Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng

28/10/2010 01:07 GMT+7

Đất nước ta vận hành theo cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Ba vế trên là một thể thống nhất, gắn kết với nhau, không một vế nào có thể tồn tại riêng lẻ, nhưng nói cho cùng, vế thứ nhất, sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố quyết định nhất.

Tiêu đề dự thảo Báo cáo chính trị chuẩn bị trình Đại hội XI bắt đầu bằng mệnh đề “Tiếp tục nâng cao lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng...”. Đoạn cuối phần I của dự thảo (phần kiểm điểm 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X) nói về những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội X cũng nhấn mạnh đến việc “đặc biệt chăm lo củng cố, xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức”.

Theo tinh thần đó, vấn đề nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng phải được coi là mối quan tâm hàng đầu của Đại hội XI, và đại hội sẽ phải ưu tiên dành thời gian thảo luận vấn đề này, đi sâu mổ xẻ những nguyên nhân hạn chế năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, tìm ra những biện pháp có tính đột phá để khắc phục “những khuyết điểm, yếu kém đã làm hạn chế những thành tựu lẽ ra có thể đạt được nhiều hơn”.

Có nhiều nguyên nhân tác động tiêu cực đến năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phải gỡ dần từng bước nhưng có một việc cần và có thể làm ngay là xác định rõ nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng để mọi cấp ủy, mọi đảng viên nắm vững và quán triệt.

Về nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung và phát triển năm 2010) viết: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn, bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra và bằng hành động gương mẫu của đảng viên...”.

Đối chiếu với thực tế, không thể không thừa nhận rằng: Có nơi, có lúc cấp ủy Đảng hay cá nhân đảng viên đã bao biện, làm thay cơ quan nhà nước và lãnh đạo chính quyền khi tự cho mình quyền quyết định cuối cùng về những vấn đề cụ thể thuộc quy hoạch, kế hoạch, chương trình dự án v.v... hoàn toàn không thuộc phạm vi “cương lĩnh chiến lược, định hướng về chính sách và chủ trương lớn”. Có nơi có lúc tổ chức Đảng đã coi nhẹ “công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra...” mà nặng về biện pháp hành chính; thậm chí thay cho cơ chế dân chủ bằng một số chỉ thị, nghị quyết với ý muốn chủ quan của mình. Việc lãnh đạo bằng hành động gương mẫu của đảng viên thì không phải nơi nào cũng làm được, thậm chí có không ít nơi đảng viên nêu gương xấu, làm giảm sút lòng tin của quần chúng đối với Đảng.

Sự tha hóa biến chất của một bộ phận không nhỏ đảng viên có nguyên nhân lịch sử của nó: thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, chưa có Nhà nước và nhân dân chưa làm chủ thì vào Đảng là dấn thân cho Cách mạng, sẵn sàng đi tù hay ra trường bắn. Đến thời kỳ Kháng chiến chống thực dân đế quốc thì người đảng viên phải đi đầu trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình. Còn ngày nay, khi Cách mạng đã giành lại được cả giang sơn, đất nước đỡ nghèo, ai chẳng muốn mức sống được cải thiện sau những năm dài đấu tranh gian khổ. Nền kinh tế đi vào cơ chế thị trường. Người đảng viên, nhất là đảng viên có chức quyền bắt đầu phải đối mặt với nhiều cám dỗ, trở thành mục tiêu của những viên đạn bọc đường đến từ nhiều hướng. Trong bối cảnh đó, nếu cách nghĩ “phi đảng viên bất thành lãnh đạo” tác động thì chắc chắn năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng sẽ giảm sút vì một số người sẽ coi thẻ đảng viên là chìa khóa để thăng quan tiến chức.

Về vai trò lãnh đạo của Đảng, dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước còn có đoạn: “Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý cán bộ, giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị”. Thiển nghĩ, thực tế vừa qua “sự giới thiệu” này còn có lúc bất cập. Vì thế đoạn này xin đề nghị sửa lại như sau: “...Đảng giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất tham gia ứng cử vào các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị. Các tổ chức thuộc hệ thống chính trị có thể giới thiệu thêm những người khác có đủ năng lực và phẩm chất tham gia ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của mình để tập thể lựa chọn qua bầu cử”. Làm như vậy để phát huy quyền làm chủ của các tổ chức thuộc hệ thống chính trị, qua đó, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Chính sức mạnh đại đoàn kết đó là bảo đảm vững chắc cho sự phát triển trường tồn của đất nước.

Phạm Khắc Lãm
(nguyên Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam; Phó chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.