà Nẵng chìm trong nước

Ngày 7.9, mưa lớn lại đổ dồn xuống các khu vực của TP Đà Nẵng. Các điểm trũng quanh khu vực hồ chứa nước như Thạc Gián, Đầm Rong... lại thành biển nước. Các khu dân cư như Hòa Thọ Đông, Hòa An, Hòa Thọ Tây (Q.Cẩm Lệ), khu vực Đầm Rong (Q.Hải Châu), An Khê (Q.Thanh Khê)... nước đợt mưa trước vừa tạm rút, người dân bắt tay vào dọn dẹp thì lại phải quay ra chuẩn bị chống nước đang tiếp tục tràn vào nhà.

Theo Công ty quản lý công trình giao thông và thoát nước Đà Nẵng, toàn thành phố có 23 điểm ngập nặng trên đường phố và 30 điểm ngập lớn trong khu vực dân cư. Có 2 điểm ngập nặng mới phát sinh trong cơn mưa ngày 7.9 là khu vực Nguyễn Lương Bằng (Q.Liên Chiểu) ngập hơn 0,3m và khu vực ngã ba Cơ khí (gần hồ Bàu Tràm) ngập 0,5m. Tại Q.Thanh Khê, các hộ dân sống dọc đường ray ở tổ 3, tổ 7, P.Thanh Khê Đông là điểm ngập sớm nhất và sâu nhất. Khoảng 4 giờ chiều ngày 7.9, nhiều nhà ở khu vực này đã bị ngập sâu 1m nước...

BCH Biên phòng TP Đà Nẵng cho biết hiện vẫn còn 28 tàu với 372 lao động đang hoạt động trên biển.

Nông dân điêu đứng

Những ngày này đi về các địa phương ở Quảng Nam, đâu đâu cũng thấy nỗi cơ cực của người nông dân khi thời tiết khôn lường: nước ngập đồng lúa, hoa màu, người dân tranh thủ ra đồng vớt vát chút thành quả còn lại... Ở H.Núi Thành, Ban chỉ huy PCLB huyện cho biết đến ngày hôm qua đã có hơn 1.000 ha lúa, 180 ha rau màu bị ngập sâu trong nước và thiệt hại 50% sản lượng.

Tại H.Thăng Bình, ông Phan Thăng An, Chủ tịch UBND huyện, cho biết ngoài diện tích lúa đã chín tới bị hư hại thì có đến 400 ha lúa đang trong thời kỳ trổ và ngậm sữa tập trung ở các xã vùng Đông và vùng Trung như Bình Giang, Bình Dương, Bình Triều, Bình Phục, Bình Trung, Bình An chắc chắn sẽ lép hạt do ngập mưa. Hàng chục ha tôm nuôi các xã Bình Nam, Bình Hải, Bình Sa bị mưa lũ cuốn trôi hơn 50% sản lượng. Ước tính tổng giá trị thiệt hại ban đầu của huyện lên trên 7 tỉ đồng. Tại các xã Quế Hiệp, Quế Phong (H.Quế Sơn), bà con đã thu hoạch lúa về nhà nhưng cả tuần nay không hong phơi được, lúa đã nảy mầm ngay trong nhà, chắc phải bỏ.

Tại Quảng Ngãi, mưa lớn tiếp tục trút xuống trên diện rộng ngày 7.9 làm diện tích lúa bị ngập chìm tăng lên, thiệt hại nặng nhất ở H.Mộ Đức và Sơn Tịnh. Ông Vũ Nhân, Trưởng phòng NN-PTNT H.Mộ Đức, cho biết số diện tích lúa ngập úng, ngã đổ trong huyện không dừng ở con số gần 400 ha như đã thống kê trước đó, mà đã lên cả ngàn hecta, chủ yếu ở các xã Đức Tân, Đức Lân, Đức Thạnh, Đức Phong, Đức Chánh... với năng suất giảm từ 30-40%, thậm chí nhiều diện tích bị mất trắng. Còn theo báo cáo của Ban chỉ huy PCLB và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, từ ngày 1- 7.9, mưa lớn và áp thấp nhiệt đới gây thiệt hại nặng nề về người, nhà cửa, tàu thuyền, hệ thống giao thông, thủy lợi, nông nghiệp... với tổng thiệt hại ước tính khoảng 31 tỉ đồng, trong đó riêng về nông nghiệp đã lên đến hơn 18 tỉ đồng. Mưa lũ, gió lốc, giông sét làm 4 tuyến đường giao thông nông thôn bị sạt lở nghiêm trọng, 78 ngôi nhà bị sập đổ, tốc mái, 5 người bị thương. Toàn tỉnh còn có 7 tàu đánh cá trên đường tránh áp thấp nhiệt đới bị nạn, trong đó có 4 tàu bị chìm, 1 tàu và 2 ngư dân mất tích.

Chiều 7.9, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản đề nghị Ban chỉ đạo PCLB Trung ương xem xét đề nghị các bộ, ngành Trung ương trình Chính phủ quan tâm hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Quảng Ngãi 15 tỉ đồng để kịp thời hỗ trợ khắc phục trước mắt một số thiệt hại về cơ sở hạ tầng, dân sinh, sản xuất nông nghiệp và tàu thuyền bị chìm, hư hỏng, sớm ổn định sản xuất và đời sống của người dân.

Kon Tum: Nhiều công trình bị hư hỏng

Đến chiều 7.9, trên khu vực bắc Tây Nguyên trời vẫn đang tiếp tục mưa. Theo thống kê sơ bộ, thiệt hại nặng nhất là huyện biên giới Sa Thầy (Kon Tum), mưa lũ đã làm hư hỏng nặng 24 công trình giao thông, thủy lợi và trường học; mố cầu treo đi qua làng Ba ĐGốc, xã Sa Sơn bị sạt lở và đang đe dọa đến tính mạng người dân trong khu vực; giao thông đến xã Mo Rai gần như bị tê liệt. Các công trình thủy lợi tại các huyện: Đắk Hà, Đắk Tô, Ngọc Hồi, và TP Kon Tum... cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Trùng Dương

Đảo Phú Quý lại bị cô lập

Gió lớn gần 10 ngày nay khiến 5 tàu khách tuyến Phan Thiết - Phú Quý (Bình Thuận) và ngược lại buộc phải nằm tại cảng Phan Thiết. Hàng trăm hành khách kẹt tàu ở hai đầu cảng; rất nhiều người phải ở tạm trên các khoang chờ biển lặng để về đảo. Chủ tịch UBND huyện đảo Huỳnh Văn Hưng cho biết: Từ tối 6.9 đến tối 7.9, gió cấp 8-9, giật bất thường, sóng cao 4-5m, người dân trên đảo đã triển khai chằng chống nhà cửa, kêu gọi tàu thuyền vào bờ trú ẩn. Ông Hưng cũng cho biết: Lương thực, thực phẩm, nhất là cá, thịt, rau xanh tại đảo đang tăng giá, do nhiều ngày không có tàu vận chuyển ra. Nếu trong 5 ngày tới tàu không thể xuất bến thì huyện sẽ không còn lương thực, thực phẩm; xăng dầu... Mỗi năm, Phú Quý thường bị cô lập từ 3-4 đợt, mỗi đợt từ 10-15 ngày vào mùa gió lớn. Riêng trong năm 2009 này, huyện đảo đã có 3 đợt bị cô lập dài ngày, dù đang ở mùa gió nam.

Quế Hà

Nhóm PV miền Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.