Nạn phong bì phổ biến trong dịch vụ y tế

07/06/2012 03:14 GMT+7

Nhận xét này được Tổ chức Hướng tới minh bạch - Cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) cùng Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật VN đưa ra ngày hôm qua.

Nạn phong bì phổ biến trong dịch vụ y tế
Biểu đồ về những địa chỉ phát sinh chi phí không chính thức - Nguồn: RTCCD cung cấp

Kết quả này có từ nghiên cứu “Chi phí không chính thức trong dịch vụ y tế: Thực trạng và giải pháp”, được tiến hành tại Hà Nội, Sơn La, Đắk Lắk và Cần Thơ từ tháng 8.2010 đến tháng 2.2011. Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra thực trạng nhức nhối: chi phí không chính thức (các khoản phải trả cho dịch vụ hay là hàng hóa mà lẽ ra theo quy định được miễn phí) là hiện tượng phổ biến trong dịch vụ y tế. Trong đó, đưa tiền trực tiếp và để tiền trong phong bì là hai cách phổ biến nhất, các hình thức khác có thể là quà bằng hiện vật và “cơ hội” mà bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân mang lại cho nhân viên y tế. Chênh lệch về giá trị các khoản tiền đưa theo phong bì giữa các bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới, giữa các cơ sở y tế ở thành thị và nông thôn, dao động từ 50.000 đồng đến 5 triệu đồng; một số trường hợp ngoại lệ có giá trị lên tới vài chục triệu đồng.

 

Mong muốn mô hình bệnh viện mẫu

Trao đổi với Thanh Niên, bác sĩ Trần Tuấn, Giám đốc RTCCD cho biết tới đây nhóm nghiên cứu sẽ đi sâu hơn về chi phí không chính thức trong dịch vụ y tế, trong đó có tình trạng lạm dụng xét nghiệm, kỹ thuật để móc túi bệnh nhân. “Từ các kết quả nghiên cứu, nguyện vọng của chúng tôi là được một địa phương nào đó phối hợp, tạo điều kiện để cho các nhà khoa học vào một bệnh viện cụ thể để xây dựng thành mô hình một bệnh viện mẫu không có tình trạng chi phí không chính thức”.

Nhân viên y tế nói chung làm việc tại khoa ngoại, khoa sản hoặc cấp cứu, trực tiếp chăm sóc bệnh nhân được nhận phong bì nhiều hơn so với các khoa đông y, cơ xương khớp. Theo bà Trần Thị Thu Hà, Phó giám đốc RTCCD, các nhân viên y tế mới ra trường nói chung (bác sĩ, y tá hoặc hộ lý) thường không dám nhận quà biếu, nhưng 3 năm “va chạm với thực tế” thì cũng bắt đầu quen. Trong khi đó, tại các khoa ngoại hoặc khoa sản chỉ cần 1 năm là "quen" do việc đưa nhận phong bì tại đây khá phổ biến.

Trong khi hầu hết nhân viên y tế cho rằng phong bì là do người bệnh tự nguyện đưa thì có 1/2 bệnh nhân được phỏng vấn cho biết họ đưa tiền hay quà vì thấy “mọi người đều làm như vậy” và 1/3 số bệnh nhân cho biết nếu không có phong bì thì các bác sĩ sẽ “thờ ơ”. Thậm chí, không ít bệnh nhân cho rằng “nếu không đưa thì sẽ không được nhìn ngó đến”. Về phía nhân viên y tế, lý do họ nhận tiền hoặc phong bì là để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, để mở rộng quan hệ xã hội hoặc đơn giản là để không làm bệnh nhân thất vọng.

Một số đại biểu đến từ Tổng hội Y học và Bộ Y tế bày tỏ băn khoăn về phương pháp khoa học của nhóm nghiên cứu cũng như tính chính xác, khách quan của kết quả. Tuy nhiên, hầu hết đều thừa nhận tình trạng chi phí không chính thức trong dịch vụ y tế hiện nay là phổ biến và là vấn nạn bức xúc của xã hội.

Thái Sơn

>> Số tiền nhỏ, hậu quả lớn
>> Khi nhà thương... khóc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.