Mưa đá sẽ còn xảy ra đến hết tháng 5

01/04/2013 04:03 GMT+7

Rạng sáng 31.3, một đợt không khí lạnh cường độ yếu tăng cường xuống miền Bắc gây mưa trên diện rộng, lượng mưa phổ biến trong khoảng 20-40 mm.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, tại Hà Nội xuất hiện mưa to, có nơi lượng mưa lên tới 45 mm, gây ngập úng cục bộ tại nhiều tuyến phố. Tại Bắc Yên (Sơn La) mưa 28 mm, Mai Châu (Hòa Bình) 31 mm, Đình Lập (Lạng Sơn) 27 mm, Cửa Ông (Quảng Ninh) có mưa to 58 mm. Mưa đều khắp đã cung cấp một lượng nước đáng kể cho cây trồng, bổ sung nước cho các hồ chứa, làm giảm nguy cơ cháy rừng ở một loạt tỉnh, thành.

Tuy nhiên, ảnh hưởng đến trước của không khí lạnh cũng đã gây ra liên tiếp những cơn mưa đá trút xuống nhiều nơi thuộc các tỉnh Sơn La, Thanh Hóa, Hà Giang và Nghệ An. Kích thước hạt đá không lớn như trong trận mưa đá lịch sử tại Si Ma Cai, Bắc Hà và Mường Khương hôm 27.3, nhưng cũng đã làm hư hại nhiều nhà cửa và hoa màu của người dân.

Theo ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, bây giờ đang là “mùa” mưa đá. “Tuy nhiên, những ngày qua, mưa đá xảy ra với tần suất dày đặc, nhiều hơn mức trung bình nhiều năm. Trong 1-2 ngày tới, nguy cơ mưa đá tiếp tục xuất hiện là rất cao”, ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, mưa đá sẽ còn tiếp tục xuất hiện ở bất kỳ đâu tại miền Bắc, từ nay cho đến hết tháng 5. Trước mắt, sau 2 ngày nữa, áp thấp nóng phía tây sẽ phát triển và mở rộng, các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ lại có nắng, một số nơi có thể có nắng nóng. Khoảng ngày 6.3, các tỉnh miền Bắc có khả năng chịu ảnh hưởng của một đợt không khí lạnh. Mặt đất đang bị hun nóng, gặp không khí lạnh tràn về, sự xung đột giữa hai khối khí nóng và lạnh tạo điều kiện cho dòng thăng phát triển mạnh, mưa đá có thể xảy ra ở bất cứ địa phương nào. “Mưa đá thường xuất hiện kèm với giông lốc, gió giật mạnh, sấm sét nên người dân cần chủ động đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan này”, ông Hải lưu ý.

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.