Mục đích và động lực

27/07/2012 00:17 GMT+7

Chuyến đi Ấn Độ của Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Aston Carter đáng được chú ý không phải do chương trình nghị sự mà vì thời điểm diễn ra.

Chẳng bao lâu trước chuyến thăm này của ông Carter, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cũng tới Ấn Độ. Ngoài ra, hồi tháng 6, hai bên tiến hành đối thoại chiến lược. Tất cả những điều đó cho thấy Washington và New Delhi đặc biệt xem trọng sự hợp tác quân sự song phương để đạt tầm vóc mới. Đồng thời, đây còn là động lực quan trọng cho toàn bộ quan hệ đối tác chiến lược mà Mỹ - Ấn đang phát triển.

Sau chuyến thăm 4 ngày, các cuộc trao đổi và những gì được 2 bên công bố đều ám chỉ ba định hướng của sự hợp tác quân sự giữa Mỹ và Ấn Độ. Đó là: tham vấn và nhất trí quan điểm giữa hai chính phủ; hợp tác và phối hợp hành động giữa hai quân đội; hợp tác giữa ngành công nghiệp quân sự của hai nước.

Cả hai hiện đều không có nhu cầu cấp thiết phải dựa vào nhau để đảm bảo an ninh. Vì thế sẽ không có chuyện hai bên trở thành đồng minh của nhau. Tuy nhiên, Washington và New Delhi lại chẳng thể không dựa vào nhau nếu muốn bảo vệ lợi ích chiến lược riêng ở khu vực Nam Á nói riêng cũng như châu Á - Thái Bình Dương nói chung.

Hợp tác quân sự là hàn thử biểu chính xác hơn cả đối với mức độ tin cậy lẫn nhau trong quan hệ giữa các quốc gia. Mỹ và Ấn Độ đã đạt được mức độ hợp tác quân sự rất thiết thực và đang khai thác điều đó để làm động lực, đòn bẩy cho thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực khác.

La Phù

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.