Mánh khóe thu hàng chục ngàn USD từ lời hứa hão đưa lao động qua Nhật

10/07/2015 12:36 GMT+7

(TNO) Mặc dù không có chức năng xuất khẩu lao động nhưng Công ty TNHH Tư vấn đầu tư phát triển Việt Nhật Vinh Ron (gọi tắt là Công ty Vinh Ron) ở số 28/1/21 Phan Đình Giót, phường 2, quận Tân Bình, (TP.HCM) vẫn ồ ạt tuyển học viên với lời hứa đưa đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản.

(TNO) Mặc dù không có chức năng xuất khẩu lao động nhưng Công ty TNHH Tư vấn đầu tư phát triển Việt Nhật Vinh Ron (gọi tắt là Công ty Vinh Ron) ở số 28/1/21 Phan Đình Giót, phường 2, quận Tân Bình, (TP.HCM) vẫn ồ ạt tuyển học viên với lời hứa đưa đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản.

Trụ sở Công ty Tư vấn đầu tư Việt Nhật Vinh Ron ở đường Phan Đình Giót, Tân Bình (TP.HCM) - Ảnh: Đình Quân
Nhiều người lao động đã phải vay mượn hàng ngàn USD để đóng cho Công ty Vinh Ron rồi mòn mỏi đợi chờ lời hứa hão.

Nộp ngàn USD, đợi mỏi mòn

Trong đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng với hơn 20 người ký tên, học viên cho biết họ được Công ty Vinh Ron tuyển dụng đưa đi xuất khẩu lao động ở Nhật. Phía Công ty Vinh Ron hứa trong vòng 6 tháng kể từ ngày nộp hồ sơ, các học viên sẽ được sang Nhật.

Tin theo lời mà Công ty Vinh Ron đưa ra, nhiều người đã đóng cho công ty 1.500 USD trong đợt đầu, sau đó “khăn gói” lên TP.HCM thuê nhà trọ học nghề và tiếng Nhật theo yêu cầu của công ty.

Giấy nhận tiền mà Công ty Vinh Ron thu của học viên - Ảnh: Đình Quân
Sau khi học tiếng Nhật được khoảng 4 tháng, một số người thấy lo lắng vì thấy Công ty Vinh Ron không đả động gì đến việc đi Nhật nên đã hỏi công ty thì được trả lời là “đã đậu phỏng vấn” nhưng không ký kết hợp đồng. Sau đó công ty yêu cầu học viên phải đóng thêm 1.000 USD.

“Đến nay đã qua thời hạn 6 tháng theo cam kết ban đầu của công ty nhưng không thấy công ty ký hợp đồng gì cả. Chúng tôi muốn rút hồ sơ, đòi lại tiền thì công ty báo nếu ngưng ngang hợp đồng sẽ không trả lại tiền. Không trả một đồng nào”, đơn tố cáo nêu.

Hiện đã có vài chục người đóng tiền cho Công ty Vinh Ron. Người đóng ít nhất là 1.500 USD, người đóng nhiều là 3.000 USD. Chiều 9.7, hàng loạt học viên tập trung ở phòng trọ trên đường Lê Thúc Hoạch, quận Tân Phú (TP.HCM) mà lòng như lửa đốt vì đã quá thời hạn giao ước đã lâu mà giấc mơ sang Nhật cứ xa vời vợi. Một số học viên đã hết tiền phải trả phòng trọ để về quê.

Nhiều học viên hết tiền thuê nhà phải trả lại phòng trọ về quê mà chưa đòi được số tiền đã đóng - Ảnh: Đình Quân
Trao đổi với PV Thanh Niên Online, anh N.T.N, quê ở Bến Tre, cho biết mình tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin của Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) năm 2014. Tháng 10.2014, qua lời giới thiệu anh N. đã nộp hồ sơ để phỏng vấn đi Nhật ở Công ty Vinh Ron sau khi đã đóng 1.500 USD.

Tại công ty, anh N. được ông Wada Hideta (được giới thiệu là giám đốc công ty) phỏng vấn. Sau đó, anh N. được ông Wada báo đã đậu, đồng thời yêu cầu anh N. làm hồ sơ để công ty làm thủ tục xuất khẩu lao động. Anh N. cũng phải nộp bằng đại học và các chứng chỉ liên quan cho công ty. Sau đó, anh N. học tiếng Nhật do Công ty Vinh Ron tổ chức với học phí 6 triệu đồng.

Dù đã học tiếng Nhật hết 6 tháng nhưng anh N. không thấy Công ty Vinh Ron đả động gì việc làm visa đi Nhật như cam kết. Chưa kể, phía công ty còn yêu cầu anh N. đóng thêm hai lần tiền (lần đầu 1.000 USD, lần sau 1.200 USD) gọi là phí giới thiệu việc làm ở Nhật nhưng đều bị anh N. từ chối. Từ đây anh N. nghi ngờ cung cách làm ăn mờ ám của Công ty Vinh Ron nên đề nghị trả hồ sơ, hoàn lại tiền nhưng không được chấp nhận.

Tương tự, chị T.T.B.T, quê ở Bến Tre, tốt nghiệp Đại học Cửu Long cũng ba lần đóng tiền cho Công ty Vinh Ron tổng cộng 3.000 USD; anh T.T.Đ (Bến Tre) đóng 3.000 USD; chị L.T.B.M (Bến Tre) đóng 2.500 USD; anh N.V.B (Nghệ An) đóng 3.000 USD…

Chưa kể những người này phải tốn thêm 40 - 50 triệu đồng cho việc thuê nhà, học hành, sinh sống trong 6-7 tháng ở TP.HCM. Điều đáng nói là dù mất nhiều tiền và thời gian nhưng đến nay phần lớn học viên chưa được Công ty Vinh Ron kí hợp đồng xuất khẩu lao động.

Vi phạm pháp luật

Chiều 9.7, PV Thanh Niên Online đã liên lạc với bà Nguyễn Thị Đoan Phương, người đại diện Công ty Vinh Ron trong giấy đăng ký kinh doanh và là phó giám đốc công ty, để tìm hiểu vụ việc. Tuy nhiên, bà Phương lấy lý do bận việc không thể cung cấp thông tin.

Theo thông tin từ Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM), Công ty Vinh Ron có vốn điều lệ 1,8 tỉ đồng do Hiệp hội Xúc tiến thương mại quốc tế (Nhật Bản) và bà Nguyễn Thị Đoan Phương góp vốn. Mỗi bên góp 900 triệu đồng. Công ty này đăng ký kinh doanh lần đầu vào ngày 3.11.2014 và đăng ký thay đổi lần hai vào ngày 28.5.2015.

Trước đó, trả lời báo chí là tại sao không có chức năng xuất khẩu lao động mà lại tuyển dụng, thu tiền để đưa người lao động đi Nhật, bà Phương cho biết công ty đưa đi thông qua một công ty khác và điều này không vi phạm pháp luật.

Điều 11 Nghị định 144/2007 quy định phạt tiền từ 25 triệu - 40 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức tuyển chọn, đào tạo, thu tiền của người lao động.

Tuy nhiên, trả lời PV Thanh Niên Online chiều 9.7, ông Tống Hải Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), khẳng định Công ty Vinh Ron chưa được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp phép hoạt động xuất khẩu lao động. Cục Quản lý lao động nước ngoài cũng chưa giới thiệu công ty này với Tổ chức hợp tác đào tạo quốc tế Nhật Bản (JITCO) để đưa lao động sang Nhật. Do đó, công ty này đưa lao động sang Nhật hay bất cứ nước nào là vi phạm luật.

Ông Nam cho biết theo quy định doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động ở Việt Nam phải 100% vốn của người Việt. Tổ chức, cá nhân nước ngoài không được hoạt động trong lĩnh vực này. Do đó, Công ty Vinh Ron có vốn nước ngoài mà đưa người lao động sang Nhật là sai phạm, chưa kể công ty này chưa được được cấp phép xuất khẩu lao động.

Liên quan việc Công ty Vinh Ron không có chức năng xuất khẩu nhưng vẫn tuyển người và liên kết với công ty khác để xuất khẩu lao động, ông Nam nói: “Trường hợp này cũng không được. Bởi theo quy định công ty xuất khẩu lao động phải trực tiếp tuyển chọn lao động”.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.