Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống cơ quan dân cử

12/10/2010 00:07 GMT+7

Ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND TP.HCM, bày tỏ quan điểm cùng PV Thanh Niên xoay quanh việc xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về nhân dân... như nội dung Dự thảo Báo cáo chính trị của BCH T.Ư Đảng khóa X trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng .

Theo ông Khoa, để làm được điều đó, cần đổi mới, cần có một sự thay đổi căn bản, toàn diện sâu sắc trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan dân cử; đồng thời hoàn thiện cơ chế để cử tri lựa chọn và bầu những người thực sự là đại biểu của mình vào các cơ quan dân cử.

* Dự thảo nêu việc xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ XHCN và đổi mới tổ chức, hoạt động của cơ quan dân cử. Để thực hiện điều đó thì cần phải khắc phục những hạn chế gì trong thời gian qua?

- Trước hết, vai trò, vị trí của các cơ quan dân cử phải ở “đỉnh cao” thật sự trong hệ thống chính trị, trong hệ thống quyền lực nhà nước. Cần làm đậm nét điều này trong cương lĩnh, trong báo cáo chính trị, trong các định hướng chủ trương lâu dài cũng như trước mắt. Và, không chỉ thể hiện ở việc định hướng chung chung mà cần có những thể chế, quy định cụ thể để đảm bảo điều đó thành hiện thực, thành điều diễn ra hằng ngày trong cuộc sống.

 
Các đại biểu HĐND TP.HCM biểu quyết tại một kỳ họp - Ảnh: Minh Nam

Tất cả chúng ta đều đồng tình rằng, những năm gần đây, các cơ quan dân cử đã có những bước tiến quan trọng, ngày một đậm chất cơ quan quyền lực của nhân dân. Song, thực tế cho thấy hoạt động của hệ thống cơ quan dân cử vẫn còn “mang nợ” với dân, với nước nhiều lắm; vẫn còn một khoảng cách so với sự mong đợi, sự đòi hỏi của người dân, của cuộc sống. Nhiều việc, nhiều nơi còn không hiệu quả, hình thức, chiếu lệ. Nhiều đại biểu còn hoạt động cầm chừng, mờ nhạt. Còn đó những sự im lặng trước bức xúc chính đáng của cử tri.

Ở đây, chỉ đi vào một vấn đề nhỏ, vấn đề đại biểu dân cử. Họ là ai? Chất lượng đại biểu dân cử ra sao? Điều đó là một trong vài điều có tính quyết định đến chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử. Chức năng lớn nhất, cơ bản nhất, cốt lõi nhất của các cơ quan dân cử là tính đại diện. Những người đại biểu dân cử sẽ đại diện cho ai, cho những lợi ích nào, sẽ đứng ở góc độ nào khi phát biểu, biểu quyết hoặc khi đưa ra các quyết định.

Trong các cơ quan dân cử hiện nay, đại đa số các vị là quan chức, cán bộ trong cơ quan công quyền, các ban ngành. Về mặt nào đó, việc kiêm nhiệm sẽ gây sự quá tải, chồng chéo về chức năng đại diện, thậm chí có những xung đột về lợi ích. Không thể có những cơ quan dân cử làm tròn sứ mạng nặng nề cho cuộc sống và nhân dân nếu còn nhiều thành viên của nó coi công việc đại biểu là “bán chuyên nghiệp”. Tất cả các đại biểu dân cử nên là những người tự ứng cử; dù là do tổ chức đề cử cũng phải là người tự ứng cử.

Có cân nhắc, có tự nguyện tự ứng cử thì chắc rằng trách nhiệm sẽ được nâng cao, sẽ coi việc làm đại biểu là việc chính trong cuộc đời, sẽ có mối liên hệ máu thịt với nhân dân. Điều tôi quan tâm nhất trong con đường đi lên của đất nước do Đảng vạch ra trong đại hội lần này là việc xác lập vai trò, vị trí, chất lượng hoạt động của hệ thống cơ quan dân cử. Chúng ta thường nói: Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân là ở đây.

 
Đại biểu HĐND TP.HCM Đặng Văn Khoa chất vấn tình trạng lãng phí kho bãi tại kỳ họp HĐND TP - Ảnh: Minh Nam

* Trong dự thảo lần này cũng đã khẳng định có cơ chế cụ thể để nhân dân thực hiện trên thực tế quyền dân chủ trực tiếp. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

- Vấn đề này cũng đã được đặt ra trong các văn kiện của Đại hội Đảng với các định hướng, quan điểm, bước đi cẩn trọng. Trên con đường xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ XHCN thì vấn đề dân chủ trực tiếp là cần thiết, là bình thường, tất yếu, là dân chủ ở “tầm cao”.

Cần để người dân trực tiếp thể hiện quyền làm chủ của mình, trực tiếp quyết định mong muốn của mình trong các mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... bên cạnh hệ thống, thể chế dân chủ đại diện (các cơ quan HĐND, Quốc hội). Cần để người dân có thể thể hiện trực tiếp chính kiến của mình về một số vấn đề hệ trọng của quốc gia, của địa phương, những vấn đề liên quan đến Hiến pháp... chứ không phải tất cả chỉ là trách nhiệm, chỉ là quyền của các đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội. Song song với thể chế dân chủ đại diện cần mở rộng việc dân chủ trực tiếp. Cẩn trọng là cần, nhưng không nên quá e dè. Tấm lòng vì dân thì không ngại gì mở rộng dân chủ.

* Sau 1 năm thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cấp huyện, quận, phường tại 10 tỉnh, thành trong cả nước, theo đánh giá của Bộ Nội vụ, không những chẳng ảnh hưởng đến quyền dân chủ của người dân mà còn tạo thuận lợi hơn cho nhân dân khi trực tiếp tham gia quản lý hành chính nhà nước. Ông nhận định ra sao về việc này?

- Thời gian thực hiện thí điểm còn quá ngắn ngủi, tính ra mới tròn 1 năm. Chúng ta còn quá sớm để có thể kết luận và quyết định một vấn đề lớn lao và hệ trọng thuộc về quyền của người dân. Do đó, theo tôi, cần phải thực hiện hết sức thận trọng trong việc “gác” lại cơ quan quyền lực của nhân dân ở địa phương. Đã có ai tổng kết và hỏi ý dân rằng tất cả HĐND các cấp suốt thời gian qua là hình thức, là đáng bỏ đi?

Theo tôi, chúng ta cần tăng cường về số lượng, chất lượng hoạt động của các cơ quan dân cử chứ không thể làm nhỏ đi hoặc giảm bớt đi để “cho tiện, cho dễ”. Việc tăng cường thể chế dân chủ đại diện hoạt động ở “đỉnh cao” và mở rộng thể chế dân chủ trực tiếp của toàn dân sẽ góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đó mới là xã hội thực sự do dân làm chủ.

Minh Nam (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.