Một đề nghị đáng lưu ý

04/11/2012 03:00 GMT+7

Quốc hội đang họp. Nghị trường nóng bỏng những vấn đề quốc kế dân sinh, đặc biệt xoáy sâu bàn bạc, thảo luận về công cuộc phòng chống tham nhũng. Hầu hết những phát biểu, ý kiến đề xuất, tranh luận đều bày tỏ sự lo lắng trước tình trạng căn bệnh tham nhũng trầm kha.

Những lời tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội đã thể hiện nguyện vọng, bức xúc của đông đảo nhân dân.

Trong phiên thảo luận ngày 1.11, đại biểu Đỗ Văn Đương (Phó viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát, Viện KSND tối cao) đã thẳng thắn đề xuất một giải pháp ngăn ngừa, hạn chế tình trạng tội phạm. Theo ông, đối với một số loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì phải áp dụng hình phạt tù suốt đời; còn với đối tượng hình sự nguy hiểm, giết người, bọn buôn lậu ma túy, cách tốt nhất là đưa chúng ra ngoài đảo, cách ly khỏi xã hội.

Thiển nghĩ, đông đảo đại biểu cũng như nhân dân đồng tình với ông Đương. Nếu ra ngõ dễ gặp tội phạm, khốn khổ vì bọn ấy thì đưa chúng ra đảo cho khuất mắt thì còn gì bằng. Đời người có được bao nhiêu, sao cứ phải "sống chung" mãi thế, cả với đối tượng tham nhũng lẫn bọn giết người. Bất chợt, tôi nhớ dạng đề xuất như vậy đã từng xuất hiện cách nay hơn 24 năm, bởi một vị tướng.

Ông Đàm Văn Ngụy, trung tướng, một trong 34 chiến sĩ của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, năm 1956 được phong Anh hùng quân đội, từng là Tư lệnh Quân khu 1 (1987-1996), đại biểu Quốc hội khóa 8 và khóa 9. Tại một kỳ họp của Quốc hội khóa 8, năm 1988, khi các đại biểu bày tỏ sự lo lắng về tình hình gần 2 năm sau khi thực hiện chính sách cải cách, mở cửa, tệ nạn xã hội tăng lên khủng khiếp, nhất là tội phạm ma túy, tướng Đàm Văn Ngụy vốn trực tính, phong cách nhà binh đã đề nghị: không lôi thôi gì cả, đem tất cả bọn tội phạm ma túy ra một hòn đảo nào đó giam giữ, cách ly hẳn chúng khỏi cuộc sống dân lành. Ông bảo, đó là cách tốt nhất để dẹp nạn ma túy, khiến chúng chùn tay, cũng là cách hữu hiệu nhất bảo vệ cuộc sống của người dân.

Ông Ngụy khẳng định nếu không làm rốt ráo, kiên quyết, đủ mạnh, thì chả cần chờ lâu sẽ thấy hiểm họa ma túy nhãn tiền. Nó sẽ tấn công vào mọi ngõ ngách xã hội, vào từng gia đình, không tha một ai. Lúc ấy có một số đại biểu không đồng tình, cho rằng chế độ ta tốt đẹp, không thể làm thế, vi phạm quyền con người. Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo chỉ xin ghi nhận ý kiến của tướng Ngụy chứ không đưa ra biểu quyết. Rồi cũng thôi, đề nghị của tướng Đàm Văn Ngụy rơi vào quên lãng. Và ma túy hoành hành như thế nào thì ta đều biết. Hy sinh, mất mát, đau thương, tốn kém... không biết bao nhiêu mà kể sau hàng chục năm vất vả chống ma túy, và việc này vẫn còn đang tiếp tục trước bọn tội phạm ngày càng tinh vi, táo tợn.

Có thể tình thế nay đã khác nhiều. Và vẫn còn những người kế tiếp vị tướng vừa nêu như đại biểu Đỗ Văn Đương. Bây giờ không chỉ là tội phạm ma túy mà hiển hiện nhiều loại tội phạm mới, trong đó có tội phạm tham nhũng. Giải pháp xử lý hay hình phạt cách ly chúng, chặn đứng hành vi tội lỗi của chúng cần được xem xét, cân nhắc sao cho đảm bảo sự nghiêm trị và cả sự răn đe với những ai manh nha phạm tội. Nguyện vọng từ đại biểu Đương thật đáng được quan tâm.

Nguyễn Thông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.