Ngày 27.12, khởi công dự án kênh Quan Chánh Bố: Thông luồng cho tàu lớn vào sông Hậu

26/12/2009 00:32 GMT+7

Luồng Định An vào 13 cảng biển trên sông Hậu đang bị bồi lắng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến việc xuất nhập khẩu hàng hóa. Dự án đào tuyến kênh nối sông Hậu với biển Ðông qua kênh Quan Chánh Bố sẽ khắc phục tình trạng này.

ĐÐBSCL là vựa lúa gạo lớn của cả nước, nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu như lúa gạo, vật tư phân bón, nguyên nhiên vật liệu bằng đường biển rất lớn. Với tốc độ tăng trưởng 8,7 - 9,2%/năm, dự kiến đến năm 2010, lượng hàng hóa xuất - nhập khẩu của khu vực tăng lên 12,5 triệu tấn/năm và đến năm 2020 là 22 triệu tấn/năm.

Hiện tại, trên sông Hậu - Định An có 13 cảng hoạt động, nhưng chỉ đáp ứng khoảng 30% lượng hàng hóa xuất - nhập khẩu. Nguyên nhân chủ yếu là do cửa Định An bị cạn, không tiếp nhận được tàu có trọng tải lớn. Theo thông báo của cơ quan an toàn hàng hải, độ sâu “cốt” luồng hiện nay khu vực cửa Định An chỉ đạt -2,5m, tàu 5.000 DWT đầy tải không thể vào - ra được. Vì vậy, 70% lượng hàng hóa còn lại phải trung chuyển lên các cảng TP.HCM, làm phát sinh chi phí vận chuyển, gây ách tắc giao thông thủy - bộ, giảm lợi thế cạnh tranh... Việc nạo vét luồng những năm qua hiệu quả không cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; thời gian bồi lắng trở lại sau nạo vét nhanh...

Hiện bình quân một tấn hàng hóa từ ĐBSCL trung chuyển lên TP.HCM, doanh nghiệp mất thêm ít nhất từ 7-10 USD. Về thời gian, việc đóng lẻ hàng hóa hoặc trung chuyển hàng rời làm doanh nghiệp mất thêm nhiều thời gian, kéo theo chi phí gia tăng. Bên cạnh đó còn là chất lượng hàng hóa giảm sút nếu như phải bốc dỡ nhiều lượt như rau quả, thủy sản đông lạnh... Đó là chưa kể đến các chi phí tăng thêm như bốc dỡ hàng hóa, phí đường bộ, chi phí tiền lương cho nhân viên giám sát,...

Theo tính toán của Công ty tư vấn SNC Lavalin International (Canada), kênh tắt Quan Chánh Bố (thuộc địa phận tỉnh Trà Vinh) khi đi vào hoạt động (năm 2010) sẽ giúp giảm 78 triệu USD chi phí vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu cho khu vực ĐBSCL vào năm 2010 và giảm tới 170 triệu USD vào năm 2020.

Tuyến kênh tắt này sẽ tạo điều kiện luân chuyển giao lưu hàng hóa của khu vực ĐBSCL với cả nước và quốc tế; thông luồng cho một cảng biển quốc tế đi qua Trà Vinh, mở ra một triển vọng mới cho cả ngành du lịch, thương mại, dịch vụ, công nghiệp tàu biển của cả vùng ĐBSCL. Đó là lý do Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt dự án.

Dự án do Cục Hàng hải Việt Nam làm chủ đầu tư, xây dựng trên địa bàn các xã Long Vĩnh, Long Khánh, Dân Thành (huyện Duyên Hải). Các hạng mục thi công chính: mở rộng đoạn sông Hậu 6 km, kênh Quan Chánh Bố dài 19 km, đào 9 km kênh tắt thông ra biển và 6 km kênh biển; xây dựng đê biển chắn cát, giảm sóng, công trình bảo vệ bờ; cầu và đường dân sinh; khu nước tránh tàu; hệ thống phao tiêu báo hiệu luồng; hệ thống hàng hải điện tử.

Để thực hiện dự án này, tỉnh Trà Vinh đã giải phóng mặt bằng khu vực đào kênh và  11 địa điểm đổ bùn, đất và các công trình phụ trợ với tổng diện tích là 1.088,31 ha. Ngày 27.12, Tổng công ty xây dựng đường thủy - Bộ GTVT, đơn vị trúng thầu sẽ khởi công. Giai đoạn 1, dự án sẽ đào 9 km kênh tắt từ biển qua địa phận huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh nối với kênh Quan Chánh Bố. Công trình đào kênh rộng 300 mét, độ sâu từ 6 - 8 mét, thời gian thi công 36 tháng. Giai đoạn 1 hoàn thành kênh sẽ tiếp nhận tàu có trọng tải đến 20.000 tấn. Tổng kinh phí đầu tư ước khoảng 5.000 tỉ đồng. Giai đoạn 2 sẽ tiếp nhận tàu trọng tải trên 40.000 tấn.

Sơn Cưa - Phong Trần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.