Mã số công dân

20/03/2013 01:36 GMT+7

Bộ Tư pháp vừa công bố đề án khá táo bạo về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân mà theo đó người dân có thể trút được “gánh nặng giấy tờ” đeo bám lâu nay.

Đề án “Tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư” do Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - Bộ Tư pháp xây dựng, đang được lấy ý kiến rộng rãi. Theo lộ trình, đến năm 2020 sẽ đảm bảo mọi công dân đều có mã số.

 

Bố đi đăng ký khai sinh cho con chỉ cần xuất trình giấy chứng sinh và đọc mã số định danh cá nhân của mình, người ta sẽ nhập các thông tin vào cơ sở dữ liệu, người bố sẽ không cần phải xuất trình các giấy tùy thân như CMND, hộ khẩu

Một thành viên trong Ban soạn thảo đề án

12 chữ số đời người

Một trong những nội dung quan trọng nhất của đề án là số định danh cá nhân, gồm 12 chữ số, xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp cho mỗi công dân từ khi đăng ký khai sinh và gắn với họ đến khi chết, không thay đổi trong suốt cuộc đời (ngay cả trong trường hợp công dân thôi/bị tước quốc tịch, khi được trở lại/nhập quốc tịch Việt Nam, số định danh cá nhân không thay đổi), không lặp lại ở người khác, dùng để xác định dữ liệu thông tin công dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.

Về giá trị pháp lý, số định danh cá nhân được cấp cho mỗi công dân khi đăng ký khai sinh (tính từ thời điểm luật Hộ tịch có hiệu lực vào năm 2015). Đối với công dân đã đăng ký khai sinh trước ngày luật Hộ tịch có hiệu lực, số định danh cá nhân được cấp khi thực hiện thủ tục cấp mới, đổi, thay thế CMND hoặc đăng ký thường trú. Số định danh cá nhân được ghi trên giấy khai sinh và CMND. Đây là “số gốc” để truy nguyên chính xác về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ yêu cầu quản lý của ngành, lĩnh vực và được sử dụng làm cơ sở để liên kết thông tin cá nhân trong các cơ sở dữ liệu. Các ngành, lĩnh vực thực hiện quản lý cơ sở dữ liệu ngành thông qua số định danh cá nhân để kết nối, khai thác thông tin công dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để bảo đảm thống nhất thông tin.

Theo Ban soạn thảo đề án, Bộ Công an sẽ là đầu mối giúp Chính phủ quản lý kho số định danh cá nhân. Công an cấp huyện, tỉnh có thẩm quyền cấp mã số định danh đối với công dân đã đăng ký khai sinh trước ngày luật Hộ tịch có hiệu lực khi họ đến đăng ký thường trú hoặc cấp mới, đổi, thay thế CMND. UBND cấp xã cấp số định danh cá nhân cho công dân mới sinh khi đăng ký khai sinh kể từ ngày luật Hộ tịch có hiệu lực.

Trút gánh nặng giấy tờ

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, hiện nay trong cuộc đời, công dân có thể sở hữu khoảng 20 loại giấy tờ (giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế, CMND, hộ chiếu...), gắn với mỗi loại giấy tờ công dân là một con số nhất định. Với quy mô dân số lên tới gần 90 triệu, số lượng giao dịch hành chính công giữa công dân và cơ quan hành chính, sự nghiệp được thực hiện hằng năm trung bình khoảng 600.000 giao dịch/ngày. Phần lớn thủ tục hành chính đòi hỏi công dân phải tự chứng minh về nhân thân thông qua việc xuất trình hoặc nộp bản sao đã tạo nên chi phí hành chính lên tới hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm.

Mã số công dân
Mã số định danh giúp rút gọn nhiều loại giấy tờ gây phiền toái cho công dân - Ảnh: Diệp Đức Minh

Bên cạnh đó, trong tình trạng chia cắt quản lý thông tin như hiện nay, mỗi ngành, lĩnh vực chỉ có tổng số đối tượng thuộc diện quản lý, vì vậy để có được cái nhìn tổng thể về dân cư, đơn cử như khi cần thông tin về dân số, nhà nước phải đầu tư chi phí lớn vào các cuộc tổng điều tra. Việc làm này rất tốn kém và con số mang lại cũng không hoàn toàn chính xác.

Trao đổi với Thanh Niên hôm qua, một thành viên trong Ban soạn thảo đề án cho biết với việc cấp mã số định danh cá nhân cũng như vận hành được cơ sở dữ liệu quốc gia (đã hoàn thiện) thì công dân có thể rút gọn, thậm chí bỏ được nhiều loại giấy tờ có chứa các thông tin cá nhân như giấy khai sinh, đăng ký kết hôn, CMND, hộ khẩu, sơ yếu lý lịch...

 
Mệt vì khai báo

Trong 5.400 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành, Bộ Tư pháp đã thống kê sơ bộ có 1.600 thủ tục yêu cầu khai thông tin, xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao hoặc bản sao có chứng thực giấy tờ công dân. Cụ thể, công dân thường phải chứng minh nhân thân của mình bằng những thông tin cơ bản như: tên, họ, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, dân tộc, quốc tịch, quê quán, họ và tên cha, mẹ, ảnh chân dung, đặc điểm nhận dạng (tức là các nội dung có trong giấy khai sinh, CMND…).

“Lúc này, nếu một người bố đi đăng ký khai sinh cho con thì chỉ cần xuất trình giấy chứng sinh và đọc mã số định danh cá nhân của mình, người ta sẽ nhập các thông tin vào cơ sở dữ liệu, người bố không cần phải xuất trình các giấy tùy thân như CMND, hộ khẩu”, vị này cho biết.

Cũng theo vị này, giấy tờ công dân hiện rất nhiều, không chỉ đơn giản là giấy tùy thân để trong ví mà nó đôi khi là quyết định của cơ quan chức năng có thẩm quyền như quyết định nuôi con nuôi, cấp sổ đỏ. Nếu thực hiện theo đề án nói trên, thì các cơ quan nhà nước chỉ cần ra quyết định, không cần phải cấp những loại giấy tờ như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nữa. Công dân cũng chỉ cần nhớ 12 chữ số, không cần phải có thẻ từ.

Theo Ban soạn thảo, đề án được thực hiện theo lộ trình, từ nay đến năm 2014 sẽ xong cơ sở pháp lý cũng như nguồn lực về dân cư và từ năm 2015 sẽ triển khai. Đến 2020 sẽ đảm bảo mọi công dân đều có mã số định danh.

Các bộ, ngành giẫm chân lên nhau ?

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, trước khi Bộ Tư pháp soạn thảo đề án này Bộ Công an đã tiến hành dự án về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó cũng đề cập đến việc cấp mã số định danh cá nhân.

Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, Bộ Công an cho rằng đang có sự chồng chéo và sẽ gây ra sự lãng phí. Đề án của Bộ Tư pháp liên quan đến luật Hộ tịch còn của Bộ Công an có liên quan đến thông tin công dân trên nhiều lĩnh vực. “Bộ Tư pháp làm sau và có nhiều nội dung trùng với Bộ Công an. Trong khi đó dự án của Bộ Công an đã được Thủ tướng và nghị quyết của Bộ Chính trị giao làm từ trước đây”, ông Vệ cho biết.

Trong khi đó, một thành viên Ban soạn thảo đề án của Bộ Tư pháp cho rằng “không chồng chéo”. Vị này nói rõ: “Sau khi tiếp cận đề án này và tiếp cận dự thảo luật Hộ tịch mới thì thấy rằng cơ sở dữ liệu quốc gia của Bộ Công an chưa đạt được yêu cầu như mong muốn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như chưa đạt mục đích thống nhất quản lý dân cư. Chính vì thế đề án này sẽ đề nghị điều chỉnh đối với một số vấn đề dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an đang xây dựng. Hình thức vẫn là dự án Bộ Công an đang làm và thay đổi theo hướng bảo đảm mục tiêu Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra khi xây dựng luật Hộ tịch là xây dựng một cơ sở dữ liệu thống nhất về công dân để các ngành cùng khai thác sử dụng”. Cũng theo vị này, đề án của Bộ Tư pháp sẽ mang tính tổng thể hơn và có bao gồm cả dự án của Bộ Công an.

Xu hướng mới tiến bộ

Trao đổi với Thanh Niên, các chuyên gia quốc tế cho rằng việc cấp mã số định danh cá nhân là xu hướng chung trên thế giới. Nhiều nước ban đầu chỉ cấp mã số cho công dân nhằm phục vụ một mục đích nhất định nào đó, nhưng theo thời gian, mã số đó trên thực tế dần trở thành mã số định danh cá nhân. Như ban đầu, chính phủ Mỹ chỉ xây dựng hệ thống số an sinh xã hội nhằm phân bổ trợ cấp. Nhưng càng về sau, con số này được đồng nhất và hầu như trở nên thiết yếu trong các hoạt động khác như mở tài khoản ngân hàng, đăng ký thẻ tín dụng, hoặc cấp bằng lái xe.

Ở các nước trong khu vực, Hàn Quốc cấp mã số định danh gồm 13 chữ số. Thái Lan cũng cấp số định danh cá nhân với 13 chữ số từ năm 1976. Tại Singapore, mã số định danh cũng được dùng trong chứng minh thư của công dân nước này và sẽ không thay đổi cho dù chứng minh thư có làm mới. Ông Jairo Acuía - Alfaro, cố vấn về cải cách hành chính cho Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại VN nhận xét: “Đây là một động thái rất tích cực và tiến bộ cho VN và sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức trong các giao dịch thiết yếu hằng ngày của mọi công dân”.

An Điền

Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.